"Nếu nhà máy thép Hòa Phát gây ô nhiễm, phải có biện pháp mạnh"

30/03/2018 06:12
Vũ Phương
(GDVN) - Theo nhiều chuyên gia, nhà máy luyện thép nào vì lợi nhuận kinh tế mà phớt lờ quy định bảo vệ môi trường phải kiên quyết đóng cửa.

Cả làng Hiệp Sơn đen sì từ khi nhà máy thép Hòa Phát đêm về phun khói bụi là thực tế đang khiến người dân nơi đây sống trong nỗi sợ hãi và lo lắng trước sức khỏe của mình cũng như thế hệ con cháu.

Không ít người dân nơi đây cho rằng nhà máy luyện thép của Tập đoàn Hòa Phát (xã Hiệp Sơn, huyện Kinh Môn, Hải Dương) từ khi vào hoạt động đến nay khoảng 10 năm khiến họ phải sống chung với khói bụi, tiếng ồn và ô nhiễm ngày càng trầm trọng.

Nhiều thôn tại xã Hiệp Sơn bị bao trùm bởi thứ không khí ngột ngạt, bụi bẩn bám trên tường, vách nhà, cây cối xanh tốt bị phủ một lớp bụi đen sì, bám chặt. Thậm chí, có người còn không dám uống ngụm nước nhà mình do ô nhiễm.

"Nếu nhà máy thép Hòa Phát gây ô nhiễm, phải có biện pháp mạnh" ảnh 1Làm kinh tế thôi mà, ai lại làm như thế?

Có nhà phải đóng cửa chuyển đi nơi khác sinh sống vì lo ngại cho tương lai con cháu và bệnh tật hiểm nghèo có thể đeo bám.

Không ít chuyên gia khi được phóng viên tham vấn cho biết, khói bụi từ quá trình luyện, cán thép bay vào không khí, người dân hít phải sẽ rất độc.

Rất độc bởi trong khói bụi từ quá trình luyện, cán thép như chất CO2, CO, axit hỗn hợp… người dân hít thở, tiếp xúc chất độc sẽ dần ngấm vào cơ thể và gây tổn hại sức khỏe.

Thậm chí, những chất này ngấm xuống nguồn nước, mạch nước ngầm mà người dân ăn phải thì hậu quả càng khó lường.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên, môi trường và Phát triển cộng đồng cho rằng: “Về nguyên tắc, khi người dân đã kêu về vấn đề môi trường và có nghi ngờ nhà máy luyện thép xả thải thì cơ quan quản lý về môi trường ở địa phương là Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương phải vào cuộc xem thực trạng môi trường ở đó ra sao.

Đo lại mức độ ô nhiễm từ môi trường nước, không khí… có đảm bảo hay không để trả lời dư luận, công khai cho người dân biết.

Nếu thực trạng ô nhiễm đúng như người dân phản ánh thì phải có biện pháp xử lý, bởi tinh thần của Đảng, Quốc hội, Nhà nước là không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế. Tùy mức độ vi phạm mà xử lý, vi phạm nghiêm trọng thì phải xử lý kiên quyết văn cứ vào Luật môi trường”.

Cây cối, hoa màu tại xã Hiệp Sơn bị lớp khói bụi phủ lên một lớp bụi đen sì mà người dân đổ lỗi do nhà máy thép Hòa Phát gây ra. Ảnh: Đ.H
Cây cối, hoa màu tại xã Hiệp Sơn bị lớp khói bụi phủ lên một lớp bụi đen sì mà người dân đổ lỗi do nhà máy thép Hòa Phát gây ra. Ảnh: Đ.H 

Bà An nhấn mạnh: “Phát triển bền vững phải dựa trên ba tiêu chí trụ cột gồm môi trường, xã hội, kinh tế. Mục tiêu xuyên suốt trong phát triển bền vững là vấn đề bảo vệ môi trường đặt lên hàng đầu.

Hiến pháp cũng quy định rõ người dân được quyền sống trong môi trường trong lành.

Chúng ta kêu gọi đầu tư, nhưng lợi ích của người dân, của Nhà nước và doanh nghiệp phải đảm bảo hài hòa. Nguyên tắc là không đặt lợi ích của bên nào lên trên”.

Theo Phó Giáo sư Bùi Thị An, vấn đề đảm bảo hài hòa lợi ích kinh tế và môi trường là bài toán khó. Nhưng vẫn phải đảm bảo ưu tiên vấn đề môi trường.

Bởi người dân sống trong môi trường ô nhiễm thì kinh tế tăng trưởng, phát triển thế nào cũng không đủ chi phí để khám chữa bệnh…

Vấn đề ở đây là người lãnh đạo, đứng đầu địa phương  có thể lúc đầu dự án đi vào hoạt động chưa bộc lộ ngay vấn đề ô nhiễm môi trường. Nhưng khi đi vào hoạt động có thể dẫn đến ô nhiễm môi trường, như thế thì cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này phải xử lý, có biện pháp ngay.

Chất lượng cuộc sống của người dân không chỉ là về kinh tế mà còn là sống trong môi trường trong lành.

“Mục tiêu là ngày càng nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thì không thể để người dân sống trong môi trường ô nhiễm”, bà An nói.

Phó Giáo sư Bùi Thị An cho rằng, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương cần phải vào cuộc ngay khi người dân phản ánh nhà máy luyện thép trên địa bàn gây ô nhiễm. Ảnh: N.Q
Phó Giáo sư Bùi Thị An cho rằng, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương cần phải vào cuộc ngay khi người dân phản ánh nhà máy luyện thép  trên địa bàn gây ô nhiễm. Ảnh: N.Q

Trao đổi với phóng viên, chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong phân tích: “Thực trạng một số nhà máy luyện thép trên địa bàn một số tỉnh, thành đang xả thải ra môi trường, gây ô nhiễm khiến người dân bức xúc là thực tế đáng báo động.

Như Thành phố Đà Nẵng cũng đã áp dụng biện pháp mạnh là gia hạn cho hai nhà máy thép hoạt động thêm 6 tháng trước khi đóng cửa vì gây ô nhiễm.

Nguyên nhân để một số nhà máy luyện thép xả thải ra môi trường là trách nhiệm của cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương khi buông lỏng, bỏ mặc công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ.

Còn về phía các nhà máy luyện thép, để tăng lợi nhuận, giảm chi phí họ đã giảm tối đa những chi phí trong đó bao gồm cả những giải pháp bảo vệ môi trường.

"Nếu nhà máy thép Hòa Phát gây ô nhiễm, phải có biện pháp mạnh" ảnh 4Cả làng Hiệp Sơn đen sì, nhà máy thép Hòa Phát đêm về phun khói bụi

Về mặt lý thuyết, trên giấy tờ thì nhà máy luyện thép bao giờ cũng có các cam kết, tiêu chuẩn kỹ thuật trong vấn đề bảo vệ môi trường. Nhưng vấn đề là họ có thực hiện đúng quy trình cũng như đúng cam kết khi sản xuất hay không lại là chuyện khác”. 

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh: “Chính phủ đã nói nhiều về vấn đề thu hút nhà đầu tư, nhưng không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế đã rõ.

Các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc và yêu cầu nhà máy luyện thép thực hiện đúng cam kết về bảo vệ môi trường. Còn nhà máy nào không đảm bảo, cố tình cần phải có biện pháp mạnh, nếu cần thiết có thể cho đóng cửa như Đà Nẵng đã làm.

Đối với nhà máy luyện thép của Hòa Phát ở Hải Dương, chính quyền địa phương cũng nên áp dụng biện pháp mạnh như vậy nếu nhà máy trên địa bàn tỉnh gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân”.

Vũ Phương