Nỗ lực của Chính phủ và hành động của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

05/01/2018 15:41
Kiến Văn
(GDVN) - Chính phủ đang rất nỗ lực giúp cho môi trường kinh doanh ở Việt Nam tăng hạng, còn hành động của Ủy ban Chứng khoán thì sao?

Tại hội nghị trực tuyến triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 của Chính phủ với các địa phương mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khái quát 10 chữ thể hiện thông điệp của năm mới: “Kỷ cương, Liêm chính, Hành động, Sáng tạo, Hiệu quả”. 

Thủ tướng cũng nhấn mạnh: “Cán bộ nào lơ là công vụ cần được thay thế”.
Cần phải khẳng định rằng, những nỗ lực tuyệt vời của Thủ tướng Chính phủ và tập thể Chính phủ trong năm vừa qua đã tạo nên sức bật tốt hơn cho nền kinh tế. 

Cũng nhờ thế mà xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng lên nhiều bậc. Đó là điểm rất đáng mừng, và nó được thể hiện qua con số hết sức thực tế đó là vốn thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) đã lên đến gần 36 tỷ USD – một con số kỷ lục chưa từng thấy.

Chính phủ liêm chính, hành động đã từng bước xóa bỏ nhiều thủ tục không cần thiết, từ đó ngăn chặn một số cán bộ, công chức lợi dụng gây nhũng nhiễu. Việc phòng chống tham nhũng không chỉ hạn chế thất thoát do tham ô, lãng phí mà quan trọng hơn, tạo niềm tin cho doanh nghiệp, người dân và nhà đầu tư nước ngoài.

Nỗ lực của Chính phủ và hành động của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ảnh 1

Bộ Công Thương chuyển hồ sơ, vật chứng vụ Khaisilk sang cơ quan điều tra

Thế nhưng bên cạnh những niềm vui ấy vẫn còn tồn tại nhiều sự việc đáng tiếc. Đó là vụ Khaisilk bán khăn Trung Quốc gắn mác lụa tơ tằm Việt Nam.

Một thương hiệu tồn tại suốt 30 năm qua và luôn được người tiêu dùng tự hào rằng nó là của Việt Nam thì nay bỗng chốc đã vỡ vụn.

Đó là chuyện không thể cứu vãn khi mà hàng triệu người tiêu dùng phải trải qua cảm giác bị lừa dối, cho dù ông Hoàng Khải – chủ của thương hiệu này đã lên tiếng xin lỗi.

Sự đổ vỡ thương hiệu Khaisilk không chỉ đơn thuần là sự sụp đổ của một thương hiệu từ sự mất niềm tin của người tiêu dùng, mà nhìn ở góc độ khác nó còn có tác động xấu cho hình ảnh của thương hiệu Việt trong mắt bạn bè quốc tế.

Để đạt được lợi nhuận người ta sẵn sàng đạp đổ cả thương hiệu đã gây dựng nhiều năm. Vụ việc này đã được Bộ Công thương chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra, nhưng tới nay vẫn chưa có kết quả cuối cùng.

Thương hiệu KhaiSilk sụp đổ sau bê bối bán khăn Trung Quốc gắn mác Việt Nam. ảnh: TTXVN.
Thương hiệu KhaiSilk sụp đổ sau bê bối bán khăn Trung Quốc gắn mác Việt Nam. ảnh: TTXVN.

Nói đến chuyện kinh doanh gian dối, còn rất nhiều vụ việc đáng buồn liên quan tới sức khỏe của người dân. Rất nhiều người sẵn sàng vì lợi nhuận đã bơm thuốc kích thích vào hoa quả, tiêm thuốc an thần cho heo… thậm chí chờ cơ hội để tiêu thụ hàng tấn thịt hôi thối đông lạnh. 

Nói như Nhà sử học Dương Trung Quốc: "Chúng ta luôn nhìn nhận những con số, định lượng về kinh tế, kỳ họp trước đã bàn về an toàn thực phẩm nói về tác hại của nó từ kinh tế, uy tín, nòi giống, nhưng thiệt hại còn lớn hơn rất nhiều đó là suy thoái đạo đức.

Hiện tượng nuôi lợn hai chuồng, rau trồng 2 luống sẵn sàng đầu độc cho đồng bào của mình, cho người tiêu dùng nó trở thành phổ biến. Điều này là cực kỳ nguy hại".

Một câu chuyện khác nữa là trong năm 2017 có không ít đại gia, doanh nhân lại bán chui cổ phiếu. Thậm chí ngay cả một người đứng đầu doanh nghiệp lớn như FLC là ông Trịnh Văn Quyết cũng bán chui 57 triệu cổ phiếu.

Ông Trịnh Văn Quyết là người đứng đầu FLC, vì vậy mà hành động bán chui cổ phiếu nó sẽ rất khác đối với một nhà đầu tư thông thường. Cho đến nay thì ông Quyết cũng chưa hề lên tiếng giải thích về sự mập mờ này.

Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam cho rằng, việc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt ông Trịnh Văn Quyết bán chui 57 triệu cổ phiếu mang nặng cơ chế xin cho. Ảnh: Vũ Phương.
Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam cho rằng, việc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt ông Trịnh Văn Quyết bán chui 57 triệu cổ phiếu mang nặng cơ chế xin cho. Ảnh: Vũ Phương.

Trong số những người vi phạm có trường hợp bị phạt tiền, bị tuyên hủy giao dịch. Thế nhưng trường hợp bán chui 57 triệu cổ phiếu như ông Trịnh Văn Quyết thì chỉ bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phạt hành chính 65 triệu đồng.

Vì vậy mà Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đã có văn bản gửi Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đề nghị xem xét về việc xử phạt ông Quyết.

VAFI cho rằng, mức phạt hành chính đối với ông Trịnh Văn Quyết là quá nhẹ. Cho đến nay đã gần 1 tháng trôi qua, Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chưa có câu trả lời chính thức với VAFI.

Vì sao đã có nhiều quy định quản lý trong hoạt động chứng khoán nhưng ông Trịnh Văn Quyết và nhiều người khác vẫn bán chui được số lượng cổ phiếu lớn như vậy?

Nỗ lực của Chính phủ và hành động của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ảnh 4

Cần thanh tra các quyết định xử phạt của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Đặc biệt là tại sao trường hợp của ông Quyết bị xử phạt hành chính 65 triệu đồng còn nhiều trường hợp khác bị phạt ở mức cao hơn, thậm chí bị hủy giao dịch?

Đây là những câu hỏi cần sớm được minh bạch – vấn đề này nói thẳng ra là thuộc trách nhiệm của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Còn nhớ trong cuộc làm việc giữa Tổ công tác của Thủ tướng với Ngân hàng Nhà nước vào ngày 18/7/2017, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc như sau: “Thủ tướng đã nhắc nhiều lần là cần sớm có chủ trương huy động nguồn lực trong dân. Làm thế nào huy động được nguồn lực USD đang nằm trong dân để hoà vào các nguồn huy động khác phục vụ đầu tư".

Trên thực tế, muốn huy động được nguồn lực trong dân cần rất nhiều yếu tố, trong đó điều quan trọng nhất là những người cầm cân nảy mực ở các cơ quan công quyền phải hành xử thật rõ ràng, minh bạch.

Còn nếu như áp dụng nặng với người này, nhưng lại nhẹ với người khác thì không bao giờ đảm bảo được yếu tố công bằng, không có được sự minh bạch. Mà đã không minh bạch thì không thể kêu gọi được nguồn lực trong dân.

Sau một năm nhiều sóng gió, nền kinh tế nước nhà vẫn đang giữ được nhịp ổn định và có nhiều điểm sáng trong năm mới. Người dân và doanh nghiệp luôn có niềm tin liêm chính đối với Chính phủ, đặc biệt là tư tưởng kiến tạo và hành động, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp phát triển, để đời sống của người dân ngày càng tốt hơn.

Nhưng bên cạnh niềm tin liêm chính ấy cũng đã xuất hiện những vết nứt nhỏ, đó là sự lợi dụng địa vị của cán bộ nhà nước để "nặng dưới, nhẹ trên"; hay đó là sự lợi dụng kẽ hở của luật pháp để trục lợi, mà những trường hợp bán khăn Trung Quốc gắn mác Việt Nam như Khaisilk hay bán chui chứng khoán như ông Trịnh Văn Quyết là một trong nhiều thí dụ điển hình.

Vì vậy mà phải lấy Kỷ cương, Liêm chính làm đầu, còn nếu cán bộ nào lơ là công vụ cần được thay thế!

Kiến Văn