Nguyên Thống đốc bày cách tránh "vết xe đổ" sai phạm của ngành NH 2013

02/01/2014 09:13
Hồng Minh
(GDVN) - Theo TS Cao Sĩ Kiêm – nguyên Thống đốc NHNN, vượt qua những khó khăn năm 2013, ngành ngân hàng năm 2014 sẽ khá hơn với nhiều mục tiêu kỳ vọng.

Trước khó khăn chung của nền kinh tế, ngành ngân hàng năm 2013 chứng kiến hàng loạt sự kiện thay đổi quan trọng chưa từng có: Đó là việc kìm chế lạm phát mức thấp nhất, thành lập công ty xử lý nợ xấu, lãi suất giảm nhanh… Theo TS Cao Sĩ Kiêm, những thay đổi này phần nào đã mang lại tín hiệu đáng mừng cho hoạt động ngân hàng năm 2013 và làm tiền đề cho hoạt động của toàn hệ thống ngân hàng năm 2014.

Nhìn lại hoạt động của ngành ngân hàng năm 2013, TS Cao Sĩ Kiêm cho rằng có 4 điểm thành công mà ngành ngân hàng đạt được: Thứ nhất, đã tập trung vào kiềm chế lạm phát; Thứ hai, tín dụng đã được kiểm soát chặt chẽ hơn, cho vay ra và tung tiền ra cho hệ thống tín dụng đã được hạn chế; Thứ ba là lãi suất đã giảm được theo sát mức độ lạm phát, rút ngắn được chênh lệch đầu ra đầu vào. 

TS Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN: Ngành ngân hàng năm 2014 sẽ khá hơn với nhiều mục tiêu kỳ vọng. (Ảnh: Hoàng Lực).
TS Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN: Ngành ngân hàng năm 2014 sẽ khá hơn với nhiều mục tiêu kỳ vọng. (Ảnh: Hoàng Lực).

“Khả năng thanh khoản các ngân hàng năm qua cũng tốt hơn, tuy trong lúc khó khăn nhưng khả năng huy động cho vay, tiếp thị vốn của các ngân hàng tốt hơn”, TS Kiêm nhấn mạnh.

Điểm sáng thứ 4 của ngành ngân hàng năm 2013 là tỉ giá ngoại tệ của các ngân hàng tương đối ổn định, góp phần cho xuất khẩu và kiềm chế lạm phát.

“Cùng với đó dự trữ tăng lên, việc giải quyết được nợ đọng nợ xấu, cơ cấu lại nợ đã bước đầu có hướng ra, thể hiện bằng việc thành lập công ty mua bán nợ xấu (VMAC), đưa nợ xấu về một mối để giải quyết. Thị trường ngoại hối ổn định, thị trường vàng miếng được ổn định, bước đầu giải quyết được nạn đầu cơ vàng”, TS Cao Sĩ Kiêm đưa ra đánh giá.

Từ những thành công đạt được của năm 2013, bước sang năm 2014 ngành ngân hàng sẽ phát triển khá hơn với nhiều kỳ vọng khi nhiều chính sách được áp dụng.

Lý giải cho niềm tin này, TS Kiêm cho rằng, năm 2013 những tồn tại cũ của hệ thống ngân hàng đã có hướng ra, có hướng xử lý rõ rệt. Cùng với đó công tác điều hành mới của Chính phủ đã kiên quyết hướng vào thị trường, thông lệ quốc tế hội nhập... Điều này sẽ thúc đẩy sự minh bạch trong hoạt động của toàn hệ thống.

Bên cạnh đó, không chỉ củng cố ngân hàng yếu kèm mà toàn ngành đã thực hiện tiến hành củng cố lại toàn bộ hệ thống ngân hàng dựa trên một lộ trình dài hạn.

Niềm tin ngành ngân hàng ổn định phát triển mạnh mẽ trong năm 2014 của nguyên Thống đốc Cao Sĩ Kiêm còn xuất phát từ việc Thông tư 02/2013/TT-NHNN sẽ chính thức có hiệu lực từ tháng 6/2014.

“Áp dụng Thông tư 02 chúng ta sẽ phân loại nợ theo thông lệ, tiêu chuẩn quốc tế, rất công khai minh bạch nghiêm túc do vậy những tồn tại của hệ thống ngân hàng trong nước lâu nay được lộ ra, do đó con số nợ quá hạn, nợ xấu sẽ còn tăng lên. Khi đó nhiều doanh nghiệp sẽ có con số nợ xấu lớn vượt tiêu chuẩn được vay, các ngân hàng cũng lộ thêm nhiều yếu điểm nhưng chúng ta phải chấp nhận trong quá trình đi lên”, TS Kiêm nêu vấn đề.

Theo TS Cao Sĩ Kiêm, 2013 là năm đánh dấu nhiều chính sách ngành ngân hàng mang lại hiệu quả, tín hiệu tích cực trong đó có Thông tư 02. Tuy nhiên khi đưa ra Thông tư 02, các ngân hàng còn rất khó khăn khi vốn không cho vay ra được, nợ xấu - nợ quá hạn nhiều. Do vậy thời điểm áp dụng Thông tư 02 được lùi lại, cho ngân hàng cơ cấu lại nợ, cho phép doanh nghiệp chuyển kỳ hạn nợ để tiếp vốn ngân hàng. 

Nếu Thông tư này được áp dụng, sẽ đưa ra tiêu chí cụ thể đảm bảo minh bạch trong quá trình vay, giải quyết nợ, không làm hoạt động cho vay méo mó. Để thực hiện việc này, quan trọng nhất là điều kiện làm. “Phải tạo điều kiện pháp lý, hành lang luật pháp để thực hiện. Ví dụ như xử lý nợ xấu, VMAC mua nợ xấu nhưng phải bán được, muốn bán được phải có yếu tố pháp lý”, TS Kiêm nói.

Theo TS Kiêm, lúc này tất cả quy định về hạn chế thì nên mở ra kèm theo đó là các giải pháp giải quyết về vốn. Riêng với việc giải quyết nợ xấu hậu VMAC nên có cơ chế bán nợ xấu cho nước ngoài, mở hành lang pháp lý để thu hút vốn.

 “Chỉ như vậy mới giải quyết được nợ xấu một cách dứt điểm còn như hiện nay chỉ là chuyển đổi tên chủ sở hữu nợ xấu từ các ngân hàng thương mại sang VMAC”, TS Kiêm cho biết.

Trong khi đó, để ngành ngân hàng tránh “vết xe đổ” là những sai phạm trong hoạt động tín dụng, cho vay năm 2013 mà nổi bật là vụ việc cho vay liên quan đến Công ty Phương Nam, Trường Ngân… theo TS Kiêm, trước hết phải hoàn thiện hệ thống pháp lý và thực hiện triển khai nghiêm túc. Các ngân hàng phải rất cầu thị, làm nghiêm túc. Sắp xếp lại mô hình, bố trí bồi dưỡng nhân sự đảm bảo yếu tố nghiệp vụ và đạo đức.

Hồng Minh