Tái cơ cấu VNPT, phải cho cả VinaPhone ra "ở riêng"

19/02/2014 07:42
Hoàng Lực
(GDVN) - Theo PGS.TS Phạm Quý Thọ - chuyên gia chính sách công để tái cơ cấu VNPT, sau khi tách MobiFone bước tiếp theo phải tách cả VinaPhone ra khỏi tập đoàn này.

Câu chuyện tách MobiFone khỏi Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) nằm trong đề án tái cơ cấu VNPT đang thu hút sự quan tâm lớn của dư luận. Dù chưa có kết luận chính thức về số phận của MobiFone nhưng ngay lúc này nhiều viễn cảnh tương lai đã được các chuyên gia, người trong cuộc chỉ ra sau khi đề án này chính thức được phê duyệt.

Câu chuyện tái cơ cấu VNPT trong đó phương án tách MobiFone khỏi Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam đang thu hút sự quan tâm của dư luận
Câu chuyện tái cơ cấu VNPT trong đó phương án tách MobiFone khỏi Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam đang thu hút sự quan tâm của dư luận

Nhiều chuyên gia cho rằng việc tách MobiFone khỏi VNPT sẽ tốt cho cả MobiFone và VNPT. Khi đó MobiFone có được điều kiện phát triển, đồng thời sau khi MobiFone tách ra sẽ kích thích doanh nghiệp nhỏ khác trong VNPT năng động hơn.

Là chuyên gia chính sách công, có nhiều năm nghiên cứu chính sách công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, PGS.TS Phạm Quý Thọ Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng việc tách MobiFone ra khỏi VNPT là việc buộc phải làm không nên để kéo dài thêm.

PGS.TS Phạm Quý Thọ cho rằng việc tái cơ cấu VNPT bước tiếp theo cần tách VinaPhone
PGS.TS Phạm Quý Thọ cho rằng việc tái cơ cấu VNPT bước tiếp theo cần tách VinaPhone

Theo PGS.TS Phạm Quý Thọ, MobiFone là nhà mạng lớn phát triển rộng với thị phần lớn tại các thành phố, đặc biệt tại khu vực phía nam đồng thời đây là nhà mạng mang lại lợi nhuận lớn cho VNPT nhiều năm qua.

“Tôi cho rằng với vị thế hiện tại việc tách ra là có lợi cho MobiFone. Tuy nhiên lúc này MobiFone vẫn dưới sự quản lý của VNPT do vậy VNPT sẽ có sự điều tiết sao cho vừa đảm bảo lợi ích cho MobiFone đồng thời MobiFone cũng phải chia sẻ lợi lợi ích với VNPT khi tách ra”, PGS.TS Phạm Quý Thọ nhận định.

Từ đó theo ông Thọ, tái cơ cấu VNPT, tách MobiFone hoặc VinaPhone ra sẽ là câu chuyện dài, phải chờ trong thời gian tới mới có kết luận chính thức.

Tuy nhiên, đặt giả thiết khi MobiFone tách ra, PGS.TS Phạm Quý Thọ cho rằng đằng sau câu chuyện này sẽ có những tác động lớn: Thứ nhất với VinaPhone, sau MobiFone tách ra buộc nhà mạng này phải độc lập hơn, phải cạnh tranh quyết liệt hơn với chính người anh em của mình.

“Trong đó VinaPhone phải nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm biên chế, nâng cao chất lượng quản trị bộ máy… So với 2 nhà mạng lớn còn lại là MobiFone và Viettel thì VinaPhone yếu thế hơn, khi MobiFone tách ra, nếu muốn có thị phần VinaPhone buộc phải đổi mới”, ông Thọ nhận xét.

Tác động thứ hai,  khi MobiFone tách ra, mối quan hệ sẽ rành mạch hơn, thị phần viễn thông sẽ diễn ra cuộc cạnh tranh quyết liệt. Vì trước đây khi cùng thuộc VNPT thì MobiFone và VinaPhone chủ yếu tập trung cạnh tranh với Viettel và một số nhà mạng nhỏ. Nhưng nay tách ra cuộc cạnh tranh sẽ công bằng sòng phẳng hơn chắc chắn thị trường phần viễn thông sẽ có sự thay đổi.

Thứ ba với bản thân MobiFone, khi còn thuộc VNPT dù ít dù nhiều MobiFone vẫn nhận được sự hỗ trợ, vì vậy khi tách ra sự hỗ trợ đó mất đi buộc MobiFone phải độc lập hơn, chiến đấu hơn.

“Dù vậy việc tách MobiFone ra khỏi VNPT chưa phải là việc đổi mới hoàn toàn trong lĩnh vực viễn thông. Để phát triển thị trường viễn thông trong nước còn phải làm rất nhiều như đa dạng hơn nhà mạng, tách MobiFone ra khỏi VNPT phải tính đến việc có thêm cổ đông tham gia MobiFone, VinaPhone, cách tính giá như thế nào… Rất nhiều việc phải làm”, ông Thọ đưa ra quan điểm.

Cũng theo ông Thọ trong bộ máy cồng kềnh của VNPT ngoài hai nhà mạng VinPhone, MobiFone còn rất nhiều công ty lớn, với nhiều đơn vị đầu tư ngoài ngành lớn. Vì thế nếu muốn tái cơ cấu VNPT thì việc tách MobiFone chỉ là bước đầu.

“Tách MobiFone ra khỏi VNPT chỉ là bước 1, bước tiếp theo phải tách VinaPhone ra khỏi VNPT. Bởi lẽ trong khi riêng nhà mạng làm ăn có lãi nhưng lại phải gánh thua lỗ của nhưng đơn vị khác trong VNPT. Không thể lấy lợi nhuận của đơn vị này bù cho đơn vị khác. Với VNPT, muốn tái cơ cấu thực sự phải xem xét lại những lĩnh vực đầu tư ngoài ngành, sau đó có một lộ trình để tập chung vào lĩnh vực chuyên ngành. Cắt bỏ đầu tư ngoài ngành không hiệu quả, việc tách VinaPhone cần phải xem xét”, PGS.TS Phạm Quý Thọ cho biết.

Cũng liên quan đến tác động sau khi MobiFone tác ra khỏi VNPT, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng: “MobiFone tách khỏi VNPT sẽ giúp nhà mạng này phát triển tuy nhiên để những đơn vị còn lại của VNPT không chây ỳ, hoạt động tốt hơn phải phụ thuộc vào năng lực quản trị của VNPT”.

Hoàng Lực