Nhà máy In tiền Quốc gia được kiểm tra, giám sát thế nào?

19/09/2016 07:48
Cao Nguyên
(GDVN) - Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 26/2016/TT-NHNN quy định về giám sát, kiểm tra, thanh tra đối với Nhà máy In tiền Quốc gia.

Theo đó, mục đích giám sát, kiểm tra, thanh tra nhằm nắm bắt, phản ánh, đánh giá tình hình chấp hành pháp luật và tuân thủ các quyết định của Ngân hàng Nhà nước đối với Nhà máy, qua đó kịp thời chấn chỉnh hoặc áp dụng các biện pháp phù hợp nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế để nâng cao hiệu quả hoạt động của Nhà máy; phát hiện những tồn tại, yếu kém trong hoạt động của Nhà máy.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đồng thời, kịp thời phát hiện những vướng mắc, bất cập trong chính sách, pháp luật và cơ chế quản lý đối với Nhà máy để đề xuất, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp; tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động của Nhà máy bảo đảm an toàn tiền và tài sản của Nhà nước tại Nhà máy.

Thông tư quy định cụ thể nội dung giám sát như sau:

a- Giám sát tài chính gồm: Giám sát việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản Nhà nước tại Nhà máy, giám sát bảo toàn và phát triển vốn của Nhà máy, giám sát hoạt động sản xuất kinh doanh và tình hình tài chính của Nhà máy theo quy chế giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động đối với Nhà máy.

b- Giám sát hoạt động in, đúc tiền và sản xuất vàng miếng, vật phẩm lưu niệm bằng vàng tại Nhà máy theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

c- Giám sát công tác tổ chức, chính sách quản lý người lao động, viên chức quản lý, tiền lương, thu nhập của Nhà máy theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Việc giám sát của Ngân hàng Nhà nước được thực hiện thông qua tổng hợp, phân tích, đánh giá các thông tin, tài liệu, báo cáo của Nhà máy.

Đối với công tác kiểm tra, nội dung sẽ tập trung vào những việc sau: a- Kiểm tra đối với công tác quản lý tài chính kế toán của Nhà máy; b- Kiểm tra đối với hoạt động in, đúc tiền và sản xuất vàng miếng, vật phẩm lưu niệm bằng vàng của Nhà máy; c- Kiểm tra công tác tiêu hủy tiền in hỏng, đúc hỏng, giấy in tiền hỏng, kim loại đúc tiền hỏng; d- Kiểm tra đối với công tác tổ chức, quản lý, điều hành, tiền lương và thu nhập của Nhà máy; đ- Kiểm tra công tác kiểm soát nội bộ của Nhà máy; e- Kiểm tra đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của Kiểm soát viên Nhà máy do Thống đốc bổ nhiệm.

Có 2 cách thức tiến hành kiểm tra là kiểm tra thường xuyên và kiểm tra đột xuất. Việc kiểm tra thường xuyên đối với Nhà máy thực hiện theo kế hoạch kiểm tra, thanh tra hàng năm.

Việc kiểm tra đột xuất đối với Nhà máy được thực hiện khi phát hiện Nhà máy có dấu hiệu vi phạm pháp luật, không chấp hành các quyết định của Ngân hàng Nhà nước hoặc theo yêu cầu quản lý của Ngân hàng Nhà nước.

Ngân hàng Nhà nước thực hiện thanh tra toàn diện hoặc theo vụ việc cụ thể phát sinh đối với Nhà máy trong việc chấp hành pháp luật và tuân thủ các quy định của Ngân hàng Nhà nước và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 24/10/2016.

Cao Nguyên