Nguy cơ chậm tiến độ triển khai sân bay Long Thành

22/02/2016 12:04
Mai Anh (Tổng hợp)
(GDVN) - Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường yêu cầu chậm nhất cuối năm 2018 dự án sân bay Long Thành phải được khởi công.

Báo cáo Thứ trưởng phụ trách Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường về tiến độ dự án sân bay Long Thành ông Nguyễn Nguyên Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, theo kế hoạch phải chọn nhà thầu để “Tư vấn khảo sát và lập kế hoạch báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 1”.

Muốn chọn nhà thầu phải tiến hành đấu thầu rộng rãi quốc tế. Vì quy trình như trên nên theo ông Hùng, nhiều khả năng dự án bị chậm.

Phối cảnh Cảng hàng không quốc tế Long Thành khi hoàn thành và đưa vào sự dụng (ảnh nguồn ACV)
Phối cảnh Cảng hàng không quốc tế Long Thành khi hoàn thành và đưa vào sự dụng (ảnh nguồn ACV)

Cụ thể, ông Hùng cho biết theo quy định hiện hành, công trình xây dựng nhà ga hàng không sẽ phải tổ chức thi tuyển hoặc tuyển chọn thiết kế kiến trúc công trình xây dựng trước khi lập Báo cáo nghiên cứu khả thi. Thẩm quyền quyết định việc thi tuyển hoặc tuyển chọn thiết kế kiến trúc công trình thuộc về người quyết định đầu tư. 

Để tạo điều kiện triển khai dự án nhanh nhất, hiệu quả nhất, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc Nhà ga Cảng hàng không quốc tế Long Thành trên cơ sở đề xuất của Tư vấn trúng thầu lập Báo cáo nghiên cứu khả thi. Hiện Chính phủ vẫn chưa có chỉ đạo về đề nghị này.

“Trong trường hợp Chính phủ không đồng ý phương án đề xuất của Bộ Giao thông vận tải, ACV sẽ phải tổ chức thi tuyển kiến trúc và dự kiến sẽ mất ít nhất 6 tháng cho công việc này”, ông Hùng cho biết

Bên cạnh đó, báo cáo nghiên cứu khả thi cho công trình quy mô vốn lên tới 5,45 tỷ USD, có độ phức tạp rất cao về công nghệ, thời gian để đơn vị tư vấn thực hiện gói thầu cần ít nhất 18 tháng.

Được biết, phạm vi công việc được lập  đề cương trong đấu thầu lập báo cáo khả thi dự án chia thành 5 nhóm hạng mục gồm: 10 hạng mục do ACV làm chủ đầu tư và dùng vốn của ACV; 26 hạng mục do ACV làm chủ đầu tư, sử dụng vốn vay ODA và vốn ngân sách (các hạng mục không có khả năng sinh lời); 6 hạng mục dùng vốn ngân sách do Nhà nước chỉ định làm chủ đầu tư; 2 hạng mục vay vốn ODA thương mại hoặc đối tác công tư (PPP); 17 hạng mục do các doanh nghiệp khác làm chủ đầu tư.

Nguy cơ chậm tiến độ triển khai sân bay Long Thành ảnh 2

"Không lo sân bay Long Thành chậm tiến độ, chỉ sợ làm nhanh, làm ẩu"

(GDVN) - Đó là khẳng định của PGS.TS Nguyễn Thiện Tống - Chuyên gia hàng không trước thông tin dự án sân bay Long Thành sẽ chậm tiến độ 5 năm so với kế hoạch đề ra.

ACV đề nghị Bộ Giao thông vận tải cho phép tổ chức thi tuyển kiến trúc nhà ga hành khách và đài kiểm soát không lưu song song với việc lựa chọn nhà thầu lập báo cáo nghiên cứu khả thi.

Trong trường hợp đơn vị trúng tuyển thiết kế là đơn vị khác với nhà thầu tư vấn lập FS sẽ yêu cầu hai đơn vị kết hợp để đảm bảo tiến độ chung Dự án.

Trước báo cáo của ACV, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường thẳn thắn cho biết, ACV phải cải cách mạnh mẽ cách làm, nếu cần thiết thì xin cơ chế đặc thù chỉ định thầu đơn vị tư vấn.

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường yêu cầu chậm nhất cuối năm 2018 dự án sân bay Long Thành phải được khởi công.

Trước đó, báo cáo Đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Võ Văn Chánh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, người dân mong Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành sớm triển khai để họ có điều kiện ổn định cuộc sống. Tuy nhiên nếu như làm tuần tự theo quy định của nhà nước thì việc giải tỏa mặt bằng có thể hoàn thành vào năm 2022, trong khi mong muốn hiện nay là năm 2018. 

Theo ông Chánh thời gian dài như vậy, khiến cuộc sống người dân thêm khó khăn nên tỉnh kiến nghị Chính phủ cho phép tách khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư thành dự án riêng và được thực hiện song song với công tác lập phương án khả thi xây dựng sân bay. Khi có quyết định xây dựng cảng hàng không thì có sẵn mặt bằng để dự án được tiến hành triển khai ngay.

Với tiến độ như hiện nay, ACV dự tính đến 7/2017 mới trình lên Bộ Giao thông báo cáo khả thi dự án để Chính phủ báo cáo Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư vào kỳ họp đầu tiên của năm 2018. 

Như vậy, thuận lợi nhất - tức báo cáo khả thi dự án được thông qua - thì năm 2018, Thủ tướng mới bố trí vốn để xây dựng hai khu tái định cư Lộc An, Bình Sơn và đến năm 2020 mới có thể tiến hành giải phóng mặt bằng. Khi ấy, việc thu hồi đất nhanh nhất cũng phải tới 2023 mới xong.

Theo quy định các bước thẩm định dự án trọng điểm BOT, BTO, BT; Dự án có vốn đầu tư từ 40 triệu USD trở lên thuộc các ngành điện, khai khoáng, dầu khí, luyện kim, xi măng, hoá chất, cảng biển, sân bay phải tiến hành các bước nghiên cứu tiền khả thi. Sau khi thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Quốc hội cho chủ trương đầu tư.

Tiếp đó sẽ phải nghiên cứu khả thi, khi nghiên cứu khả thi kết thúc, sẽ có thẩm định cụ thể và ra quyết định phê duyệt dự án và ra quyết định đầu tư.
 

Mai Anh (Tổng hợp)