Quy định công tác kiểm toán nội bộ

26/01/2019 09:16
Nhật Minh
(GDVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định 05/2019/NĐ-CP về kiểm toán nội bộ; trong đó quy định cụ thể về công tác kiểm toán nội bộ và người làm công tác kiểm toán...

Cụ thể, về công tác kiểm toán nội bộ đối với cơ quan nhà nước, Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ phải thực hiện công tác kiểm toán nội bộ tại bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các đơn vị trực thuộc bao gồm cả đơn vị sự nghiệp trực thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải thực hiện công tác kiểm toán nội bộ tại Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Việc thực hiện công tác kiểm toán nội bộ ở các đơn vị nêu trên phải đảm bảo nguyên tắc không tăng biên chế, không phát sinh đầu mối mới.

Văn bản quy định cụ thể về công tác kiểm toán nội bộ và người làm công tác kiểm toán nội bộ. Ảnh minh họa: baochinhphu.vn
Văn bản quy định cụ thể về công tác kiểm toán nội bộ và người làm công tác kiểm toán nội bộ. Ảnh minh họa: baochinhphu.vn

Về công tác kiểm toán nội bộ đối với đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư, đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên:

Có tổng quỹ tiền lương, phụ cấp và các khoản đóng góp theo lương của số người lao động hiện có (bao gồm: số biên chế có mặt, lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ và lao động hợp đồng chuyên môn khác) trong một năm từ 20 tỷ đồng trở lên hoặc sử dụng từ 200 người lao động trở lên phải thực hiện công tác kiểm toán nội bộ.

Về công tác kiểm toán nội bộ đối với các doanh nghiệp, các đơn vị sau đây phải thực hiện công tác kiểm toán nội bộ: Công ty niêm yết; doanh nghiệp mà nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ là công ty mẹ hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con; doanh nghiệp nhà nước là công ty mẹ hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con.

Các doanh nghiệp nêu trên có thể đi thuê tổ chức kiểm toán độc lập đủ điều kiện hoạt động kiểm toán theo quy định của pháp luật để cung cấp dịch vụ kiểm toán nội bộ. Trường hợp doanh nghiệp đi thuê tổ chức kiểm toán độc lập để cung cấp dịch vụ kiểm toán nội bộ phải đảm bảo các nguyên tắc cơ bản của kiểm toán nội bộ và các yêu cầu nhằm đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của kiểm toán nội bộ.

Việc đi thuê thực hiện kiểm toán nội bộ của các doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an.

Tiêu chuẩn của người làm công tác kiểm toán nội bộ

Nghị định quy định rõ người làm công tác kiểm toán nội bộ phải có 5 tiêu chuẩn sau:

1- Có bằng đại học trở lên các chuyên ngành phù hợp với yêu cầu kiểm toán, có kiến thức đầy đủ và luôn được cập nhật về các lĩnh vực được giao thực hiện kiểm toán nội bộ.

2- Đã có thời gian từ 05 năm trở lên làm việc theo chuyên ngành đào tạo hoặc từ 03 năm trở lên làm việc tại đơn vị đang công tác hoặc từ 03 năm trở lên làm kiểm toán, kế toán hoặc thanh tra.

3- Có kiến thức, hiểu biết chung về pháp luật và hoạt động của đơn vị; có khả năng thu thập, phân tích, đánh giá và tổng hợp thông tin; có kiến thức, kỹ năng về kiểm toán nội bộ.

4- Chưa bị kỷ luật ở mức cảnh cáo trở lên do sai phạm trong quản lý kinh tế, tài chính, kế toán hoặc không đang trong thời gian bị thi hành án kỷ luật.

5- Các tiêu chuẩn khác do đơn vị quy định.

Ngoài ra, Nghị định cũng quy định cụ thể về quy chế và quy trình kiểm toán nội bộ; phương pháp thực hiện kiểm toán nội bộ; kế hoạch kiểm toán nội bộ hàng năm; báo cáo kiểm toán;...

Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/4/2019.

Nhật Minh