Những tin đồn đáng sợ, gây thiệt hại tiền tỷ năm 2013

19/12/2013 11:39
Hồng Anh (Tổng hợp)
(GDVN) - Đặc điểm chung của những tin đồn này là phát tán rất nhanh, ngay lập tức khiến dư luận hoang mang và hệ quả để lại là những tổn hại nặng nề về kinh tế...

Giới tài chính rúng động vì tin đồn Chủ tịch BIDV bị bắt

Sáng 21/2 trong khi Chủ tịch ngân hàng BIDV, ông Trần Bắc Hà đang chủ trì cuộc họp lãnh đạo BIDV để triển khai kế hoạch kinh doanh 2013 thì xuất hiện tin đồn ông Hà bị bắt.

Tin đồn này ngay lập tức khiến dư luận rúng động, đặc biệt là giới tài chính, ngân hàng. Sự việc sau đó được Ngân hàng BIDV và Tổng cục An ninh II thông báo trên Đài Truyền hình Việt Nam trong bản tin thời sự tối cùng ngày, tuy nhiên, ngày 22/2, vẫn còn những luồng ý kiến và suy diễn khác nhau.

Ông Trần Bắc Hà - Chủ tịch ngân hàng BIDV.
Ông Trần Bắc Hà - Chủ tịch ngân hàng BIDV.

BIDV đánh giá thông tin bịa đặt này ảnh hưởng xấu đến đến uy tín thương hiệu của mình cũng như thị trường chứng khoán, thị trường tài chính Việt Nam.

Nhận định trên báo Quân đội nhân dân, Thiếu tướng Nguyễn Hùng Lĩnh, Cục trưởng Cục An ninh tài chính, tiền tệ, đầu tư (A84) cho biết, thông tin bịa đặt nói trên xuất phát từ một số đối tượng xấu nhằm mục đích trục lợi và phá hoại thị trường tài chính, ngân hàng, hiện Cục A84 đang phối hợp với một số đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an điều tra, xác minh truy tìm thủ phạm tung tin bịa đặt nói trên.

Chính ông Trần Bắc Hà cũng khẳng định: Những kẻ tung tin đồn có thể kiếm được từ 500-700 tỷ đồng sau những biến động dữ dội trên thị trường tài chính.

Theo thống kê trên Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM, tổng thiệt hại toàn thị trường chứng khoán phiên giao dịch ngày 21/2 lên tới 33.789,1 tỷ đồng (khoảng 1,6 tỷ USD).

Ngay sau đó, Tổng cục An ninh II điều tra vụ việc "tin đồn Chủ tịch BIDV bị bắt" đã xác định 3 người liên quan: Một làm việc tại Hà Nội, một làm việc tại TP.HCM và một làm trong lĩnh vực môi trường.

Với người tung tin đồn ở Hà Nội, Bộ Thông tin Truyền thông đã xử phạt phạt 15 triệu đồng. Tương tự, 2 người còn lại cũng được xác định là có hành vi "đưa tin đồn này lên mạng xã hội vào tháng 2".

Lao đao vì tin đồn mít "ngậm" hóa chất

Giữa tháng 6/2013, xuất hiện hàng loạt tin đồn mít xanh được thu hoạch hàng loạt, sau đó ngâm hóa chất kích thích khiến mít chín, có mùi thơm không khác gì mít chín cây.

Do ảnh hưởng của tin đồn, nông dân trồng mít ở xã Mỹ Long, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) rơi vào cảnh khó khăn khi giá mít loại tốt chỉ được thu mua với giá 7.000 -8.000 đồng/kg, còn mít xấu giá còn 3.000 - 4.000 đồng/kg. Hơn nữa, cả mít trái cũng như mít giống đều rất khó khăn trong khâu tiêu thụ.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trước thông tin mít “ngậm” hóa chất gây xôn xao dư luận, trả lời trên báo Đại đoàn kết, bà Trần Thị Nguyên - quyền Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cai Lậy (Tiền Giang) khẳng định: Không hề có chuyện nông dân thu hoạch mít non để nhúng thuốc cho mau chín bởi nếu thu hoạch mít chưa già sẽ bị thối. Đối với các vựa mít, họ thường vào tận vườn mít của nông dân để đặt cọc trước nên chỉ thu hoạch khi mít già hoặc mít chín.

Hàng ngàn người khốn khổ vì "hủ tiếu gõ nấu bằng chuột cống"

Những ngày cuối tháng 10/2013, một bài viết không rõ nguồn gốc với tựa đề "Hủ tiếu gõ được nấu bằng thịt chuột cống" xuất hiện trên một số diễn đàn, mạng xã hội. Nội dung kể về việc phát hiện 5 con chuột cống nằm trong thùng nước lèo của một hàng hủ tiếu trên địa bàn TP.HCM.

Thông tin trên đã được cộng đồng mạng chia sẻ đi với tốc độ chóng mặt và bàn luận rôm rả, dù chẳng cần rõ đúng sai. Những bình luận vô căn cứ, những lời kêu gọi tẩy chay món ăn này được chia sẻ rất nhiều trên mạng xã hội sau đó.

Người bán hủ tiếu dính tin đồn "hủ tiếu gõ nấu bằng chuột cống".
Người bán hủ tiếu dính tin đồn "hủ tiếu gõ nấu bằng chuột cống".

Ngay sau khi cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, ông Huỳnh Lê Thái Hòa - Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm TP.HCM, khẳng định, chưa phát hiện trường hợp nào nấu hủ tiếu bằng chuột. Thông tin nấu nước lèo hủ tiếu bằng chuột không có cơ sở khoa học, bằng chứng để chứng minh. 

Như vậy, tin đồn "hủ tiếu gõ nấu bằng chuột cống" không những gây ảnh hưởng đến tâm lý người dân và thiệt hại lớn tới hàng ngàn hộ kinh doanh món ăn bình dân này.

Thiệt hại nặng vì tin đồn dưa hấu dùng thuốc kích thích

Những ngày giữa tháng 1/2013, người nông dân đồng bằng sông Cửu Long cũng từng bị thiệt hại nặng do tin đồn "người trồng dưa sử dụng hóa chất Trung Quốc để dưa lớn trái, ngọt hơn bình thường". Theo phản ánh của người dân, tin đồn ác ý xuất hiện khiến giá dưa bán tại ruộng từ 3.000 - 4.000 đồng/kg rớt xuống còn 1.000 - 1.500 đồng/kg nhưng rất ít thương lái đến hỏi mua.

Người nông dân đồng bằng sông Cửu Long cũng từng bị thiệt hại nặng do tin đồn "sử dụng hóa chất Trung Quốc".
Người nông dân đồng bằng sông Cửu Long cũng từng bị thiệt hại
nặng do tin đồn "sử dụng hóa chất Trung Quốc".

Ngày 24/1, ông Phan Tấn Tài, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Long, cho biết sau khi xuất hiện tin đồn, Trung tâm và Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Vĩnh Long đã kiểm tra nhiều ruộng dưa hấu trong tỉnh. Qua đó cho thấy người trồng dưa chỉ sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục được phép sử dụng.

“Tin đồn dưa hấu sử dụng hóa chất Trung Quốc chỉ là tin thất thiệt, bịa đặt” - ông Tài khẳng định.

Ngô luộc bằng kẽm, chì "hại chết" người trồng ngô

Những ngày đầu tháng 5, tin đồn thất thiệt về các cơ sở luộc bắp ở Hội An dùng pin kẽm, muối diêm và các hóa chất độc hại để luộc bắp nhằm tạo màu và giữ cho bắp lâu hư gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng rộ lên từ những ngày trước tết khiến người tiêu dùng không dám mua bắp luộc để ăn.

Còn nông dân trồng bắp ở các phường của TP.Hội An thì đang méo mặt vì loại bắp nếp nổi tiếng của vùng đất Hội An đến mùa thu hoạch mà chẳng có người nào đến mua.

Người dân Hội An khổ vì tin đồn luộc ngô bằng kẽm, chì.
Người dân Hội An khổ vì tin đồn luộc ngô bằng kẽm, chì.

Chủ tịch hội nông dân TP. Hội An Phan Văn Liêu cho biết, do tin đồn thất thiệt mà người nông dân trồng bắp Hội An lâm vào cảnh khốn khổ.

“Chúng tôi đang báo cáo chính quyền và mời cơ quan có thẩm quyền về kiểm tra, giám định để trả lại sự trong sáng cho bắp Hội An và những người nấu bắp. Không có chuyện người nấu bắp dùng hóa chất độc hại…”, ông Liêu cho biết.

Phòng Kinh tế TP. Hội An cũng đã có báo cáo lên UBND TP.Hội An về thực trạng trái bắp bị ế chỉ vì tin đồn. Giá giảm gần 50% so với các vụ thu hoạch trước, gây thiệt hại nặng nề cho nông dân và người buôn bán bắp.

Hạt hướng dương có chất gây teo não

Đầu tháng 4/2013, xuất hiện hàng loạt thông tin phát hiện trong hạt hướng dương có chất gây teo não. Đại diện một doanh nghiệp cho hay, khi có tin đồn ăn hạt hướng dương có chất gây teo não, chỉ trong một ngày, hàng loạt đối tác phản hồi, trả sản phẩm, thị trường tiêu thụ tê liệt.

Sau khi được minh oan, thị trường mới chỉ hồi phục được 70%.

Hướng dương bị đồn có chất gây teo não.
Hướng dương bị đồn có chất gây teo não.

Trả lời trên tờ Kiến thức, ông Nguyễn Thanh Phong - Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết: "Sau khi thông tin hướng dương Trung Quốc chứa nhiều chất độc hại có nguy cơ gây teo não được báo chí đăng tải, cục đã thực hiện lấy mẫu kiểm tra tổng số 24 mẫu (17 mẫu hạt hướng dương chín và 07 mẫu nguyên liệu sống) trên địa bàn 4 tỉnh TP.HCM, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai. 

Trong đó tại TP.Hồ Chí Minh giám sát 05 mẫu hạt hướng dương chín, tại Quảng Ninh giám sát 05 mẫu (02 mẫu hạt hướng dương sống và 03 mẫu hạt chín). Tại Lạng Sơn giám sát 9 mẫu (03 mẫu hạt hướng dương sống và 06 mẫu hạt chín) và tại tỉnh Lào Cai giám sát 5 mẫu (02 mẫu hạt hướng dương sống và 03 mẫu hạt chín).

Kết quả đều không phát hiện tồn dư các chất độc hại, không phát hiện độc tố và chất gây teo não như thông tin cảnh báo".

Hồng Anh (Tổng hợp)