Tăng giá điện, EVN thu được hơn 18 nghìn tỷ đồng nhưng chưa đủ bù chi

30/05/2019 14:19
Ngọc Quang
(GDVN) - Toàn bộ nguồn doanh thu tăng thêm sau khi điều chỉnh giá điện ước tính cũng chỉ trên 18.000 tỷ đồng và được sử dụng toàn bộ để thanh toán các chi phí đầu vào.

Ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết như vậy khi thông tin tới báo chí về việc điều chỉnh tăng giá điện mà dư luận đang quan tâm.

Cụ thể, ông Lâm cho biết: “Trong năm 2019, các yếu tố đầu vào ảnh hưởng đến giá thành điện đều tăng như giá than, giá khí, giá điện cho các nhà máy điện năng lượng tái tạo, chênh lệch tỷ giá, tăng thuế môi trường... khiến chi phí dự kiến tăng hơn 20.000 tỷ đồng.

Toàn bộ nguồn doanh thu tăng thêm sau khi điều chỉnh giá điện ước tính cũng chỉ trên 18.000 tỷ đồng và được sử dụng toàn bộ để thanh toán các chi phí đầu vào đã tăng này, thậm chí còn chưa đủ để bù đắp các chi phí sản xuất điện dự kiến tăng hơn 20.000 tỷ đồng.

Chúng tôi sẽ tích cực thực hiện các biện pháp tiết kiệm chi phí để phấn đấu bảo đảm cân bằng tài chính”.

Ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng Giám đốc EVN (đứng) thông tin về việc tăng giá điện. ảnh: NQ.
Ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng Giám đốc EVN (đứng) thông tin về việc tăng giá điện. ảnh: NQ.

Theo EVN, trong tháng 4/2019, trên số liệu thực tế của hoá đơn tiền điện của các khách hàng sinh hoạt cho thấy, có đến 68,15% số hộ gia đình sử dụng điện dưới 200kWh/tháng; 15,6% số hộ gia đình sử dụng điện từ 201-300kWh; 6,6% số hộ gia đình sử dụng điện từ 301-400kWh và chỉ có 9,6% số hộ gia đình sử dụng điện từ 401kWh trở lên.

Tính đến thời điểm ngày 27/5/2019, theo số liệu thực tế hóa đơn tiền điện của khách hàng sinh hoạt tháng 5/2019 thì số hộ gia đình sử dụng điện tương tự như tháng 4/2019, số hộ gia đình sử dụng điện từ 301-400kWh và từ 401 kWh trở lên có xu hướng tăng nhẹ do thời tiết bắt đầu vào mùa hè.

Ông Nguyễn Quốc Dũng – Trưởng ban Kinh doanh EVN cho biết, EVN điều chỉnh tăng giá điện khi một loạt các yếu tố đầu vào tăng như:

Điều chỉnh giá than đợt 1, (tăng 2,61 - 7,67%) - chi phí mua điện dự kiến tăng hơn 3.182; Điều chỉnh giá than trộn gồm nội địa và nhập khẩu - Chi phí mua điện dự kiến tăng hơn 1.920 tỷ đồng; Điều chỉnh giá than đợt 2 (tăng 3,77% đối với than của TKV và 5% đối với than của Đông Bắc) - chi phí mua điện dự kiến tăng hơn 2.230 tỷ đồng;

Giá dầu thế giới (dầu HSFO) để tính giá khí thị trường (tăng 2,78%) - tăng hơn 946 tỷ đồng; Giá khí trong bao tiêu theo giá trị trường từ 20/3/2019 thực hiện theo Nghị quyết 57/2013/QH13 (tăng 44,03%) - chi phí mua điện dự kiến tăng hơn 5.852 tỷ đồng; Giá khí bao tiêu theo giá thị trường (tăng 0,23%) - chi phí mua điện dự kiến tăng hơn 589 tỷ đồng;

Giá điện cho các nhà máy thủy điện nhỏ áp dụng cho năm 2019 (tăng 1,83%) - chi phí mua điện dự kiến tăng hơn 267 tỷ đồng;

Tỷ giá đô la Mỹ (tăng 1,367%) - chi phí mua điện dự kiến tăng hơn 1.218 tỷ đồng; Chênh lệch tỷ giá theo hợp đồng mua bán điện của các nhà máy điện - chi phí mua điện dự kiến tăng hơn 3.824 tỷ đồng.

Tổng cộng các yếu tố đầu vào làm tăng giá điện là hơn 20 nghìn tỷ đồng.

EVN cho biết tăng giá điện thu được hơn 18 nghìn tỷ đồng nhưng chưa đủ bù cho yếu tố đầu vào lên tới hơn 20 nghìn tỷ đồng. ảnh: NQ.
EVN cho biết tăng giá điện thu được hơn 18 nghìn tỷ đồng nhưng chưa đủ bù cho yếu tố đầu vào lên tới hơn 20 nghìn tỷ đồng. ảnh: NQ.

Theo ông Dũng, về cách tính toán hóa đơn tiền điện trong tháng thay đổi giá điện, để thuận tiện cho khách hàng chủ động tra cứu, EVN đã thiết lập công cụ tự động trên trang thông tin điện tử của Tập đoàn ngay từ ngày 20/3/2019.

Khách hàng có thể truy cập theo đường link: https://www.evn.com.vn/c3/calc/Cong-cu-tinh-hoa-don-tien-dien-9-172.aspx để tự tính hóa đơn tiền điện cho gia đình mình.

Trả lời câu hỏi: Vì sao EVN vẫn chưa kết nối được các công tơ điện tử với máy tính, điện thoại cá nhân để người dân chủ động theo dõi các chỉ số sử dụng điện của gia đình mình?

Ông Nguyễn Quốc Dũng cho hay: "Hiện nay, EVN đang sử dụng 2 loại công tơ để đo đếm điện năng: Công tơ cơ và công tơ điện tử. Trong đó, công tơ điện tử được đưa vào sử dụng từ năm 2005 để dần dần thay thế công tơ cơ. Đến nay, EVN đã thay thế được 10 triệu công tơ điện tử trong tổng số khoảng 27 triệu khách hàng.

Tuy nhiên, việc thay thế công tơ cơ bằng công tơ điện tử cần một nguồn kinh phí rất lớn. Vì vậy, để tránh lãng phí, EVN vẫn tận dụng những công tơ cơ đang sử dụng tốt, đồng thời xây dựng lộ trình thay thế dần bằng công tơ điện tử. Mục tiêu là đến năm 2020, thay thế 100% công tơ cơ bằng công tơ điện tử ở các thành phố, thị xã và 50% ở khu vực nông thôn.

Về vấn đề kết nối công tơ điện tử với máy tính, hiện EVN đã triển khai đối với khách hàng sử dụng điện lớn, sử dụng công tơ 3 pha. Các chỉ số từ công tơ sẽ được cập nhật 30 phút/lần và công khai. Khách hàng truy cập không chỉ xem được chỉ số công tơ ở thời điểm hiện tại, mà còn tra cứu được tất cả thông số về lịch sử dụng điện năm trước, tháng trước,...

Với khách hàng sinh hoạt sử dụng công tơ một pha, để kết nối được cần đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại với nguồn vốn rất lớn. Do đó, EVN cũng đang triển khai theo lộ trình.

Về chi phí dành cho nhân công đọc chỉ số, tôi xin giải thích rõ việc đọc chỉ số chỉ là 1 trong rất nhiều nhiệm vụ của công nhân điện lực. Chính vì vậy, không thể tách bạch được phần chi phí nhân công này trong định mức công việc của công nhân điện lực.

Trong những năm qua, EVN luôn quan tâm đến công tác hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao năng suất lao động. Trong đó, năng suất lao động sản xuất kinh doanh điện toàn Tập đoàn năm 2018 đạt 2,18 triệu kWh/người, tăng 11% so với năm 2017". 

Ngọc Quang