"Thả nổi" giá điện theo thị trường: Không dễ!

11/06/2015 10:08
Mai anh
(GDVN) - “Hiện nay những cơ sở, những điều kiện kiên quyết để tạo ra việc bán điện theo cơ chế thị trường đúng nghĩa là chưa có ở VN...", PGS.TS Phạm Quý Thọ cho hay

Hiểu thế nào là cơ chế thị trường?

Tại Diễn đàn doanh nghiệp VN (VBF) giữa kỳ 2015, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng khẳng định đến năm 2016 sẽ điều chỉnh để giá điện hoàn toàn theo thị trường.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng khẳng định, từ năm 2011 tới nay, chưa lúc nào cung ứng điện tốt như hiện giờ; công suất dự phòng luôn đảm bảo mức 25-30% so với nhu cầu.

Theo người đứng đầu Bộ Công thương, giá điện phải theo thị trường, có sự quản lý nhà nước, đảm bảo nhà đầu tư thu hồi vốn và có lãi hợp lý.

Theo người đứng đầu Bộ Công thương, giá điện phải theo thị trường, có sự quản lý nhà nước, đảm bảo nhà đầu tư thu hồi vốn và có lãi hợp lý.
Theo người đứng đầu Bộ Công thương, giá điện phải theo thị trường, có sự quản lý nhà nước, đảm bảo nhà đầu tư thu hồi vốn và có lãi hợp lý.

“Đầu 2016, sẽ có điều chỉnh cần thiết về giá điện, để thực hiện đúng lộ trình tăng giá điện theo thị trường”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết.

Minh bạch lộ trình tăng giá điện, minh bạch chi phí cấu thành giá điện luôn là vấn đề được doanh nghiệp và người dân quan tâm. Chính vì vậy việc điều hành giá điện theo hướng thị trường là câu hỏi được đặt ra từ lâu nhưng để thực hiện được không dễ

Theo Chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong, chỉ có cơ chế thị trường khi có cạnh tranh tự do. Nghĩa là tất cả doanh nghiệp tư nhân, nhà nước, FDI đều được cạnh tranh để bán cho nhà phân phối điện là nhà nước. Lúc đó mới có giá điện cạnh tranh ở giá mua vào.

Tuy nhiên giá điện bán ra lại không có cạnh tranh vì giá bán ra do nhà nước độc quyền. 

“Trong cơ chế hiện nay, đặt ra mục tiêu 2016 bán điện theo cơ chế thị trường là không khả thi. Chắc chắn tính bao cấp và tính không cạnh tranh ngành điện là rất lớn. Bởi nhà nước hiện nay vẫn chiếm 97% sản xuất và độc quyền phân phối thì làm sao có khái niệm cạnh tranh. Muốn bán điện theo cơ chế thị trường phải tách riêng sản xuất và phân phối”, TS Nguyễn Minh Phong cho biết.

Đồng quan điểm, PGS.TS Phạm Quý Thọ - Chuyên gia chính sách công (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận định: Việt Nam hiện chưa có đủ điều kiện để thực hiện điều hành giá bán điện theo cơ chế thị trường. 

“Hiện nay những cơ sở, những điều kiện kiên quyết để tạo ra việc bán điện theo cơ chế thị trường đúng nghĩa là chưa có ở Việt Nam hoặc có không đầy đủ, vì vậy việc này rất khó để thực hiện được”, PGS.TS Phạm Quý Thọ cho hay. 

Khó thực hiện

Mặt khác theo PGS. TS Phạm Quý Thọ, trước khi nói đến điều hành giá điện theo cơ chế thị trường cần xem quan niệm thế nào là thị trường?

Trong phát biểu của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng về việc điều hành giá điện theo hướng thị trường, PGS.TS Phạm Quý Thọ cho rằng có thể Bộ Công thương đang tính phương án tăng giá điện nhưng giữ mức giá bán điện mang tính ổn định.

Đặt giả thuyết các nguồn cung cấp điện từ thủy điện, nhiệt điện… của cả doanh nghiệp trong nước, ngoài nước, doanh nghiệp nhà nước và tư nhân đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt và sản xuất của nhân dân, khi đó cơ quan quản lý nhà nước sẽ tính toán đưa ra một giá điện nào đó dựa trên cân bằng lợi ích giữa các bên. 

“Mức giá đó sẽ đưa ra mức trung bình trong cả nước. Tuy nhiên giả thuyết này cũng mang tính lý thuyết, bởi rất khó để cân bằng được mức giá điện của nhiều nguồn cung khác nhau, đồng thời rất khó để cân bằng đưa ra mức giá áp dụng chung cho tất cả các địa phương, vùng miền”, PGS.TS Phạm Quý Thọ phân tích.

Tuy mức giá bán điện không thể áp dụng chung nhưng mức giá bán điện đưa ra sẽ mang tính chất định hướng để các nhà đầu tư, kể cả nhà đầu tư nước ngoài và trong nước tự cân đối lợi nhuận đầu tư.

Khi đó doanh nghiệp đầu tư sản xuất điện sẽ cân đối giá bán và chi phí sản xuất trước khi quyết định đầu tư.

“Cơ quan quản lý chỉ đảm bảo khi nhà đầu tư vào điện sẽ được giữ mức giá bán điện này trong khoảng thời gian nhất định. Vì vậy mức giá bán điện chung được đưa ra chỉ mang tính chất tham chiếu, có tính chất định hướng đầu tư nhiều hơn”, PGS. TS Thọ cho hay.

Tại sao phải đưa ra giá bán điện mang tính chất tham chiếu?

Lý giải điều này PGS.TS Phạm Quý Thọ cho rằng, do hiện nay nhà đầu tư vẫn chê giá điện trong nước rẻ,nhất là khi so sánh với chi phí sản xuất điện từ nguồn điện có tính chất mới như điện gió. Hoặc chi phí sản xuất điện vùng sâu, vùng sa, thưa dân cư.

Bên cạnh đó, khi đưa ra một giá bán điện mang tính ổn định sẽ giúp định hướng chi phí sản xuất, đặc biệt với doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu điện như xi măng, khai thác…

Việc Bộ Công thương tuyên bố sẽ tăng giá bán điện theo cơ chế thị trường nhằm cố gắng ổn định giá điện trong sản xuất, sinh hoạt của nhân dân. "Tuy nhiên, hiểu theo nghĩa cơ chế thị trường có nghĩa là có nhiều nhà sản xuất, nhiều nhà phân phối... thì người dân và doanh nghiệp có quyền lựa chọn nhà sản xuất, nhà phấn phối điện là điều chưa bao giờ có, vì điện chủ yếu vẫn nằm trong tay nhà nước...” PGS.TS Thọ kết luận.. 

Mai anh