Nhiều nhà đầu tư đang lao đao, kêu vì Đà Nẵng “tiền hậu bất nhất"

02/05/2019 15:25
Quế Chi
(GDVN) - Trường hợp một số dự án gần đây tại Đà Nẵng, phải hứng chịu những quyết định thiếu đồng nhất của địa phương này, đang gây ra tâm lý bất an cho nhà đầu tư.

Mọi quyết định của chính quyền địa phương hoàn toàn có thể mang ý nghĩa “sống còn” đối với doanh nghiệp.

Thế nhưng, lãnh đạo sở tại đôi khi lại khiến dư luận hoang mang vì các văn bản, chỉ đạo “tiền hậu bất nhất”.

Trường hợp một số dự án gần đây tại Đà Nẵng, phải hứng chịu những quyết định thiếu đồng nhất của địa phương này, đang gây ra tâm lý bất an cho nhà đầu tư.

Băn khoăn những quyết định “đá nhau”

Thời gian gần đây, một dự án bến du thuyền vừa bị Ủy ban Nhân dân Thành phố Đà Nẵng tạm dừng để rà soát hồ sơ pháp lý.

Dù dự án được phê duyệt từ gần 10 năm trước, sau một thời gian triển khai, gần đây bất ngờ được nhắc đến với cùng những vấn đề mà Đà Nẵng đã có văn bản giải trình. Giữa tâm bão, Đà Nẵng đã quyết định buộc tạm dừng dự án.

Cho dù trước khi triển khai dự án, Đà Nẵng đã thực hiện khảo sát địa chất và dòng chảy sông Hàn vào các mùa, lấy ý kiến các đơn vị liên quan và kết luận dự án này và một số dự án cận kề không ảnh hưởng đến bờ kè; không ảnh hưởng đến dòng chảy sông Hàn, đặc biệt là vào mùa lũ.

Thông báo của Sở Xây dựng Đà Nẵng khi đó phát đi một cách công khai đến toàn bộ người dân.

Kỷ luật cảnh cáo ông Huỳnh Đức Thơ

Và cũng mới đây thôi sau khi nhận được phản ánh báo chí, Sở này tiếp tục khẳng định Dự án đã được Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng phê duyệt báo cáo đánh giá đánh giá tác động môi trường, hoàn toàn đủ điều kiện triển khai.

Như vậy, chỉ trong thời gian ngắn, những văn bản, quyết định của Đà Nẵng đang tạo nên sự mâu thuẫn với một dự án đã được quy hoạch từ nhiều năm nay.

Và chuyện này không phải xảy ra lần đầu tiên.

Chỉ mới nửa năm trước thôi, giới đầu tư tại đây cũng “dậy sóng” bởi trường hợp thành phố hủy kết quả đấu giá đất của đơn vị mang tên Vipico cho dù doanh nghiệp này có đầy đủ giấy tờ, hồ sơ giải trình tính hợp lý và các bộ, sở ban ngành đều đồng thuận với các giải trình này.

Đáng chú ý là khi Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Đà Nẵng gửi báo cáo lên trung ương, thì thành phố đã “lờ” đi hết tất cả các ý kiến đồng thuận của các bộ, ban ngành. (nguồn dẫn: http://vneconomy.vn/huy-ket-qua-dau-gia-lo-dat-652-ty-da-nang-da-bao-cao-gi-len-thu-tuong-20181115110638665.htm)

Tại cuộc họp báo thường kỳ quý 1 diễn ra tuần qua, lãnh đạo thành phố cũng khẳng định “sẵn sàng phương án ứng phó với trường hợp doanh nghiệp kiện”, khi đề cập đến việc các quyết định tiền hậu bất nhất đã gây thiệt hại như thế nào cho nhà đầu tư.

Nhiều câu hỏi đặt ra rằng, có hay không việc e dè, thận trọng, thiếu tin tưởng vào các quyết định của sở, ban ngành nên mới có chuyện văn bản sau “đá” vào chỉ đạo trước.

Nhiều câu hỏi về việc lãnh đạo Đà Nẵng ban hành các quyết định “tiền hậu bất nhất” đã được đặt ra tại phiên họp báo quý I/2019 vừa qua. Ảnh Quế Chi
Nhiều câu hỏi về việc lãnh đạo Đà Nẵng ban hành các quyết định “tiền hậu bất nhất” đã được đặt ra tại phiên họp báo quý I/2019 vừa qua. Ảnh Quế Chi

Một sự thay đổi quyết định cho dù với nguyên nhân nào, không chỉ gây bức xúc mà còn khiến dư luận nghi ngờ về sự mơ hồ, thiếu sâu sát trong công tác quản lý của chính quyền.

Các chuyên gia kinh tế đã nhiều lần cảnh báo, sự thiếu nhất quan trong chủ trương, trong điều hành kinh tế vĩ mô của các địa phương dẫn tới hệ lụy các dự án bị đình trệ, doanh nghiệp nản lòng vì mất đi cơ hội đầu tư, kéo theo lãng phí chi phí, nguồn lực.

Từ đó, mất niềm tin vào chính quyền, môi trường kinh doanh địa phương.

Từ bất cập trong quản lý dự án…. nay nghĩ về “nỗi buồn” PCI

Theo bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) vừa được công bố mới đây, Đà Nẵng đã tụt hạng khi rơi xuống vị trí thứ 5 với 67,65 điểm. Trong khi đó vào năm 2017, chỉ số PCI của Đà Nẵng là 70,11, xếp vị trí thứ 2 trên cả nước.

Trước đó, trong các năm từ 2013-2016, Đà Nẵng liên tiếp giữ vững ngôi đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, địa phương này đã đánh mất lợi thế khi để Quảng Ninh "soán ngôi" vào năm 2017, và đến nay tiếp tục tụt hạng sâu.

Kết quả điều tra PCI mới nhất cho thấy, đánh giá chất lượng giải quyết thủ tục hành chính của thành phố này sụt giảm rõ rệt.

Trong khi, khoảng cách giữa chỉ đạo điều hành của chính quyền với các sở, ngành, huyện thị ngày càng gia tăng. Tính năng động của chính quyền cấp tỉnh giảm nhiều từ 6,65 điểm năm 2017 xuống còn 5,96 năm 2018.

"Ủy ban Kiểm tra Trung ương cần làm rõ tài sản của Chủ tịch Đà Nẵng"

Chính ông Đặng Việt Dũng, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Đà Nẵng đã thừa nhận trước báo giới (họp báo quý I năm 2019) rằng:

Trong quá trình có những sai sót, khuyết điểm, thậm chí là vi phạm pháp luật. Có những tồn tại từ trước và qua giai đoạn phát triển mới nhận thấy được nên tiến hành rà soát lại”.

Rõ ràng, những chỉ đạo vội vàng, quyết định tiền hậu bất nhất đã và đang gây nên hình ảnh xấu về môi trường kinh doanh địa phương.

Đó là câu chuyện đáng báo động, nếu nhìn lại sự đổi thay của thành phố thời gian qua, để biết rằng, Đà Nẵng sẽ không đạt được các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội khi thiếu sự tin tưởng, chung tay của những nhà đầu tư tâm huyết.

Những quyết định có thể sửa, nhưng thiệt hại của doanh nghiệp và niềm tin về môi trường đầu tư minh bạch địa phương liệu có thể giữ?

Quế Chi