Luật Đầu tư công liệu có giải quyết được tiêu cực trong đầu tư xây dựng?

27/12/2019 06:02
Theo Báo Xây dựng
(GDVN) - Lâu nay, tình trạng thiếu vốn, nợ đọng, thậm chí nhiều công trình phải “đắp chiếu” gây thất thoát lãng phí vốn ngân sách Nhà nước.

Tình trạng phân bổ vốn thiếu kế hoạch đối với các dự án đầu tư là nguyên nhân gây ra các tình trạng nêu trên.

Trên thực tế, đối với các công trình đầu tư xây dựng bằng vốn ngân sách Nhà nước, chủ đầu tư nào “vận động” tốt thì nguồn vốn cấp cho các công trình sẽ được cấp đầy đủ hơn, thậm chí còn được ứng trước vốn đầu tư để làm bước đệm ghi kế hoạch vốn đầu tư cho năm tiếp theo.

Nguồn ngân sách Nhà nước có hạn, việc phân bổ vốn đầu tư lại do một cơ quan có quyền cấp vốn và ghi kế hoạch vốn.

Chính vì vậy, nhiều công trình đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước kể các công trình nhóm C, đa phần kéo dài thời gian hoàn thành đưa vào sử dụng.

Nhiều công trình quy mô lớn, được đầu tư mất nhiều tỷ đồng rồi lại đắp chiếu như tuyến đường sắt Hà Nội – Quảng Ninh, tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông, dự án mở rộng sản xuất giai đoạn II - Công ty Gang thép Thái Nguyên và nhiều công trình khác đều rơi vào tình trạng như vậy.

Dự án Gang thép Thái Nguyên bị đội vốn khủng tăng tới 1.299 tỷ đồng trong khi chi phí tài chính làm dự án tăng 1.042 tỷ đồng (Ảnh: Báo Xây dựng)
Dự án Gang thép Thái Nguyên bị đội vốn khủng tăng tới 1.299 tỷ đồng trong khi chi phí tài chính làm dự án tăng 1.042 tỷ đồng (Ảnh: Báo Xây dựng)

Nhiều công trình vượt dự toán nhiều so với nguồn vốn dự toán ban đầu, do không được cấp bổ sung kịp thời dẫn tới tình trạng không đủ điều kiện đưa vào sử dụng hoặc nợ nhà thầu nhiều năm không trả được…

Giải thích tình trạng này thế nào, liệu Luật Đầu tư công sửa đổi lần này có giải quyết được những tiêu cực nêu trên không?

Nghiên cứu tình hình thực tế, cũng như Luật Đầu tư công chúng tôi thấy nổi lên một số nguyên nhân chính như sau:

Trong đầu tư xây dựng, dù là một công trình nhỏ nhóm C thì công tác chuẩn bị đầu tư quyết định tiến độ hoàn thành công trình và hiệu quả công trình.

Để quyết định kế hoạch vốn đầu tư công trình thì công tác chuẩn bị đầu tư phải được chuẩn bị một cách chu đáo, bao gồm từ khâu khảo sát, đánh giá hiện trạng, điều kiện tự nhiên, đề xuất các phương án thiết kế phù hợp, lập phương án thiết kế sơ bộ, tính toán tổng mức đầu tư…

Xử lý nghiêm những trường hợp nợ đọng xây dựng cơ bản
Xử lý nghiêm những trường hợp nợ đọng xây dựng cơ bản

Đây là một giai đoạn hết sức quan trọng và mất nhiều thời gian, công sức so với thời gian tổ chức thiết kế kỹ thuật, thi công.

Tuy nhiên, lâu nay và đến giờ trong Luật Đầu tư công còn quy định: Tài liệu xin chủ trương đầu tư được gửi về Bộ Kế hoạch Đầu tư trong tháng 6 của năm trước, để các cơ quan nghiên cứu, thẩm định và quyết định ghi vốn và giao vốn đối với công trình đầu tư ngắn hạn vào tháng 12.

Như vậy chưa tính thời gian làm các thủ tục hành chính để vốn về đến tay chủ đầu tư cũng đã mất nửa năm.

Vậy thời gian còn lại làm sao đủ để tiến hành rà soát lại báo cáo xin chủ trương đầu tư, phê duyệt báo cáo khả thi, lựa chọn nhà thầu thiết kế, tổ chức thiết kế, lựa chọn nhà thầu thi công, tổ chức thi công xây dựng công trình?

Mặt khác, do thời gian quá ngắn để làm công tác chuẩn bị đầu tư đã dẫn đến sai sót trong việc tính toán tổng mức đầu tư hoặc tổng dự toán đối với dự án.

Trên thực tế, đa phần kinh phí trong báo cáo đầu tư ban đầu để xây dựng công trình đều thấp hơn so với dự toán khi lập thiết kế kỹ thuật, như vậy tình trạng vượt vốn đối với các công trình xây dựng là phổ biến, dẫn đến kế hoạch vốn đầu tư bị phá vỡ, dẫn đến công trình dở dang hoặc nợ đọng tiếp tục kéo dài.

Đối với những công trình quy mô lớn nhóm A hoặc công trình quan trọng quốc gia thì thời gian để lập báo cáo xin chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi là cần thời gian rất dài, nhằm đánh giá tình hình hiện trạng về địa chất công trình, tài liệu thủy văn, thậm chí yêu cầu tài liệu của nhiều năm và phải có quan trắc vài năm tiếp theo, từ đó mới có thể đề xuất ra các phương án thiết kế, lựa chọn phương án thiết kế tối ưu.

Đặc biệt đối với công trình phải giải phóng mặt bằng, cần phải được tính toán trước, đảm bảo tái định cư ổn định cho người dân có chỗ ở bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.

Từ đó mới có thể lập được một báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, khả thi tối ưu và hiệu quả.

Nếu như không đủ thời gian để làm những việc nêu trên thì tình trạng thay đổi thiết kế, vượt mức đầu tư vẫn tiếp tục diễn ra, tình trạng thiếu vốn hoặc nợ đọng như hiện nay vẫn không được cải thiện.

Kinh nghiệm của một số nước phát triển, đối với một dự án đầu tư dù lớn hoặc nhỏ thì thời gian chuẩn bị công tác đầu tư (khảo sát địa chất công trình, địa chất thủy văn, điều kiện tự nhiên, thủy văn, đánh giá các rủi ro có thể xảy ra, bố trí nguồn vốn…) có thể mất hàng năm hoặc nhiều năm đối với các dự án lớn, thậm chí còn mất rất nhiều kinh phí cho công tác chuẩn bị đầu tư.

Nhưng khi đã quyết định đầu tư, triển khai thi công công trình thì thời gian rất ngắn so với thời gian chuẩn bị đầu tư.

Ở Việt Nam hầu như quy trình này được làm ngược lại.

Để chuẩn bị cho một báo cáo đầu tư, báo cáo tiền khả thi, báo cáo khả thi cho một dự án, thì nguồn kinh phí này là đáng kể để đảm bảo đầy đủ các số liệu cần thiết chứng minh cho một dự án thực sự khả khi.

Đảm bảo hoàn thành dự án đúng tiến độ, khai thác theo đúng yêu cầu đặt ra, khắc phục tình trạng “đội” vốn… thì kinh phí phục vụ cho công tác chuẩn bị đầu tư này cần được quan tâm đúng mức và đưa vào luật định.

Lâu nay, nguồn vốn cho chuẩn bị công tác đầu tư là không đáng kể, hoặc rất nhỏ so với yêu cầu khảo sát hiện trạng và thu thập các tài liệu cần thiết.

Vì vậy, các tài liệu để chứng minh một cách đầy đủ cho tính khả thi của dự án không đủ tin cậy, khiến hậu quả của các dự án để lại như chúng ta đã biết và trên thực tế nhiều dự án không khả thi như báo cáo lúc đầu đặt ra.

Trong Luật Đầu tư công năm 2019, chưa thể hiện những quy định để khắc phục tình trạng này như: Tại Điều 61, Luật Đầu tư công quy định về trình, phê duyệt và ra kế hoạch đầu tư công hàng năm vốn ngân sách Nhà nước.

Tại Khoản 5 có quy định “Trước 31/12 hàng năm, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương phân bố chi tiết mức vốn kế hoặc đầu tư, vốn ngân sách Trung ương năm sau, danh mục mức vốn bố trí của từng dự án cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc và UBND cấp dưới, gửi phương án phân bố chi tiết cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Chính phủ và theo dõi thực hiện”.

Với quy định này có lẽ chỉ đúng và phù hợp với các công trình nhỏ, ngắn hạn, đang xây dựng dở dang, còn đối với các công trình xây dựng mới sẽ quay lại tình trạng như nêu ở trên với những vấn đề tiêu cực không thể khắc phục.

Chúng tôi cho rằng, trong tình hình ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp, nhu cầu đầu tư của các bộ, ngành, của các địa phương là rất lớn, dự án nào cũng rất cần thiết và cấp bách vì vậy kế hoạch đầu tư xây dựng các công trình dù lớn nhỏ (dự án nhóm A,B,C) trước hết do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh sẽ lựa chọn trong giai đoạn 5 – 10 năm và ưu tiên thứ tự từng loại công trình, bao gồm cả ngắn hạn và trung hạn, các bộ, ngành Trung ương cũng thực hiện tương tự như vậy.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như từng địa phương, bộ, ngành lập danh sách các dự án đầu tư và thứ tự ưu tiên trình Quốc hội.

Sau khi Quốc hội thống nhất danh sách đầu tư sẽ được gửi về các bộ, ngành, các địa phương được chủ động quyết định đầu tư đối với các dự án B và C. Chính phủ quyết định đầu tư nhóm A.

Làm như vậy, thì việc đầu tư đã được công khai minh bạch, được Quốc hội thông qua; phần quyết định củ thể là do các bộ, ngành, các địa phương tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm.

Đồng thời sẽ quy được trách nhiệm rõ ràng đối với từng cấp trong việc sử dụng nguồn vốn đầu tư công, giảm được tình trạng “xin cho” dự án.

Các cá nhân có thẩm quyền quyết định đầu tư cũng sẽ tự chịu trách nhiệm trong các quyết định của mình trong việc đầu tư từng dự án, giúp cho việc đầu tư tốt hơn, chủ động hơn và chắc chắn các dự án đầu tư sẽ có hiệu quả hơn.

Theo Báo Xây dựng