Sự hoài nghi về biểu giá điện của EVN bao giờ mới được giải tỏa?

03/05/2019 09:00
Tùng Dương
(GDVN) - Cho đến bây giờ chưa có bất cứ cơ quan chức năng nào vào cuộc và tiến hành kiểm toán độc lập làm rõ những băn khoăn của người dân.

Những ngày vừa qua, khá nhiều ý kiến băn khoăn về việc tiền điện sinh hoạt của nhiều gia đình tháng 4 tăng vọt và có sự hoài nghi chủ yếu xoay quanh tính minh bạch về biểu giá mà EVN xây dựng.

Qua tìm hiểu thực tế, hóa đơn trả tiền điện tháng 4/2019 tại các hộ gia đình ở Hà Nội được ghi nhận tăng cao hơn hẳn so với tháng trước.

Anh Hùng (ở khu đô thị Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, tiền điện tháng 4 gia đình anh phải trả là 1,4 triệu đồng (tăng gần 600 nghìn đồng so với tháng 3).

"Đây mới là tháng đầu hè, thời tiết còn chưa nóng lắm mà tiền điện đã tăng thế này rồi, họ nói tăng 8,36% nhưng có nhà nào dùng vài chục số đâu. Nhà nào ít thì cũng trên hai trăm số, thậm chí nhiều nhà trên ba trăm số điện. Ở bậc cao thì tiền tăng vọt cách biệt hẳn so với bậc thấp, nắng nóng thế này chẳng lẽ chúng tôi tiết kiệm bằng cách không dùng điện?", anh Hùng nói.

Bà Hòa ở Nghĩa Đô, Cầu Giấy cho biết: “Tháng 4 số điện nhà tôi tăng gấp đôi tháng trước, với 267 kwh thì phải trả gần 580.000 đồng. Tôi có khiếu nại với bên điện lực thì họ giải thích là do nắng nóng nên nhà tôi dùng nhiều hơn”.

Theo ông Đinh Quang Tri - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam thì với việc tăng giá điện năm 2019 EVN sẽ thu về khoảng 20.000 tỷ đồng. Ảnh: Thông Tấn xã Việt Nam.
Theo ông Đinh Quang Tri - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam thì với việc tăng giá điện năm 2019 EVN sẽ thu về khoảng 20.000 tỷ đồng. Ảnh: Thông Tấn xã Việt Nam.

Theo kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng ban chỉ đạo giá tại cuộc họp ban chỉ đạo cuối tháng 3/2019, yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) theo dõi, đánh giá tác động gián tiếp của việc điều chỉnh giá điện.

Bộ này cũng được yêu cầu công khai, minh bạch chi phí đầu vào, kết quả sản xuất kinh doanh điện theo quy định.

Từ ngày 20/3 giá bán lẻ điện bình quân đã tăng 8,36%, lên mức giá 1.864,44 đồng một kwh. EVN cho hay số liệu sản lượng điện tiêu thụ tại Hà Nội cho thấy mức tiêu thụ tăng cao nhất đến thời điểm này là 63,4 triệu kwh (ngày 20-4-2019); tại TP.HCM là 90,04 triệu kwh (ngày 24-4-2019).

Bên cạnh đó, EVN cho biết tác động của việc điều chỉnh giá bán điện được Bộ Công thương công bố vào ngày 20/3, cùng với số ngày sử dụng điện nhiều hơn (kỳ ghi chỉ số là 31 ngày so với 28 ngày tháng trước) nên lượng điện năng tiêu thụ tăng 10,7%.

Như vậy theo EVN, kết hợp các yếu tố điện sử dụng tăng theo quy luật hằng năm vào những tháng hè (khoảng 16%) cộng với việc giá bán điện điều chỉnh (8,35 - 8,36%) làm tổng số tiền điện của kỳ hóa đơn tháng 4-2019 của các hộ dân phải trả tăng hơn so với tháng trước ít nhất trên 35%. (1)

Bảng tính giá điện chi tiết sau điều chỉnh về giá. Ảnh Minh họa.
Bảng tính giá điện chi tiết sau điều chỉnh về giá. Ảnh Minh họa.

Ông Đinh Quang Tri - Phó tổng giám đốc EVN giải thích: “EVN gần như chỉ là trung gian thu xong để trả lại cho các đối tác là cung cấp than, khí, nhà máy điện bán điện cho EVN và thuế".

Theo tính toán của EVN, phần chi trả cho giá than (đã tăng hai lần gần đây) là hơn 5.000 tỷ đồng, phần chi trả chênh lệch giữa nhập khẩu than ngoại về trộn với than nội để cung cấp cho sản xuất điện là xấp xỉ 2.000 tỷ đồng.

Hai khoản này tổng cộng là hơn 7.000 tỷ đồng. Một khoản khác có tên “chênh lệch tỷ giá của các nhà máy điện ngoài EVN” là 3.825 tỷ đồng mà EVN đang “nợ” khi giá điện năm 2018 đã đến hạn phải trả. Ngoài ra còn khoản thanh toán bổ sung chi phí mua dầu, chênh lệch mua điện tăng lên.

Đáng nói nhất là chuyện EVN phải trả hơn 6.000 tỷ đồng giá khí trong bao tiêu chuyển ra tính theo giá thị trường được EVN trả cho Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas) để đơn vị này nộp vào ngân sách nhà nước.

Tính toán trên cho thấy, đơn vị thu lợi lớn nhất chính là Ngân sách Nhà nước từ đợt tăng giá điện lần này trong khi doanh nghiệp vẫn còn phải nợ hơn 1.000 tỷ đồng. Điều này có nghĩa nguồn lực để đầu tư phát triển ngành điện là rất mong manh.

Báo Vietnamnet đưa ý kiến của ông Franz Gerner - Chuyên gia năng lượng cao cấp - Trưởng nhóm Năng lượng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam: Chính sách giá bán điện dưới mức thu hồi vốn đã làm cho thị trường điện méo mó và kém hiệu quả. Song, thách thức của ngành điện không dừng ở chỗ đó.

Ông phân tích, đầu tiên phải kể đến là phần lớn nguồn tài nguyên rẻ trong nước đã được phát huy tối đa về công suất, đặc biệt là dầu khí và thuỷ điện. Việt Nam càng ngày càng dựa vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu đắt đỏ hơn như than và khí tự nhiên.

Thứ hai, Việt Nam cũng đã trở thành một quốc gia có mức thu nhập trung bình và ngành điện không còn nhiều cơ hội tiếp cận các nguồn tài chính ưu đãi nhiều như trước đây nữa.

Cuối cùng, Chính phủ đã và đang tăng định hướng cho ngành điện hướng tới các hình thức huy động vốn theo hướng thị trường nhiều hơn thay vì sử dụng nguồn ODA và vay bảo lãnh của Chính phủ. (2)

Nhiều người hoài nghi mức tăng giá điện 8,36%, nhưng lại khiến tiền điện tăng cao nhiều hơn số đó. Ảnh minh họa: Thông Tấn xã Việt Nam.
Nhiều người hoài nghi mức tăng giá điện 8,36%, nhưng lại khiến tiền điện tăng cao nhiều hơn số đó. Ảnh minh họa: Thông Tấn xã Việt Nam.

EVN và số dư gửi ngân hàng hơn 42.000 tỷ đồng?

Theo lý giải của EVN, số dư tiền gửi 42.000 tỷ đồng được tổng hợp từ tất cả báo cáo tài chính của các đơn vị thành viên của EVN bao gồm các đơn vị sản xuất, truyền tải, phân phối và dịch vụ phụ trợ.

So với số dư nợ ngắn hạn tại cùng thời điểm phải trả của EVN thì con số này quá nhỏ chưa đủ để sử dụng cho trả nợ ngay các nhà cung cấp nhiên liệu khí, than, bán điện và trả nợ ngân hàng đến hạn.

Cơ cấu tổ chức bộ máy hiện tại của EVN có hàng chục đơn vị cấp 2 và hàng trăm đơn vị cấp 3, cấp 4 hoạt động trên các lĩnh vực đầu tư và sản xuất kinh doanh điện năng.

Sự hoài nghi về biểu giá điện của EVN bao giờ mới được giải tỏa? ảnh 4Giá điện chưa minh bạch, Bộ Công thương chịu trách nhiệm ra sao?

Để đảm bảo hoàn thành được nhiệm vụ quan trọng số một là cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội và đời sống nhân dân, vì vậy mỗi đơn vị phải duy trì một số dư tiền gửi phục vụ cho công việc thường xuyên và xử lý đột xuất.

Đối với các công ty nhiệt điện cần có một số lượng tiền lớn để mở L/C thanh toán nhiên liệu nhập khẩu hoặc thanh toán cho các đơn vị cung cấp trong nước.

Công ty mẹ EVN cần phải có một số tiền lớn đủ để thanh toán tiền mua điện hàng tháng cho các đơn vị bán điện. Doanh thu tiền điện thường tập trung vào cuối tháng trong khi nhu cầu thanh toán tiền nhiên liệu và điện mua ngoài thường tập trung vào đầu tháng.

Trong khi đó báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2018, số dư tiền gửi ngân hàng của EVN khi đó là 42.796 tỷ đồng.

Số tiền này năm 2015 và năm 2016 là khoảng 8.000-9.000 tỷ đồng. Cuối 2017 là 32.363 tỷ đồng.

Khoản tiền này đã tăng mạnh theo thời gian khiến nhiều người băn khoăn về khả năng quản trị dòng tiền của EVN. Nếu tận dụng nguồn lực này, sẽ làm tăng thu cho tập đoàn hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. (3)

Cho đến bây giờ chưa có bất cứ cơ quan chức năng nào vào cuộc và tiến hành kiểm toán độc lập làm rõ những băn khoăn của người dân. EVN thì thông báo những trường hợp người dân khiếu nại tiền điện tăng đột biến sẽ được phúc tra ngay.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là hành động từ phía EVN. Điều quan trọng mà người dân cả nước cần là sự minh bạch từ các chi phí đầu vào cho tới đầu ra của EVN cũng như các đơn vị liên quan. Biểu giá điện EVN xây dựng có đúng với quy định của Chính phủ không?

Ai, cơ quan nào trả lời chính xác vấn đề này và thực sự thuyết phục được người dân?

Tài liệu tham khảo:

(1). https://tuoitre.vn/hoa-don-tien-dien-tang-it-nhat-35-20190430090800588.htm

(2). https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/tieudiem/ai-la-nguoi-huong-loi-khi-gia-dien-tang-515335.html

(3). https://vtc.vn/evn-noi-gi-ve-so-du-tien-gui-ngan-hang-hon-42000-ty-dong-d472037.html

Tùng Dương