Nguyên CEO Nhóm mua bị "lật đổ" như thế nào?

20/11/2012 15:54
Theo Lao động
Cái cách Tom Trần bị đẩy ra khỏi vị trí CEO của Nhóm Mua khi đang đi nghỉ cùng gia đình và những lùm xùm quanh các trụ sở của Nhóm Mua  tại TPHCM và Hà Nội đã dấy lên những bàn tán về mối quan hệ giữa các nhà đầu tư và người khởi lập và vận hành doanh nghiệp này.
Chỉ sau khoảng 1 năm nhận vốn đầu tư từ các quỹ, Nhóm Mua đã tuyên bố giành 60% thị phần thị trường bán hàng giảm giá theo nhóm. Nhưng…
Năm “trăng mật ngọt ngào”
Nhommua.com hoạt động trong khoảng ba năm trở lại đây theo kiểu bán hàng/mua giảm giá theo nhóm. Người đứng đầu của doanh nghiệp này, được biết đến là Tom Trần chứ không ai khác.

Tom Trần (bên phải) bắt tay vui vẻ với các nhà đầu tư hồi tháng 9.2011.
Tom Trần (bên phải) bắt tay vui vẻ với các nhà đầu tư hồi tháng 9.2011.

Tom Trần (tên thật là Trần Đức Thắng) là Việt kiều Mỹ trở về Việt Nam mở nghiệp. Nhiều người biết đến Tom Trần từ khoảng những năm 2004 với dịch vụ tìm đường diadiem.com. Theo các nguồn tin, Tom Trần đã bỏ hàng trăm ngàn USD tiền túi để phát triển dịch vụ này trước khi IDG Ventures nhảy vào.
Cách đây 15 tháng, thị trường công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam phát sốt với thông tin diadiem.com và nhommua.com nhập thành M.J Group và doanh nghiệp mới toe này được IDG Ventures và hai quỹ đầu tư khác là Rebate Networks và Ru-net Global đầu tư với tổng số vốn đầu tư công bố trên báo chí lên đến 60 triệu USD (khoảng 1.200 tỉ đồng).
Dù con số 60 triệu USD ấy khi đó nằm trên giấy. Dù giới thạo tin thì bảo rằng đó là số “thỏa thuận đầu tư” (deal) và sẽ phải chia làm nhiều gói. Nhưng hình ảnh Tom Trần và các nhà đầu tư khi đó: Tay bắt, mặt mừng. Khởi đầu một cuộc “hôn phối” được cho là điểm sáng của thương mại điện tử Việt Nam trong năm 2011.
Phát triển và rạn nứt

Tuy nhiên, “lương duyên” MJ Group sau hơn một năm đã bộc lộ nhựng rạn nứt dù rằng Nhóm Mua tăng trưởng vù vù. Theo công bố của doanh nghiệp này, nhommua.com chiếm đến 60% thị phần của thị trường bán hàng hàng giảm giá theo nhóm.
Tăng trưởng nóng được cho là nhờ sức mạnh của dòng tiền từ các nhà đầu tư lớn. Trong khoảng hai năm qua, Tom Trần bung ra quảng bá ầm ĩ, và tuyên bố sẽ dẹp thị trường bán hàng theo nhóm chỉ còn khoảng 3 Cty. Có vẻ như sự vung tay của Tom đối với nhà đầu tư là một tín hiệu không hay vì cho thấy Tom đã vượt tầm kiểm soát của họ. Mâu thuẫn bắt đầu từ đây chăng?
Theo các tài liệu, đến tháng 1.2011, ông Vũ Thành Trung đại diện cho các nhà đầu tư, năm 72,73% cổ phần tại doanh nghiệp này. Còn ông Tom Trần giữ 27,27% cổ phần còn lại. Cổ phần ít hơn nhưng ông Tom Trần lại nắm cả hai chức vụ quan trọng nhất (Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng Giám đốc).
Và trên thực tế, dù bung ra mạnh mẽ bán được cả triệu phiếu mua hàng hay có đến vài chục ngàn khách hàng nhưng những người trong cuộc cho biết ngành bán hàng giảm giá theo nhóm nói chung hay Nhóm Mua nói riêng vẫn còn đang lỗ.
Không biết Nhóm Mua đã tiêu hết bao nhiêu trong 60 triệu USD vốn đầu tư theo tuyên bố. Nhưng thông tin từ nội bộ cho thấy áp lực lỗ lã cũng là vấn đề khiến các nhà đầu tư thấy sốt ruột. 
Những cuộc trao đổi với giọng điệu căng thẳng giữa một bên là những người điều hành doanh nghiệp và một bên là đại diện của các nhà đầu tư về việc chi tiêu của Nhóm Mua được cho là khởi đầu cho việc chấm dứt mối lương duyên.
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Theo Lao động