Thu phí không dừng là cách tốt nhất ngăn chặn thất thoát ở dự án BOT

12/06/2019 06:09
Kiến Văn
(GDVN) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/6/2019.

Để đẩy nhanh tiến độ chuyển sang thực hiện thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng, tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia giao thông và minh bạch trong hoạt động thu phí, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/6/2019 về tình hình triển khai hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng.

Thủ tướng lưu ý, báo cáo phải nêu rõ tiến độ hoàn thành đối với từng trạm, khó khăn vướng mắc và trách nhiệm của các đơn vị có liên quan; biện pháp xử lý đối với các trường hợp không thực hiện đúng lộ trình chuyển sang thu tự động không dừng...

Người dân thực hiện kiểm đếm xe qua trạm BOT Ninh Lộc (thuộc dự án mở rộng Quốc lộ 1A, dài 38km đoạn qua phía bắc tỉnh Khánh Hòa). ảnh: vov.
Người dân thực hiện kiểm đếm xe qua trạm BOT Ninh Lộc (thuộc dự án mở rộng Quốc lộ 1A, dài 38km đoạn qua phía bắc tỉnh Khánh Hòa). ảnh: vov.

Liên quan đến các dự án BOT và minh bạch vấn đề thu phí, tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa 14 đang diễn ra, nhiều đại biểu quốc hội đã chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể.

Ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá: Bộ Giao thông vận tải đã triển khai kiểm tra, giám sát doanh thu 11 trạm thu phí BOT trên các tuyến quốc lộ và đường cao tốc. 

Kiên quyết không đầu tư dự án BOT mới vào tuyến đường độc đạo
Kiên quyết không đầu tư dự án BOT mới vào tuyến đường độc đạo

Tuy nhiên, tiến độ xử lý các vướng mắc liên quan đến các dự án BOT, minh bạch trong quản lý thu phí, thay đổi phương thức quản lý phương tiện giao thông trong bối cảnh ứng dụng công nghệ hiện đại… còn chậm, không hoàn thành việc thu phí tự động không dừng theo Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 ngày 21/10/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Kết quả kiểm toán 8 dự án BOT trong năm 2018 gửi tới Quốc hội kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn 16,2 năm và giảm giá trị đầu tư 1.059 tỷ đồng.

Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước nêu rõ, hầu hết các dự án thực hiện chỉ định nhà đầu tư, chỉ định nhà thầu thi công, xác định sai, tăng tổng mức đầu tư.

Thí dụ, dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Việt Trì - Ba Vì nối Quốc lộ 32 với Quốc lộ 32C theo hình thức hợp đồng BOT 20,17 tỷ đồng.

Dự án nâng cấp, mở rộng ĐT830 và ĐT824 từ cầu An Thạnh đến thị trấn Đức Hòa, tỉnh Long An theo hình thức hợp đồng BOT 10,6 tỷ đồng.

Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 18 đoạn Bắc Ninh - Uông Bí theo hình thức hợp đồng BOT 98,7 tỷ đồng…

Sai phạm còn thể hiện ở khâu phê duyệt dự án có sử dụng vốn hỗ trợ từ nguồn trái phiếu Chính phủ không đúng nội dung được sử dụng theo Nghị quyết số 65/2013/QH13 ngày 15/11/2013 của Quốc hội.

Sử dụng doanh thu từ trạm thu phí bổ sung vốn chủ sở hữu nhà đầu tư trong giai đoạn thi công dự án chưa hợp lý như dự án tuyến cao tốc Bắc Giang - thành phố Lạng Sơn đoạn Km45+100 - Km108+500, kết hợp tăng cường mặt đường QL1 đoạn Km1+800 - Km106+500, tỉnh Bắc Giang và tỉnh Lạng Sơn theo hình thức hợp đồng BOT.

Chưa quy định khung giá vé đối với dự án đầu tư của công trình đường, cầu đường bộ, hầm đường bộ; nghiệm thu, thanh toán sai... là những vi phạm tiếp theo được phát hiện qua kiểm toán.

Theo báo cáo, kết quả kiểm toán các dự án BOT trong năm 2018 đã giảm trừ chi phí đầu tư thực hiện 836,4 tỷ đồng, trong đó, sai khối lượng là 115,4 tỷ đồng; sai đơn giá 228,2 tỷ đồng, sai khác 492,8 tỷ đồng.

Kiểm toán nhà nước kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn của 7/8 dự án là 16,2 năm so với phương án tài chính ban đầu và giảm giá trị đầu tư 1.059 tỷ đồng, trong đó có dự án tỷ lệ xử lý lớn như dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 18 đoạn Bắc Ninh - Uông Bí giá trị xử lý tài chính bằng 11% giá trị được kiểm toán.

Thu phí không dừng là giải pháp minh bạch, đảm bảo đúng quyền lợi của nhà đầu tư, nhà nước và người dân, loại bỏ những nghi ngờ về khả năng doanh nghiệp để các khoản thu ngoài sổ sách nhằm kéo dài thời gian thu phí

Cũng liên quan tới vấn đề thu phí, vì có sự nghi ngờ mà từ cuối tháng 2 tới đầu tháng 3/2019 một nhóm người dân kết hợp với tài xế thực hiện kiểm đếm thủ công xe qua trạm BOT Ninh Lộc (thuộc dự án mở rộng Quốc lộ 1A, dài 38km đoạn qua phía bắc tỉnh Khánh Hòa) để giám sát tiền thu phí.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo (đại biểu Quốc hội khóa 13) đánh giá, việc đếm xe qua trạm cho thấy là người dân không tin tưởng vào chủ đầu tư BOT hoặc chí ít có sự nghi ngờ. Người dân đi qua trạm phải trả tiền thì họ có quyền đòi hỏi minh bạch.

Họ làm vậy là muốn biết với mức thu như vậy thì hàng ngày bao nhiêu và bao lâu thì hoàn vốn. Họ kiểm đếm xong, nếu có cung cấp số liệu tới cơ quan chức năng để lấy đó làm tham khảo thực hiện công tác quản lý cũng hoàn toàn bình thường".

Để giải quyết dứt điểm vấn đề này chỉ có cách duy nhất là áp dụng thu phí không dừng, các khoản phí buộc phải qua tài khoản ngân hàng.

Ông Bảo nêu quan điểm: "Để giải quyết triệt để những tồn tại đối với BOT giao thông và cũng để có được sự ủng hộ của người dân thì không có cách gì khác là phải minh bạch.

Phải đấu thầu công khai minh bạch ở các dự án để chọn được nhà thầu có năng lực, loại bỏ những đơn vị yếu kém. Phải công khai minh bạch để người dân biết được vốn đầu tư bao nhiêu, mức thu phí và thời gian thu phí.

Đồng thời, tất cả các trạm BOT giao thông phải lập tức đưa vào thu phí không dừng. Vấn đề này nói mấy năm nay, Thủ tướng cũng đã nhiều lần chỉ đạo mà vẫn chưa đưa vào thực tế là rất không bình thường.

Tôi đọc báo thấy có 26/44 trạm BOT đồng ý thu phí không dừng, các trạm còn lại chưa thống nhất. Cái này phải làm rõ để nhanh chóng giải quyết ngay, phải công khai minh bạch để bảo vệ nhà đầu tư, đồng thời chứng minh với người dân rằng cơ quan quản lý làm nghiêm túc, bảo vệ được quyền của người dân, giữ được niềm tin của người dân.

Thu phí không dừng thì tiền mặt không vào thẳng túi doanh nghiệp được mà sẽ vào tài khoản và như thế là minh bạch, cái đó không thể gian dối được. Vấn đề này cơ quan quản lý nhà nước, trực tiếp là Bộ Giao thông Vận tải có trách nhiệm, có thẩm quyền nên phải nhanh chóng giải quyết. Theo tôi, nếu đơn vị nào cố tình tìm lý do không chịu đưa vào thu phí không dừng phải cho dừng khai thác ngay".

Kiến Văn