"Sao cứ phải BOT trên đường độc đạo như Quốc lộ 2?"

07/04/2016 07:32
Mai Anh
(GDVN) - Câu hỏi trên được TS. Nguyễn Xuân Thủy đặt ra trước đề xuất nâng cấp Quốc lộ 2 đoạn cầu Hạc Trì – TP.Tuyên Quang theo hình thức BOT.

Chiều ngày 5/4, Thứ trưởng phụ trách Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường chủ trì cuộc họp về đề xuất dự án xây dựng đường cao tốc kết nối Tuyên Quang với cao tốc Nội Bài – Lào Cai và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 2 đoạn cầu Hạc Trì – TP.Tuyên Quang theo hình thức BOT.

Cụ thể, Liên danh nhà đầu tư gồm Công ty cổ phần Quản lý và đầu tư xây dựng công trình giao thông 238, Công ty cổ phần tư vấn đầu tư và xây dựng công trình Bắc-Nam, Công ty trách nhiệm hữu hạn Phước An, Công ty cổ phần đầu tư phát triển và xây dựng Hà An đề xuất Bộ Giao thông vận tải được thực hiện hai dự án gồm: Xây dựng tuyến đường nối Tuyên Quang với cao tốc Nội Bài - Lào Cai theo hình thức hợp đồng BOT, với tổng mức đầu tư 2.787 tỷ đồng, chưa bao gồm kinh phí giải phóng mặt bằng.

Thứ trưởng phụ trách Bộ Giao thông vận tải họp bàn đề xuất của các nhà đầu tư/ ảnh Báo Giao thông vận tải
Thứ trưởng phụ trách Bộ Giao thông vận tải họp bàn đề xuất của các nhà đầu tư/ ảnh Báo Giao thông vận tải

Nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 2 đoạn từ Km53+200 (điểm cuối dự án cầu Hạc Trì, thành phố Việt Trì, Phú Thọ) đến Km 127+750 nối tuyến tránh TP.Tuyên Quang có chiều dài 74,55 km theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng.

Dự án đường mới nối TP.Tuyên Quang và cao tốc Nội Bài – Lào Cai có chiều dài khoảng 40km được phân kỳ đầu tư xây dựng với quy mô đường cao tốc gồm 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m, tốc độ thiết kế 80-100km/h.

Cả hai dự án được đầu tư theo hình thức BOT, để hoàn vốn nhà đầu tư dự kiến thu phí trên cả hai tuyến đường với thời gian 24 năm 10 tháng.

Trước đề xuất dự án nâng cấp, cải tại Quốc lộ 2 theo hình thức BOT, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhận được nhiều ý kiến góp ý khác nhau.

Không làm BOT trên tuyến đường độc đạo

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, TS. Nguyễn Xuân Thủy – nguyên Giám đốc nhà xuất bản Giao thông, người có nhiều năm nghiên cứu giao thông đô thị cho rằng, chủ trương đầu tư xây dựng đường theo hình BOT có lợi ích cho nền kinh tế, giảm bớt áp lực ngân sách nhà nước huy động được các nguồn tài chính trong xã hội nói chung.

Tuy nhiên cái lợi đó không có nghĩa đâu đâu cũng làm đường BOT.

TS. Nguyễn Xuân Thủy – nguyên Giám đốc nhà xuất bản Giao thông/ Ảnh: Hoàng Lực.
TS. Nguyễn Xuân Thủy – nguyên Giám đốc nhà xuất bản Giao thông/ Ảnh: Hoàng Lực.

“Vừa qua làm đường BOT nhưng tràn lan, phát triển thiếu quản lý, thiếu nguyên tắc và quy hoạch. Nhiều người không hiểu thì hoan nghênh, ủng hộ nên nở rộ làm đường BOT một cách lộn xộn, thiếu khoa học”, TS.Nguyễn Xuân Thủy nhận định. 

Về đề xuất nâng cấp cải tạo tuyến Quốc lộ 2, TS. Nguyễn Xuân Thủy nêu quan điểm: “Cần phải thấy rằng, người dân có quyền đi lại. Nếu BOT tất cả, gười dân đi bằng gì? Như vậy có nghĩa chúng ta thương mại hóa đường giao thông. Không thể bắt người dân đi đâu cũng phải đóng phí.

Cái thiếu hiệu nay là không có nguyên tắc đường nào được làm BOT. Đáng lẽ phải có nguyên tắc chỉ rõ đường nào được làm BOT, đường nào không, thậm chí phải được Quốc hội thông qua.

"Sao cứ phải BOT trên đường độc đạo như Quốc lộ 2?" ảnh 3

Đề nghị Thanh tra Chính phủ vào cuộc vụ chủ đầu tư Quốc lộ 51 thu phí trái luật

(GDVN) - Theo ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Thanh tra Chính phủ cần vào cuộc làm rõ sai phạm trong việc thu phí tại Quốc lộ 51.

"Sao cứ phải BOT trên đường độc đạo như Quốc lộ 2?" ảnh 4

Oằn lưng “cõng” phí BOT

(GDVN) - Ông Liên thẳng thắn chỉ ra, phí đường bộ mới là gánh nặng đẩy cơ cấu giá thành vận tải lên, đẩy giá hàng hóa tăng cao.

Ví dụ, trên một hướng đi nếu có hai đường trở lên thì làm đường BOT để người dân được lựa chọn đi đường BOT hay không, chứ không phải làm BOT trên tuyến đường độc đạo rồi bắt buộc người dân phải đi”. 

Theo TS. Nguyễn Xuân Thủy, Quốc lộ 2 là con đường độc đạo từ Hà Nội đi Tuyên Quang và Hà Giang. Đây tuyến đường được xây dựng, nâng cấp cải tạo bằng tiền ngân sách.

Nếu nâng cấp cải tạo theo hình thức BOT sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp vận tải, ảnh hưởng quyền tự do lựa chọn đi lại của người dân.

“Quốc lộ 2 đoạn cầu Hạc Trì – TP.Tuyên Quang theo tôi không nên áp dụng hình thức BOT. Nếu anh làm đường mới, rồi thu phí ra sao thì tùy vì lúc đó người dân có quyền lựa chọn. Không nên làm BOT trên tuyến đường quốc lộ, bởi các tuyến quốc lộ lâu nay người dân đi lại không mất phí. Mặt khác, anh chỉ trải lớp nhựa mới trên nền đường cũ rồi thu phí, cái đó không công bằng”, TS.Thủy nói.

Mặt đường vẫn tốt sao phải nâng cấp

Trước đề xuất nâng cấp cải tạo Quốc lộ 2 theo hình thức BOT và tiến hành thu phí sau khi đưa vào sử dụng, trao đổi với phóng viên, anh An Viết Hưng – lái xe khách 29 chỗ tuyến Yên Bái – Yên Nghĩa (chạy Quốc lộ 2) cho biết: “Hiện lái xe chúng tôi đang phải trả mức phí đường hai trạm thu phí: Trạm thu phí tại Vĩnh Yên – Vĩnh Phúc và trạm thu phí cầu Hạc Trì. Nếu nâng cấp Quốc lộ 2 đoạn cầu Hạc Trì – Tuyên Quang và thu phí thì toàn bộ xe chạy tuyến Quốc lộ 2 đều phải trả thêm mức phí khá cao”.

Vì vậy nếu tuyến Quốc lộ 2 nâng cấp cải tạo theo hình thức BOT và thu phí, có nghĩa doanh nghiệp vận tải thêm chi phí. Với xe khách, chi phí này sẽ bù lại bằng việc tăng giá vé.

Năm 2005, Quốc lộ 2 đoạn Đoan Hùng - Hà Giang có chiều dài 139km được đầu tư nâng cấp cải tạo bằng nguồn vốn bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Tổng mức đầu tư của dự án gần 500 tỷ đồng.

Là người kinh nghiệm lái xe, anh Hưng lo ngại nếu làm đường BOT trên Quốc lộ 2 và thu phí, ô tô đi tuyến Yên Bái có thể tính đến việc đi tránh sang Quốc Lộ 32C.

Anh Hưng cũng cho biết: “Hiện mặt đường trên đoạn đường Hạc Trì – Đoan Hùng (tuyến đường anh Hưng chở khách đi Yên Bái – Hà Nội và ngược lại) khá tốt, có một số nơi đường có lún, lượn sóng nhưng đang được thi công sửa chữa. Nhìn chung mặt đường tốt, khó khăn của lái xe tuyến đường này là nhiều đoạn cua”, anh Hưng cho hay.

Từ thực tế phản ánh của lái xe chạy trên Quốc lộ 2, đặt ra vấn đề đường tốt tại sao phải cần nâng cấp cải tạo và tại sao lại chọn hình thức BOT?

Bày tỏ ý kiến của mình, ông Nguyễn Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng với dự án nâng cấp, cải tạo đường cần tham khảo ý kiến người dân, doanh nghiệp vận tải tránh việc dự án nào cũng áp dụng BOT, sau đó thu phí gây bức xúc cho người dân.

Ông Nguyễn Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội/ ảnh: Hoàng Lực.
Ông Nguyễn Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội/ ảnh: Hoàng Lực.

Theo ông Liên, hiện nay đang có phong trào làm đường BOT, ở đâu cũng đua nhau làm BOT, điều này gây bức xúc cho người dân.

Trên Quốc lộ 2, ông Liên đặt câu hỏi: Cầu Việt Trì được thiết kế xây dựng, đưa vào sử dụng năm 1995, đây một cây cầu sắt bằng thép hợp kim bắt bu-lông cường độ cao sử dụng, khai thác ít nhất 50 năm.

Hàng ngày có hàng nghìn tấn hàng được vận chuyển bằng xe tải qua lại không có vấn đề gì nhưng ô tô con, xe khách lại không cho qua vì cho rằng quá tải. Có thể xe tải 40-50 tấn không nói còn xe ô tô con, xe khách tại sao không cho qua mà phải bắt đi vòng 5km qua cầu Hạc Trì để thu phí?

Theo ông Liên, cần xem lại cách làm BOT hiện nay để tránh bức xúc cho người dân mặt khác làm giảm chi phí vận tải, qua đó giảm khó khăn cho người dân.

Trước đó ngày 4/3/2016, người dân sinh sống trên địa bàn phường Bạch Hạc, TP.Việt Trì (Phú Thọ) đã tập trung tại trạm thu phí BOT cầu Hạc Trì (cầu Việt Trì mới) để phản đối việc nhà đầu tư dự án đặt trụ bê tông, ngăn ô tô đi vào cầu Việt Trì. Cách làm này của nhà đầu tư nhằm bắt người dân không được đi lại qua cầu Việt Trì mà phải đi qua cầu Hạc Trì. Cầu Hạc Trì là dự BOT có trạm thu phí.

Mai Anh