Nợ lương kinh niên, Vinaconex bị "sờ gáy""

13/06/2014 13:53
NHẤT NGÔN
(GDVN) - Chính phủ yêu cầu Tổng công ty cổ Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) phải khắc phục tình trạng nợ lương, bảo hiểm của lao động.

"Lệnh" cho Vinaconex khắc phục tình trạng nợ lương

Văn phòng Chính phủ vừa thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh về tình hình quản lý, sử dụng vốn Nhà nước của Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex).

Theo đó, thay mặt Thủ tướng, Phó Thủ tướng yêu cầu Vinaconex cần có biện pháp quản lý, sử dụng vốn, tài sản theo quy định của pháp luật, tập trung vào ngành nghề sản xuất kinh doanh chính; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc khắc phục tình trạng nợ lương, bảo hiểm xã hội của người lao động.

Trước đó, tình trạng công nhân tại công ty con của Vinaconex bị nợ lương kéo dài được phản ánh nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Đơn cử, báo Lao động nhận được đơn đề nghị được giúp đỡ về việc công ty nợ trên 3,7 tỷ đồng tiền lương suốt hơn 4 năm qua của 9 công nhân là tổ trưởng thuộc Công ty cổ phần Xây dựng số 15 (Vinaconex 15).

Vinaconex chậm trả lương, nợ lương của công nhân kéo dài.
Vinaconex chậm trả lương, nợ lương của công nhân kéo dài.

Cũng theo báo cáo của Bộ Xây dựng, thời gian qua, tình hình sản xuất kinh doanh của Vinaconex gặp khó khăn, sản xuất của Tổng công ty sụt giảm; chậm trả lương, nợ lương của công nhân...

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước tại doanh nghiệp (SCIC) đánh giá lại kết quả thực hiện tái cấu trúc Vinaconex, cùng các cổ đông khác tiếp tục củng cố Vinaconex theo Đề án tái cấu trúc đã được duyệt; có phương án tái cơ cấu phần vốn nhà nước đầu tư tại Vinaconex; tăng cường quản lý, giám sát việc sử dụng vốn nhà nước tại Vinaconex; hỗ trợ Vinaconex tái cơ cơ cấu tài chính. 

SCIC cũng được giao nâng cao năng lực của Người đại diện phần vốn nhà nước tại Vinaconex và chỉ đạo Người đại diện cùng Ban quản lý điều hành Vinaconex (công ty mẹ) có phương án giải quyết, xử lý nợ lương và bảo hiểm xã hội của người lao động theo chế độ quy định.

Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục chỉ đạo, hỗ trợ Vinaconex và SCIC tăng cường quản lý, giám sát và có giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, sử dụng vốn, đẩy mạnh tái cơ cấu tài chính và nâng cao năng lực quản trị; chỉ đạo các chủ đầu tư dự án, công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước do Vinaconex thực hiện để thanh, quyết toán số tiền còn nợ Vinaconex theo quy định.

Lãi nhỏ giọt, nợ lương ngất ngưởng

Báo cáo tài chính hợp nhất của Vinaconex cho biết, nợ phải trả người lao động đến 31/3/2014 khoảng 117 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận sau thuế chưa phân phối chỉ còn gần 6 tỷ đồng. 

Các khoản vay và nợ ngắn hạn, dài hạn tại thời điểm cuối tháng 3/2014 đạt hơn 6.000 tỷ đồng, vượt vốn điều lệ tại cùng thời điểm (hơn 4.400 tỷ đồng). Các khoản phải trả người bán, phải trả, phải nộp ngắn hạn khác cũng gần 4.000 tỷ đồng.

Quý I năm 2014, doanh thu thuần của Vinaconex đạt 1.587 tỷ đồng, giảm 36,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tổng lợi nhuận kế toán trước thuế của Vinaconex là 538,6 triệu đồng. Công ty lỗ hơn 10,1 tỷ đồng trong khi trong quý liền kề trước (quý IV/2013), Vinaconex lãi hơn 523 tỷ đồng sau thuế.

Tính đến 31/3/2014, khoản phải thu ngắn hạn của Vinaconex ở mức hơn 5.806 tỷ đồng. 

Năm 2014, Vinaconex đặt kế hoạch tổng doanh thu 4.010 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 305 tỷ đồng.
NHẤT NGÔN