SHB lý giải lịch sử ngô nghê, Cục Xuất bản "đang cho kiểm tra..."

21/01/2014 07:11
Hoàng Lực - Phạm Liễu
(GDVN) - Ông Chu Văn Hòa - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) khẳng định: "Cục đã biết thông tin và đang cho kiểm tra, xử lý".

Như Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa tin, mới đây nhiều trang mạng xã hội, diễn đàn chia sẻ ảnh chụp về nội dung chú dẫn về sự tích Hồ Gươm trong tờ lịch ngày 1/1/2014 được cho là của Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB) với nội dung:“Hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) gắn liền với truyền thuyết Rùa Thần đòi gươm. Một lần nhà vua dạo chơi bằng thuyền trên mặt hồ bắt gặp một sinh vật là Rùa lớn nổi lên bơi về phía Ngài, bấy giờ Vua liền rút gươm ra để xua Rùa đi nơi khác, nhưng Rùa bất ngờ ngậm lấy thanh gươm rồi lặn mất xuống lòng hồ. Từ đó hồ được đặt tên là Hồ Hoàn Kiếm”.

Nội dung này ngay lập tức gặp phải làn sóng phản ứng mạnh mẽ của cư dân mạng khi cho rằng, một ngân hàng lớn như SHB lại có cách lý giải hết sức “ngô nghê" về một địa danh, sự kiện lịch sử.

Tờ lịch được cho là của ngân hàng SHB in về sự tích Hồ Hoàn Kiếm một cách ngô nghê khiến dư luận bức xúc.
Tờ lịch được cho là của ngân hàng SHB in về sự tích Hồ Hoàn Kiếm một cách ngô nghê khiến dư luận bức xúc.

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đại diện Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB) không khẳng định có phải lịch của ngân hàng này không nhưng cho biết sẽ xác minh lại.

Đứng ở góc nhìn của người nghiên cứu lịch sử văn hóa, GS.TS Ngô Đức Thịnh - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam cho rằng: “Đây là cách lý giải sai về cả lịch sử và văn hóa”.

GS Ngô Đức Thịnh cho biết, truyền thuyết hồ Hoàn Kiếm thực chất chỉ là biểu tượng văn hóa còn trong lịch sử không có chuyện vua Lê Lợi đánh thắng giặc Minh là nhờ mượn kiếm thần. "Tất cả chỉ là truyền thuyết được nhân dân xây dựng lên với nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đó là nhân dân Việt Nam muốn hòa bình. Sau khi chiến tranh kết thúc việc hoàn kiếm có ý nghĩa chấm dứt chiến tranh, bỏ qua chiến tranh để xây dựng hòa bình, thể hiện khát vọng sống trong hòa binh, độc lập của dân tộc ta”, GS Thịnh cho biết.

Trở lại với cách tóm tắt lịch sử trên tờ lịch in được cho là của Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB), theo GS Ngô Đức Thịnh đây là sai sót đáng trách, gây ảnh hưởng và làm hiểu sai về lịch sử, văn hóa.

Cũng liên quan đến vấn đề này trao đổi với Báo Giáo dục Việt Nam, ông Chu Văn Hòa - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành cho biết: "Sự cố mà ngân hàng SHB gặp phải chỉ là một sự cố nhỏ. Tuy nhiên, phía Cục đã biết thông tin và đang cho tiến hành kiểm tra, xử lý".

Hoàng Lực - Phạm Liễu