MobiFone ra "ở riêng", VNPT hưởng lợi lớn

03/04/2014 07:40
Hoàng Lực
(GDVN) - Theo PGS.TS Phạm Quý Thọ, tách MobiFone ra "ở riêng" được hưởng lợi đầu tiên chính là VNPT, đây là chìa khóa để giúp tái cơ cấu phần còn lại của VNPT.

Mới đây theo thông tin được đích thân Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son khẳng định, Thủ tướng Chính phủ chính thức phê đuyệt đề án tái cơ cấu Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT). Đáng chú ý, đề án tái cơ cấu VNPT được Bộ TT&TT trình lên Chính phủ xem xét là phương án tách Công ty thông tin di động MobiFone khỏi VNPT.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, chuyên gia viễn thông... vấn đề tách MobiFone khỏi VNPT là phù hợp, cần thiết và phải sớm thực hiện nhằm tạo điều kiện cho MobiFone phát triển vươn lên.

Vấn đề đang được dư luận quan tâm chính là tách MobFone ra khỏi VNPT sẽ mang lại lợi ích như thế nào với bản thân nhà mạng này cũng như VNPT và thị trường viễn thông? Những khó khăn của VNPT sau khi MobiFone được tách ra là gì? Giải quyết như thế nào?

Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Phạm Quý Thọ - Trưởng khoa chính sách công (Học viên Chính sách và Phát triển - Bộ KH&ĐT) nhận định, việc tách MobiFone ra khỏi VNPT sẽ mang lại nhiều lợi ích lớn.

PGS.TS Phạm Quý Thọ Trưởng khoa chính sách công (Học viên Chính sách và Phát triển - Bộ KH&ĐT)
PGS.TS Phạm Quý Thọ Trưởng khoa chính sách công (Học viên Chính sách và Phát triển - Bộ KH&ĐT)

Trước khi nói đến những mặt lợi, lý giải việc MobiFone được thảnh thơi ra đi không phải gồng gánh những doanh nghiệp yếu kém, PGS.TS Phạm Quý Thọ cho rằng đó là điều hoàn toàn dễ hiểu. Bởi lẽ khi tách ra, để MobiFone cổ phần hóa một cách thành công trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, phải chọn phương án tối ưu, không để MobiFone quá nhiều ràng buộc vì sẽ gây khó cho nhà mạng này.

Trở lại với những lợi ích sau khi MobiFone được tách ra, PGS.TS Phạm Quý Thọ cho rằng lợi tích đầu tiên là cho chính VNPT. Điều này nghe có vẻ mâu thuẫn nhưng thực chất rất logic. Vì sau khi ra đi, cổ phần hóa thành công có nghĩa nhà nước khi bán cổ phần ra ngoài sẽ thu được một lượng tiền lớn, trong đó sẽ dành một phần nào đó trở lại hỗ trợ VNPT, tất cả sẽ do nhà nước điều phối. 

Thay vì phải ràng buộc bằng việc “cõng” những doanh nghiệp ốm yếu, hoạt động kém hiệu quả thì cách này vừa thiết thực, hiệu quả thuận lợi cho cả MobiFone và VNPT.

Thứ hai, nếu sau khi tách ra, MobiFone hoạt động thành công sẽ gây tiếng vang lớn. “Tách khỏi VNPT, tôi tin chắc MobiFone sẽ thành công với nền tảng sẵn có. Điều này tạo thuận lợi, niềm tin về sự phát triển vươn lên cho tập đoàn, tổng công ty nhà nước khác nếu họ chấp nhận tái cơ cấu. Đồng thời sẽ xóa đi “tiếng xấu” ì ạch trong thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước vẫn tồn tại lâu nay, lấy lại niềm tin của nhà đầu tư, của thị trường”, ông Thọ nhận xét.

Cùng với đó, khi nhìn vào thành công sau khi tách MobiFone khỏi VNPT, các nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ thấy được chuyển biến trong chính sách điều hành doanh nghiệp, kinh tế của nhà nước, họ có cơ hội đầu tư, liên doanh với doanh nghiệp nhà nước trong một số ngành nghề vốn lâu này được xem là độc quyền do nhà nước quản lý. Ngoài lợi ích kinh tế còn có lợi ích trong đối nội, đối ngoại từ vi mô đến tầm vĩ mô.

Thứ ba, khi cổ phần hòa buộc MobiFone phải có chiến lược kinh doanh mới, mạnh mẽ hơn, đột biến hơn. Khi đó MobiFone không chịu sự quản lý hành chính theo kiểu phải làm cái này, phải làm cái kia... theo kiểu mệnh lệnh. 

“Sau khi tách ra, tiếng nói quyết định tại MobiFone không phải là mệnh lệnh của công ty mẹ mà là tiếng nói của thị trường, của cổ đông buộc MobiFone phải có cách làm ăn mới, cách quản lý mới, đầu tư công nghệ mới… tích cực chủ động hơn”, ông Thọ nhận định.

Thứ tư, MobiFone sau khi tách ra làm ăn hiệu quả sẽ đánh dầu thành công đầu tiên trong việc tái cơ cấu tổng công ty, tập đoàn lớn nhà nước. “Đầu xuôi đuôi lọt”, tách MobiFone thành công sẽ tạo niềm tin cho tập đoàn, tổng công ty nhà nước khác chuẩn bị thực hiện tại cơ cấu. Đồng thời qua việc tách MobiFone, sẽ có bài học được rút ra giúp cho việc thực hiện tái cơ cấu của doanh nghiệp nhà nước khác được tốt hơn.

Trong khi đó, những doanh nghiệp khác còn lại của VNPT sẽ phải tự đổi mới, phải tự vận động, đây là điểm tích cực.

“Lúc này doanh nghiệp còn lại của VNPT phải tự vận động, phải tự bơi không dựa dẫm ai được. Trước đây còn MobiFone, anh có thể dựa dẫm, bây giờ khi MobiFone ra đi, cho số vốn của nhà nước trong MobiFone lớn nhưng cũng không thể trông chờ giúp đỡ của MobiFone, nhất là khi tiếng nói của MobiFone còn có cổ đông khác là cá nhân, doanh nghiệp khác ngoài nhà nước. Bây giờ không còn là anh em ruột mà chỉ là anh em họ thậm chí là đối thủ”, ông Thọ phân tích.

Như vậy sau khi MobiFone tách ra, VNPT sẽ nhìn rõ hơn những yếu kém khó khăn. Khi nhiều yếu kém được bộc lộ, lúc đó mới nhìn thấy bản chất vấn đề nhìn ra sai lầm nào trong đầu tư ngoài ngành, doanh nghiệp nào yếu kém nhất…

“Từ đó sẽ có một cuộc sắp xếp lại sẽ có một số doanh nghiệp sẽ bị buộc phải giải thể, phải sáp nhập, phải đổi tên. Nếu không có sự thay đổi lớn sẽ không tạo ra sự thay đổi lớn”, ông Thọ nhận định. 

Cũng theo PGS.TS Thọ, cuộc ra đi của “người em” MobiFone sẽ tạo động lực cho nhà mạng VinaPhone vươn lên cố gắng giữ vững thị trường, tiếp đó là phát triển thị trường để cạnh tranh với MobiFone và nhà mạng khác.

Hoàng Lực