Những dấu ấn quan trọng của kinh tế tư nhân Việt Nam năm 2020

17/02/2021 06:39
Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Năm 2020, Việt Nam đã nỗ lực vượt qua thách thức chưa từng có, ghi nhận nhiều thành công mới, trong đó có những đóng góp vô cùng quan trọng của kinh tế tư nhân.

Nhiều doanh nghiệp chuyển hướng sang công nghiệp và công nghệ

Trong năm vừa qya, cả nước có 134,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập, giảm 2,3% so với năm trước, nhưng số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp lại tăng 32,3%, đạt 16,6 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, còn có 44,1 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 11,9% so với năm 2019, nâng tổng số doanh nghiệp hoạt động trong năm 2020 lên 179 nghìn doanh nghiệp, tăng 0,8% so với năm trước. Trung bình mỗi tháng có 14,9 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, so với gần 8,5 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Năm 2020, khu vực kinh tế tư nhân đã đóng góp khoảng 42% GDP, 30% thu ngân sách Nhà nước, 53% tổng vốn đầu tư của nền kinh tế Việt Nam và chiếm 83,3% vị trí việc làm xã hội, tức khoảng 45,2 triệu người.

Đặc biệt, tháng 6/2020, Việt Nam đã trở thành nhà xuất khẩu lớn nhất hàng may mặc vào Mỹ, vị trí mà Trung Quốc chiếm giữ nhiều năm nay. Hiệp hội Dệt may Việt Nam dự báo, dù năm 2021 ngành dệt may Việt Nam vẫn tiếp tục đối mặt với không ít khó khăn, song giai đoạn 2022-2023 sẽ từng bước hồi phục, bật lên mạnh mẽ do có nhiều nhãn hàng thời trang đã bày tỏ ý định sẽ tăng mua sản phẩm dệt may từ Việt Nam sau dịch Covid-19.

Cán cân thương mại hàng hóa năm 2020 ước tính xuất siêu 19,1 tỷ USD, mức cao nhất trong 5 năm liên tiếp xuất siêu kể từ 2016. Trong thành công của xuất khẩu năm 2020, có phần đóng góp tích cực của kinh tế tư nhân trong nước, nhất là ở các trung tâm doanh nghiệp lớn của cả nước: Tính chung cả năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn Hà Nội ước tính đạt 16,0 tỷ USD, tăng 1,8% so với năm 2019; trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 9,8 tỷ USD (chiếm 61,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu), tăng 6,6%; còn khu vực đầu tư nước ngoài đạt 6,2 tỷ USD (chiếm 38,5%), giảm 5,1%.

Việt Nam đã có những thương hiệu đẳng cấp được thế giới đánh giá cao.

Việt Nam đã có những thương hiệu đẳng cấp được thế giới đánh giá cao.

Tại Hội nghị "Hà Nội 2020 - hợp tác và phát triển" có sự tham gia của 540 doanh nghiệp và gần 2 nghìn đại biểu trong nước và quốc tế, thành phố đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 229 dự án, với tổng tương đương 17,6 tỷ USD, trong đó có 100 dự án trong nước trị giá 227,5 nghìn tỷ đồng; 22 dự án FDI với tổng 5,7 tỷ USD, và 107 dự án đầu tư công. So với hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2016, tổng dự án tăng gấp 5 lần và vốn tăng gấp 11 lần.

Trong loạt giải thưởng du lịch Việt Nam giành được ở châu Á, các doanh nghiệp Việt Nam vinh dự đứng đầu ở 3 hạng mục: Điểm đến di sản, Điểm đến văn hóa và Điểm đến ẩm thực. Đây là năm thứ hai liên tiếp Việt Nam được bình chọn ở cả 3 hạng mục trên.

Ngoài ra, Việt Nam còn giành danh hiệu Điểm đến golf tốt nhất châu Á lần thứ tư liên tiếp. Ngoài ra, Việt Nam còn đứng đầu 16 hạng mục khác ở các lĩnh vực lữ hành, hàng không, khách sạn, resort...

Theo thống kê, hiện tại đã có 29 doanh nghiệp Việt Nam có giá trị vốn hóa trên 1 tỷ USD trên thị trường chứng khoán, trong đó phải kể tới những tên tuổi lớn như Vingroup, Masan, Vietjet, Techcombank, Novaland... Việt Nam cũng đã có những tỷ phú USD đầu tiên như ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Tổng giám đốc Vietjet, ông Trần Bá Dương - Chủ tịch Thaco, ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch Masan...

Trong danh sách 200 công ty có doanh thu trên 1 tỷ USD tốt nhất tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương do Forbes Asia 2019 công bố danh sách, có 7 doanh nghiệp của Việt Nam. Cũng trong danh sách tỷ phú USD thế giới được Forbes vinh danh, đã có 5 tỷ phú USD đến từ Việt Nam.

Đến nay, trên cả nước đã có một số tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp của tư nhân có quy mô, tiềm lực tài chính lớn và quản trị, công nghệ hiện đại, đi tiên phong trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng, như sản xuất ôtô, hàng không, công nghệ thông tin, viễn thông, dịch vụ, bất động sản, nông nghiệp... Nhiều dự án hạ tầng theo phương thức đối tác công - tư (PPP) được triển khai thực hiện, nhất là trong lĩnh vực giao thông. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã hướng tới đột phá trong sản xuất công nghiệp và công nghệ với những dự án đầy tham vọng với hy vọng vươn ra thị trường quốc tế.

Có thể kể tới dự án nổi trội là VinFast với vốn đầu tư 4,2 tỷ USD-biểu tượng của sự phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam và thương hiệu ô tô được yêu thích nhất ở các phân khúc, những gì các doanh nghiệp nước ngoài làm được thì người Việt chúng ta cũng sẽ làm được.

Năm 2020 cũng là năm mà Vingroup triển khai nhiều dự án mới táo bạo như: Ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với Tập đoàn công nghệ Pháp Dassault Systèmes nhằm đổi mới các quy trình kinh doanh trên nền tảng số hóa, ứng dụng nền tảng 3DEXPERIENCE trong các lĩnh vực chuyển đổi công nghiệp (VinFast và VinSmart) và chuyển đổi xây dựng (Vinhomes);

Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn VinBigdata (thuộc Vingroup) công bố hợp tác với 10 tổ chức nghiên cứu uy tín hàng đầu thế giới trong lĩnh vực Y học, Sinh học phân tử, Khoa học máy tính và Tin sinh học; đồng thời chính thức ra mắt hệ thống quản lý y sinh lớn nhất Việt Nam… nhằm thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng y học chính xác trong chẩn đoán và điều trị tim mạch, ung thư, tiểu đường;

Ra mắt Quỹ VinFuture- tổ chức Giải thưởng khoa học và công nghệ quốc tế đầu tiên do người Việt Nam khởi xướng, là một trong những giải thưởng thường niên có giá trị lớn nhất thế giới với tổng trị giá 104,5 tỷ đồng (tương đương 4,5 triệu đô la Mỹ); Sản phẩm Vsmart Aris 5G của VinSmart được trưng bày trong gian hàng “5G Make in Viet Nam” tại Diễn đàn quốc gia về phát triển Doanh nghiệp công nghệ số. Theo thử nghiệm của Cục Viễn thông, kết quả tốc độ 5G trên mẫu điện thoại Vsmart Aris 5G cao gấp 8 lần so với tốc độ 4G.

Cần thêm động lực tăng tốc

Trong “bầu trời u ám” kinh tế thế giới năm 2020, Việt Nam nổi lên như một điểm sáng đáng ghi nhận và tự hào; chắc chắn những thành công đó không phải là ngẫu nhiên, mà là kết quả tổng hợp và thước đo hiệu quả khả năng tự chủ, tự cường, phản ứng chính sách và phản ứng thị trường đồng bộ cùng một quá trình phấn đấu lâu dài, không ngừng nghỉ của Đảng, Chính phủ và Nhà nước, cũng như toàn thể cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân Việt Nam.

Kết quả này là sự cộng hưởng những thành tựu và động lực tăng trưởng kinh tế từ năm 2019; sức chống chịu và thành công trong việc kiểm soát sự lây lan của dịch Covid-19; hiệu quả triển khai các biện pháp tài chính - tiền tệ hỗ trợ doanh nghiệp và người dân; đẩy nhanh giải ngân đầu tư công và tiếp tục những cải cách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh; tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu; thúc đẩy tái cơ cấu về tổ chức và công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi mô hình hướng tới tăng trưởng nhanh, bền vững trong hoạt động của doanh nghiệp; đa dạng hóa chuỗi cung ứng và hình thành các chuỗi cung ứng và liên kết kinh tế mới.

Đồng thời, Việt Nam cũng đang và sẽ được hưởng lợi từ việc tham gia các hiệp định thương mại song phương và đa phương; từ sự dịch chuyển và tái định vị các các chuỗi cung ứng khu vực và quốc tế sang những quốc gia có chi phí thấp và an toàn hơn.

Năm 2021 và tới đây, kinh tế tư nhân trong nước chính là chìa khóa cho động lực phát triển, giúp nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế. Điều này phù hợp với xu thế chung của thế giới.

Theo chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam phấn đấu đến năm 2025 có hơn 1,5 triệu doanh nghiệp và có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030. Tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế; Phấn đấu tăng tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân đạt khoảng 55% GDP (năm 2025); 60 - 65% GDP (năm 2030) và 65 - 70% GDP (năm 2040).

Phát triển nhanh chóng và hiệu quả khu vực kinh tế tư nhân là đòi hỏi cấp thiết từ cuộc sống và cũng là quyết tâm lớn của Đảng, Nhà nước; đồng thời phải xuất phát từ thực tiễn đặc thù, các nguyên tắc của cơ chế kinh tế thị trường, cũng như các cam kết và thông lệ quốc tế trong xu hướng mở cửa, tăng cường, hội nhập quốc tế.

Điều quan trọng không phải là ban cho kinh tế tư nhân những đặc quyền, đặc lợi, mà là tạo môi trường bảo đảm khu vực doanh nghiệp tư nhân thực sự bình đẳng, công bằng với các khu vực doanh nghiệp khác, kể cả trong đấu thầu. Nhà nước cần có nhiều đột phá mới, táo bạo, tháo gỡ, giải quyết căn bản các vướng mắc, bất cập, bức xúc đang tồn tại hoặc sẽ phát sinh trong thực tiễn.

Quản lý nhà nước đối với khu vực kinh tế tư nhân cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp được tự do kinh doanh theo pháp luật, bình đẳng, cùng có lợi; coi trọng định hướng, hỗ trợ, kiểm tra, kiểm soát đối với kinh tế tư nhân bằng chính sách, thông tin thị trường và khuyến khích quá trình tái cơ cấu kinh tế.

Chính phủ cần có một thể chế chính sách tốt, thu hút doanh nghiệp làm ăn kinh doanh; khích lệ doanh nghiệp tận dụng những thế mạnh của đất nước để phát triển kinh tế; cổ vũ tinh thần dám nghĩ dàm làm, lập nghiệp, xây dựng văn hóa doanh nhân trên cả nước.

Đẩy mạnh cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mà nhà nước không cần nắm giữ vốn, giảm tối đa mức nắm giữ cổ phần nhà nước.

Đặc biệt, cần thực sự đẩy mạnh cải cách nền hành chính quốc gia, sàng lọc, kiểm soát và trừng trị những kẻ nhũng nhiễu, vô trách nhiệm, sợ trách nhiệm đối với kinh tế tư nhân; kiện toàn tổ chức, nâng cao vai trò, năng lực, trách nhiệm của các hiệp hội ngành hàng, hiệp hội doanh nghiệp trong bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp và người lao động, tạo sự đồng thuận, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh trên cơ sở pháp luật và truyền thống dân tộc; giáo dục lòng yêu nước, tự hào dân tộc và trách nhiệm xã hội, bản lĩnh kinh doanh cho doanh nhân và người lao động; xây dựng một số thương hiệu chủ lực quốc gia và địa phương;

Trước mắt, cần tập trung giải quyết các khó khăn của khu vực kinh tế tư nhân về nợ đọng, nợ xấu, mặt bằng sản xuất kinh doanh, nguồn vốn, năng lực khoa học – công nghệ và về thị trường...; tổ chức các đường dây nóng, các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc định kỳ và không định kỳ giữa các cơ quan quản lý nhà nước với các doanh nhân, doanh nghiệp; mở rộng, phát triển đồng bộ và nâng cao chất lượng các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh nghiệp, nhất là cung cấp thông tin thị trường (chất lượng, giá cả và cung- cầu cũng như triển vọng sản phẩm).

Thông tin đối tác, cơ hội và kinh nghiệm kinh doanh; thông tin về môi trường đầu tư (các quy định pháp lý, thủ tục xuất - nhập khẩu; các yêu cầu và giấy chứng nhận về vệ sinh an toàn, chất lượng sản phẩm; các đặc điểm văn hoá, thị hiếu tiêu dùng; hệ thống phân phối hàng;...) và các dịch vụ xúc tiến thương mại (hội chợ, triển lãm, quảng cáo và tham quan thị trường, môi giới và tiếp xúc với các đối tác tiềm năng...).

Khuyến khích phát triển các dịch vụ hỗ trợ tư pháp, nhất là về đăng ký và xử lý tranh chấp thương hiệu, tư vấn kế toán, thuế, thủ tục xuất - nhập khẩu; các dịch vụ tài chính - ngân hàng, nổi bật là dịch vụ thanh toán, chuyển tiền, bảo hiểm và bảo lãnh tín dụng (kể cả bảo lãnh tín dụng quốc tế, thế chấp bằng tài sản ở trong nước của các doanh nhân và doanh nghiệp Việt Nam); xây dựng và triển khai hiệu quả những chương trình giáo dục, đào tạo riêng, thích hợp nhằm bồi dưỡng kiến thức của các giám đốc doanh nghiệp cũng như người lao động trong khu vực kinh tế tư nhân.

Về phía doanh nghiệp cũng cần có sự chủ động tự điều chỉnh, bám sát và đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh thị trường và quản trị rủi ro; vừa tuân thủ luật pháp, vừa chủ động phản biện, nêu rõ các khó khăn các vướng mắc và cụ thể hóa yêu cầu, kiến nghị, góp phần hoàn thiện luật pháp kinh doanh, tìm kiếm các biện pháp để tháo gỡ khó khăn cho kinh tế tư nhân, đưa đất nước phát triển.

Một nền kinh tế thị trường mạnh là nền kinh tế có khu vực kinh tế tư nhân mạnh. Công cuộc đổi mới toàn diện và những đột phá táo bạo, đúng đắn về thể chế kinh tế thị trường sẽ là một bảo đảm cho triển vọng phát triển của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong