Sau những thiệt hại lớn vì Covid-19, doanh nghiệp du lịch đang hồi sinh mạnh mẽ

11/07/2020 06:20
Ngọc Quang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ông Lê Trung Chinh cho biết, sự phát triển của Đà Nẵng sẽ tác động rất lớn đến các tỉnh trong khu vực Miền Trung – Tây Nguyên.

Công viên châu Á - Asia Park 2020.

Tại Tọa đàm “Kích cầu du lịch Đà Nẵng: Vai trò của sản phẩm, dịch vụ giải trí đêm” diễn ra sáng 10/7, Phó Chủ tịch Thành phố Đà Nẵng – ông Lê Trung Chinh cho biết, những năm vừa qua được xác định như một điểm đến du lịch của cả nước. Thành phố đã xác định, phát triển kinh tế, dịch vụ du lịch là một trong mũi nhọn cần quan tâm đầu tư.

Thời gian qua, bằng mọi nỗ lực của thành phố, đặc biệt là sự đầu tư tâm huyết, bằng năng lực, tầm nhìn và tình yêu với Đà Nẵng, nhiều nhà đầu tư đã chọn Đà Nẵng là điểm đến và có những hoạt động đầu tư rất hiệu quả.

Cũng trong những năm qua, du lịch Thành phố Đà Nẵng cũng liên tục phát triển. Năm 2019, chúng tôi đã đón gần 8 triệu lượt du khách, trong đó khách nước ngoài xấp xỉ gần 3 triệu, góp phần quan trọng đóng góp cho tỉ trọng tăng trưởng GRDP của thành phố.

Theo đó, tỷ trọng du lịch là gần 64%. Thành phố được nhiều tổ chức du lịch và các tạp chí danh tiếng quốc tế bình chọn. Thứ hạng của Đà Nẵng luôn luôn ở vị trí cao trong bảng xếp hạng về các chỉ số du lịch, và trong số những doanh nghiệp dẫn đầu đóng góp cho sự phát triển du lịch địa phương thì cái tên nổi bật nhất chính là Tập đoàn Sun Group với nhiều dự án ấn tượng mang tầm quốc tế.

Trong nửa đầu năm 2020, đại dịch Covid 19 đã ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế toàn thế giới. Hiện nay, Việt Nam đã bằng nhiều giải pháp tích cực cơ bản kiểm soát được Covid 19.

Tuy nhiên, đối với thế giới, Covid tác động rất lớn đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội đặc biệt là du lịch. Còn với riêng Đà Nẵng, 6 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế chỉ đạt âm 3,61%.

23 năm qua, đây là lần đầu tiên thành phố Đà Nẵng bị mức tăng trưởng âm. Đời sống người dân ảnh hưởng vì mất việc làm do Covid. Các doanh nghiệp chịu nhiều tổn thất, ảnh hưởng rất lớn đặc biệt là lĩnh vực du lịch. Điều này cũng đúng vì du lịch đang chiếm tỉ trọng 64% đóng góp cho tăng trưởng kinh tế.

Khi du lịch bị ảnh hưởng thì đương nhiên tỉ trọng tăng trưởng kinh tế của chúng ta cũng sẽ sụt giảm nghiêm trọng là điều không thể tránh khỏi.

Ông Lê Trung Chinh - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Đà Nẵng.

Ông Lê Trung Chinh - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Đà Nẵng.

Để phục hồi lại việc phát triển du lịch, trong thời gian qua thành phố đã có nhiều nỗ lực, cùng sự hỗ trợ của hiệp hội các công ty bằng nhiều kênh, nhiều giải pháp.

Qua gần 1 tháng thực hiện chương trình kích cầu, lượng khách đến thành phố Đà Nẵng đạt gần 500.000 lượt khách trong vòng 1 tháng chủ yếu là khách nội địa.

Thành phố đã thiết lập sự liên kết du lịch với nhiều địa phương như Quảng Nam, Thừa Thiên Huế. Sắp tới chúng tôi sẽ thiết lập quan hệ với địa bàn du lịch trọng điểm phía Bắc là Quảng Ninh cũng như với các hãng hàng không. Thành phố đã có chính sách kích cầu như giảm giá vé tham quan 1 số điểm du lịch thành phố.

Các công ty cũng đã hỗ trợ trong giảm giá dịch vụ. Đặc biệt Tập đoàn Sun Group dành 1.000 voucher để phát cho du khách. Bằng nhiều giải pháp tích cực, dần dần du lịch thành phố đã phục hồi và trước mắt chúng tôi xác đinh trọng điểm là thị trường du lịch nội địa.

Phát triển kinh tế đêm là một lĩnh vực mới đối với đất nước chúng ta. Và với riêng Đà Nẵng, lĩnh vực này còn mới mẻ hơn. Sau khi có các chỉ đạo của Thủ tướng về việc nghiên cứu kinh tế đêm, chúng tôi đã bắt tay vào tìm các giải pháp phát triển kinh tế đêm.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai còn nhiều khó khăn. Kinh tế của Đà Nẵng còn manh mún, chưa có quy hoạch. Do đó việc phát triển kinh tế đêm để hỗ trợ cho phát triển du lịch là một trong những nhiệm vụ thành phố đặt ra trong thời gian tới.

Theo đó, thành phố có chủ trương sẽ dành ngân sách đầu tư để phát triển kinh tế đêm bằng việc xây dựng các sản phẩm các dịch vụ mới. Trước mắt, chúng tôi sẽ đầu tư khu An Thượng. Thiết kế phố đi bộ cầu Nguyễn Văn Trỗi. Tạo điều kiện cho các nhà đầu tư quan tâm phát triển du lịch nói chung và phát triển du lịch ban đêm tại thành phố được phát triển các sản phẩm mới.

Phó Chủ tịch Thành phố đánh giá đây là hội thảo rất ý nghĩa và đã tạo điều kiện để nhà đầu tư quan tâm phát triển du lịch nói chung và phát triển du lịch ban đêm tại thành phố được chia sẻ.

Thay mặt thành phố Đà Nẵng, Phó Chủ tịch Lê Trung Chinh gửi lời cảm ơn ý tưởng của 3 đơn vị trong việc đề xuất hội thảo này; cảm ơn các nhà khoa học, chuyên gia dự hội thảo.

“Qua hội thảo này, chúng tôi mong muốn nhận được những lời góp ý, giải pháp, đề xuất làm sao cho việc phát triển kinh tế đêm cũng như phát triển du lịch Đà Nẵng ngày càng tốt hơn nữa để Đà Nẵng xứng đáng là trung tâm kinh tế xã hội và du lịch của Miền Trung Tây Nguyên. Sự phát triển của Đà Nẵng sẽ tác động rất lớn đến các tỉnh trong khu vực Miền Trung – Tây Nguyên”, ông Chinh bày tỏ.

Du lịch Đà Nẵng đang phục hồi mạnh mẽ

Tại tọa đàm, bà Trương Thị Hồng Hạnh – Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, trong những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của các cấp lãnh đạo Trung ương và thành phố, sự phối hợp, hỗ trợ của các ngành, địa phương, sự đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, ngành du lịch thành phố đã đạt được một số kết quả khả quan, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội thành phố Đà Nẵng.

Tuy nhiên, từ đầu năm nay, đại dịch Covid-19 đã gây ra thiệt hại rất lớn đối với ngành du lịch Việt Nam. Riêng đối với thành phố Đà Nẵng, do ảnh hưởng của dịch covid 19, tổng khách tham quan, du lịch 6 tháng 2020 ước đạt 1,87 triệu lượt, giảm 55,9% so với cùng kỳ 2019; trong đó, khách quốc tế ước đạt 667.048 lượt, giảm 62,2%, khách nội địa ước đạt 1,2 lượt, giảm 51,4%. Ước thiệt hại do Covid 06 tháng đầu năm 2020 khoảng 5.672 tỷ đồng (Khối Lữ hành: khoảng 550 tỷ đồng; Khối lưu trú: khoảng 4000 tỷ đồng…)

Để khôi phục hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố, ngành Du lịch đã chủ động triển khai nhiều giải pháp để khôi phục hoạt động, ngoài việc triển khai chương trình kích cầu du lịch đã có tác động tốt, sức lan tỏa cao, phát triển kinh tế ban đêm có thể được xem là một trong những đòn bẩy quan trọng vừa phục vụ mục tiêu trước mắt là khôi phục hoạt động du lịch sau dịch, vừa mang tính chiến lược lâu dài.

Bà Trương Thị Hồng Hạnh – Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng chia sẻ về các giải pháp kích cầu du lịch.

Bà Trương Thị Hồng Hạnh – Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng chia sẻ về các giải pháp kích cầu du lịch.

Theo Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, kinh tế ban đêm đang dần hình thành trong thời gian gần đây với nhiều tiềm năng lợi thế đang sẵn có ban đầu như sau:

Thứ nhất, hệ thống hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất phục vụ phát triển kinh tế ban đêm tương đối hiện đại, đồng bộ. Các tài nguyên du lịch tự nhiên, nhân văn rất đa dạng, phong phú như: các bãi biển đẹp, các công trình kiến trúc, di tích lịch sử, lễ hội, làng nghề truyền thống, ẩm thực đặc sắc… đang trở thành điểm đến ưa thích cho du khách trong và ngoài nước.

Thứ hai, các hoạt động, dịch vụ về đêm (giải trí, mua sắm, ăn uống, tham quan) trên địa bàn thành phố đã cơ bản hình thành và từng bước phát triển về số lượng và chất lượng, cụ thể, trong số đó có khá nhiều những cái tên gây ấn tượng như: Sun World Đà Nẵng Wonders (Công viên châu Á), Premier Village Danang Resort; Mercure Danang French Village Ba Na Hills, Furama resort, One Opera (hoạt động 24/24h); Các show diễn như Charming Đà Nẵng, Áo dài show, Hồn Việt, Trầm tích Sông Hàn, các hoạt động sự kiện lễ hội 2 bên bờ Sông Hàn; Phố đêm, phố đi bộ

Thứ ba, môi trường an ninh, an toàn, công tác hỗ trợ du khách ngày càng được quan tâm đảm bảo, người dân Đà Nẵng thân thiện, mến khách.

Thứ tư, thương hiệu du lịch Đà Nẵng từng bước được khẳng định với danh hiệu điểm đến hấp dẫn do một số Tạp chí du lịch hàng đầu thế giới bình chọn, Top 10 danh sách các điểm đến toàn cầu năm 2020 do Google bình chọn; đặc biệt, việc tổ chức thành công Tuần lễ cấp cao APEC 2017 đã khẳng định vị trí của du lịch Đà Nẵng trong khu vực và quốc tế.

Thứ năm, sự quan tâm và chỉ đạo sâu sát của Chính phủ và lãnh đạo thành phố trong thời gian qua về nghiên cứu thúc đẩy phát triển kinh tế ban đêm; đồng thời, Chính phủ đã có những chủ trương, chính sách cởi mở hơn để thúc đẩy phát triển các hoạt động dịch vụ.

Thứ sáu, các nhà đầu tư trong và ngoài nước thể hiện sự quan tâm ngày càng lớn đối với Đà Nẵng, trong đó, có thể kể đến như Sun Group hay Vingroup… Với những tiềm lực và kinh nghiệm sẵn có của mình, các doanh nghiệp này hoàn toàn có thể xây dựng được chuỗi các dịch vụ đêm đa dạng, đẳng cấp trên địa bàn thành phố.

Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) dự báo ngành du lịch toàn cầu có thể bắt đầu phục hồi sau dịch bệnh Covid-19 từ quý IV/2020. Dự báo thị trường khách nội địa sẽ phục hồi nhanh chóng và sẽ là thị trường trọng điểm hiện tại và tương lai, tập trung vào du lịch với mục đích nghỉ ngơi, giải trí, thăm thân, du lịch công vụ M.I.C.E.

Xu hướng lựa chọn điểm du lịch có yêu cầu cao hơn về mức độ an toàn, chất lượng của điểm đến cũng như: sự hấp dẫn các sản phẩm du lịch; Chi tiêu tiết kiệm; Ưu tiên các điểm đến gần nhà và các chuyến đi ngắn ngày.

Đối với thị trường khách nội địa, theo khảo sát của The Conference Board và Niesel cho thấy 43% tiền nhàn rỗi của người tiêu dùng Việt Nam được sử dụng cho mục đích giải trí. Trong đó, tiêu dùng cho giải trí nhiều nhất đến từ bộ phận giới trẻ trung lưu hoặc thuộc các gia đình trung lưu trở lên.

Để khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, nguồn lực phát triển kinh tế, trong đó có kinh tế đêm gắn với kích cầu du lịch, Sở Du lịch sẽ triển khai một số giải pháp, cụ thể như sau:

Thứ nhất, định hướng phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn thành phố: Theo 4 nhóm hoạt động/dịch vụ gồm: văn hóa - vui chơi giải trí; ăn uống; mua sắm và du lịch (tham quan); trước mắt, chọn lọc, tổ chức khai thác các khu vực/dịch vụ sẵn có trên nguyên tắc đảm bảo mỹ quan, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, chất lượng, tính hấp dẫn, có khả năng phát triển và có hiệu quả; đồng thời hạn chế tối đa ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của người dân.

Về lâu dài, thực hiện quy hoạch và dành quỹ đất cho các cụm/khu vực trọng điểm phát triển kinh tế ban đêm riêng biệt với khu dân cư để định hướng, kêu gọi đầu tư khu tổ hợp giải trí ban đêm riêng biệt, hấp dẫn, chất lượng và tiêu chuẩn ngang tầm các điểm đến quốc tế.

Thứ hai, quy hoạch để phát triển kinh tế ban đêm: Giai đoạn 1 (dự kiến từ năm 2021 - 2023) sẽ thí điểm chọn các dịch vụ sẵn có trên 04 khu vực gồm: Phố du lịch An Thượng, Tuyến phố đi bộ Bạch Đằng - cầu Nguyễn Văn Trỗi - Trần Hưng Đạo, Tuyến đường ven biển Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa và Tuyến đường ven biển Nguyễn Tất Thành để hoàn thiện và khai thác phát triển.

Giai đoạn 2 (dự kiến từ năm 2023 - 2025) sẽ xác định một số khu vực trọng điểm gồm: Phố du lịch An Thượng, mở rộng đến đường Nguyễn Văn Thoại; Tuyến phố đi bộ Bạch Đằng - cầu Nguyễn Văn Trỗi - Trần Hưng Đạo và mở rộng ra đường Như Nguyệt, Chương Dương; Tuyến đường ven biển Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa; Tuyến đường ven biển Nguyễn Tất Thành; Khu du lịch Sun World Bà Nà Hills; Khu vực làng Vân và một số khu vực riêng biệt nằm ở phía Tây thành phố.

Thứ ba, nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế ban đêm: Nâng cao nhận thức và chuẩn bị nhân lực của bộ máy quản lý nhà nước; Xây dựng các chương trình truyền hình, phóng sự về những lợi ích mà kinh tế ban đêm mang lại và giải pháp hạn chế những rủi ro có thể xảy ra (ANTT, VSMT, VSATTP...); Tuyên truyền, phổ biến tạo sự đồng thuận của người dân…

Thứ tư, nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư, phát triển kinh tế ban đêm và trình Hội đồng nhân dân thành phố thông qua trong năm 2020

Thí điểm kéo dài thời gian tổ chức hoạt động, dịch vụ ban đêm tại một số khu vực phù hợp; trình Hội đồng nhân dân thành phố thông qua một số cơ chế chính sách như hỗ trợ miễn phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè; hỗ trợ tiền thuê đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước biển, bãi biển; hỗ trợ tiền điện, nước trong khung giờ từ 22h đêm đến 04h00 sáng ngày; hỗ trợ tiền thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải và đảm bảo an ninh trật tự, phí quảng cáo treo phướn và bảng quảng cáo, chi phí tham gia các lớp đào tạo bồi dưỡng và kinh phí cho các lực lượng thực hiện nhiệm vụ làm ngoài giờ hành chính để đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường...

Thứ năm, hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế ban đêm: Đẩy mạnh xã hội hóa, ưu tiên tăng nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng từ thành phố và tập trung hoàn thiện hạ tầng dịch vụ, các cơ sở du lịch. Đảm bảo hạ tầng về giao thông, hệ thống wifi, vệ sinh môi trường, trang trí cảnh quan… để phục vụ kinh tế ban đêm.

Thứ sáu, đầu tư phát triển sản phẩm, dịch vụ ban đêm: Phối hợp các Sở ban ngành và địa phương liên quan, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư để tập trung hoàn thiện và triển khai các dự án, kế hoạch trọng tâm: Kế hoạch phát triển kinh tế ban đêm tại Đà Nẵng đến năm 2025 lồng ghép Kế hoạch thí điểm tổ chức Phố đêm 24/7 tại quận Ngũ Hành Sơn; hoàn thiện Phố du lịch An Thượng; khởi công đầu tư tuyến phố đi bộ cầu Nguyễn Văn Trỗi; triển khai các Đề án du lịch: như Thọ Quang - Mân Thái, Nam Ô, Khu nghỉ dưỡng Mikazuki và Phố đêm Nhật Bản...

Thứ bảy, tăng cường xúc tiến, quảng bá kinh tế ban đêm: Xây dựng phóng sự, các bài viết quảng bá, video quảng bá rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội để tăng mức độ bao phủ và khả năng tiếp cận của du khách cả trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, triển khai các giải pháp về đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm và chất lượng dịch vụ; phát triển nguồn nhân lực và đảm bảo công tác quản lý nhà nước đối với kinh tế ban đêm.

“Chúng tôi tin tưởng rằng việc triển khai đồng bộ các giải pháp nêu trên với sự phối hợp, chung tay của Hiệp hội du lịch Đà Nẵng, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội, ngành du lịch sẽ khởi sắc và tiếp tục phát triển trong thời gian tới”, bà Hạnh chia sẻ.

Ngọc Quang