Thuế môi trường xăng dầu khiến người dân có cảm giác đang bị... tận thu

22/05/2018 14:58
Đỗ Thơm
(GDVN) - Đại biểu Quốc hội Thuận Hữu nói thẳng như vậy tại tại phiên thảo luận sáng 22/5 về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2017.

Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018 (trong đó có kết hợp thảo luận cùng Báo cáo về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017); quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016.

Các Đại biểu Quốc hội đều đánh giá cao các kết quả kinh tế - xã hội năm 2017 và quý I năm 2018. Về kinh tế - xã hội, sau nhiều năm chúng ta đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 13 chỉ tiêu kinh tế xã hội đề ra.

Tăng trưởng GDP đạt 6,81%, vượt kế hoạch đề ra, là mức cao nhất so với nhiều nước trong khu vực và toàn thế giới.

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phat được kiểm soát ở mức 3,53%. Các cân dối lớn của nền kinh tế được đảm bảo, bội chi ngân sách mức thấp khoảng 3,5% so với GDP, thị trường tiền tệ ổn định, dự trữ ngoại hối đạt 61,5 tỷ USD, thị trường chứng khoán khởi sắc...

Sản xuất kinh doanh tiếp tục phục hồi, phát triển toàn diện trên 3 lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu thảo luận tại tổ. (Ảnh: Đỗ Thơm)
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu thảo luận tại tổ. (Ảnh: Đỗ Thơm)

Thủ tướng cấm, sao “máu” rừng vẫn chảy?

Phát biểu thảo luận tại tổ, đại biểu Nguyễn Hạnh Phúc, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình đánh giá, năm vừa qua Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đạt được nhiều thành quả trong điều hành, phát triển kinh tế - xã hội.

Các kết quả này đã được chỉ rất rõ trong báo cáo của Chính phủ trình trước Quốc hội. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tạo ra một phong trào khởi nghiệp rõ nét.

Đặc biệt là số lượng các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp rất khởi sắc. Chính phủ đã có sự quan tâm đến nông nghiệp, nông thôn.

Trong công tác đối ngoại, vị thế của Việt Nam được đánh giá rất cao trên trường Quốc tế, các đối tác chiến lược..

Theo nhận định của đại biểu Nguyễn Hạnh Phúc, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm chỉ đạo. Tuy nhiên, sự vào cuộc chưa đồng bộ, kỷ cương hành chính chưa nghiêm.

"Thủ tướng từng nói câu “Trên nóng, dưới nóng nhưng giữa lạnh”. Câu này khiến tôi rất suy nghĩ", ông Phúc bày tỏ.

Đại biểu Nguyễn Hạnh Phúc Phúc dẫn chứng, quản lý xây dựng, quy hoạch ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội chưa nghiêm. Xây dựng sai phép, sai quy hoạch còn rất nhiều và chúng ta phạt cho tồn tại.

"Nhều địa phương xây dựng chung cư trong lõi đô thị, gây áp lực, gây tắc đường. Mỗi khi mưa đến là ngập lụt. Có doanh nghiệp xây 8 tòa nhà nhà cao tầng sát nhau, việc đảm bảo an toàn cháy nổ ra sao?

Thủ tướng Chính phủ cấm rừng nhưng sao “máu” rừng vẫn chảy", đại biểu nêu.

Một vấn đề nữa theo đại biểu Nguyễn Hạnh Phúc, Chính phủ cần quan tâm là phát triển nghề của làng nghề. Các báo cáo chưa đề cập đến điều này.

“Nghề của làng nghề giải quyết thời gian nông nhàn của nông dân. Nó hạn chế được việc di dân ra các đô thị, đem lại kinh tế cho người dân khu vực nông thôn. Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp…cần quan tâm phát triển vấn đề này”, đại biểu Phúc nêu.

Đại biểu Thuận Hữu. (Ảnh: Đỗ Thơm)
Đại biểu Thuận Hữu. (Ảnh: Đỗ Thơm)

Ai nói chống tham nhũng làm nhụt chí sản xuất kinh doanh là luận điệu xuyên tạc

Đại biểu Quốc hội Thuận Hữu, đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hải Phòng đánh giá cao các kết quả kinh tế dưới sự điều hành trực tiếp của Chính phủ. Nhưng thời gian tới, chúng ta cần kiên quyết không để lợi ích nhóm len lỏi trong tạo lập chính sách, đầu thầu các dự án.

“Việc chống tham nhũng, tiêu cực thời gian vừa qua rất đáng hoan nghênh. Thổi luồng giáo mới vào niềm tin của nhân dân rằng Đảng, Nhà nước kiên quyết chống tham nhũng, không có “vùng cấm”.

Việc này không làm nhụt chí sản xuất kinh doanh. Nếu đâu đó có ý kiến như vậy thì đó là luận điệu xuyên tạc”, đại biểu Thuận Hữu nói.

Đại biểu Thuận Hữu cho rằng, các bức xúc xã hội thời gian qua chủ yếu liên quan đến đất đai. Cách đây ít ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị về giải quyết khiếu nại, tố cáo. Qua hội nghị cũng đã nhấn mạnh, cần đẩy mạnh đẩy mạnh việc đối thoại với dân của cán bộ các cấp, nhất là cấp cơ sở phải đối thoại, phối hợp giải quyết các khiếu kiện kéo dài.

“Thực tế, cán bộ các cấp ngại tiếp dân. Buổi tiếp dân nào cũng chỉ có cán bộ tiếp dân, toàn những người không quyết được việc gì, chỉ ghi chép về báo cáo. Nếu cứ như vậy thì điệp khúc khiếu kiện kéo dài sẽ vẫn xảy ra”, ông Hữu nhận định.

Đại biểu Thuận Hữu đề đạt, mỗi một chính sách khi ban hành đều phải nghĩ đến nhân dân.

“Vừa rồi, câu chuyện thuế tài sản khiến người dư luận khá ồn ào. Tôi ủng hộ thuế tài sản, nhiều nước cũng làm. Tuy nhiên, mức khởi nguồn thu ra sao, các khoản thuế phí đang thu sẽ được tính toán thế nào. Có một ngôi nhà phải đóng rất nhiều loại phí, khiến người dân có cảm giác phí chồng phí.

Thuế môi trường đánh với với xăng dầu cũng vậy. Nó khiến người dân cảm giác đang tận thu. Điều này gây hoài nghi”, đại biểu Thuận Hữu phát biểu.

Sai sót trong nghiệm thu thanh toán là cố ý hay vô ý?

Về báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn phát biểu: “Trong báo cáo của cả hai cơ quan (Ủy ban Kinh tế và Kiểm toán Nhà nước ) có nhận định đáng lưu ý “các dự án được giao kiểm toán hầu hết đều có sai sót trong nghiệm thu thanh toán”.

Báo cáo Kiểm toán Nhà nước  đánh giá hầu hết có sai sót trong nghiệm thu thanh toán, cho nên qua kiểm toán 1497 dự án, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 10.125 tỷ đồng”- bà Thủy dẫn chứng.

Trước dẫn chứng này, bà Thủy đặt câu hỏi “những sai sót này có do lỗi cố ý hay không?”.

Bởi vì, theo bà Thủy “khi làm luật liên quan đến xử lý sai phạm, đặc biệt luật hình sự thì nói rằng tội tham ô chẳng hạn- anh nào được giao quản lý sử dụng tài sản Nhà nước, sử dụng ngân sách có hành vi cố ý với mức chiếm đoạt từ 2 triệu trở lên là đưa vào hình sự được rồi”.

Thuế môi trường xăng dầu khiến người dân có cảm giác đang bị... tận thu ảnh 3Tổng Kiểm toán “điểm mặt” hạn chế khiến ngân sách nhà nước “teo tóp”

“Đối với tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng thì anh thực hiện nhiệm vụ nhưng thiếu trách nhiệm mà gây thiệt hại tài sản 100 triệu trở lên là vào hình sự rồi.

Thế nhưng với kiểm toán và qua thẩm tra của Ủy ban Tài chính ngân sách hầu hết đều có sai sót trong nghiệm thu thanh toán…

Chúng tôi muốn Chính phủ và các Cơ quan liên quan làm rõ hầu hết sai sót trong nghiệm thu thanh toán ở đây  có lỗi cố ý hay không?”, bà Thủy nhấn mạnh.

“Chúng tôi đề nghị phân định việc này cho rõ về mặt trách nhiệm. Bởi nếu trong kỷ luật tài chính ngân sách mà chúng ta làm không nghiêm sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy.

Đầu tiên không chỉ là mất ngay khoản tiền, hoặc sử dụng không hiệu quả khoản tiền mà nhà nước giao trước mắt; hệ lụy nghiêm trọng nữa là nếu kỷ luật tài chính ngân sách không nghiêm còn dẫn đến mất cán bộ.

Nếu kỷ luật tài chính, ngân sách không nghiêm còn dung dưỡng đội ngũ cán bộ sử dụng nguồn ngân sách không chú trọng vào việc làm ăn cho hiệu quả đồng ngân sách nhà nước giao mà chỉ chú trọng bòn rút ngân sách nhà nước”, đại biểu Thủy nói.

Đỗ Thơm