Lợi ích của việc xóa tên ngân hàng yếu kém

19/10/2013 10:53
Theo Báo Đầu tư
Vừa qua, thị trường ngân hàng lại chứng kiến sự “ra đi” của hai thương hiệu trong ngành. Nỗ lực tái cơ cấu ngành này đã đem lại những kết quả tích cực, song vẫn còn rất nhiều việc phải làm để lành mạnh hóa hệ thống.
Hai năm, 7 tổ chức tín dụng bị xóa thương hiệu

Vừa qua Ngân hàng Pvcombank chính thức ra mắt, trên cơ sở hợp nhất giữa Công ty cổ phần Tài chính dầu khí Việt Nam (PVFC) và Ngân hàng Phương Tây (Western Bank). Điều này cũng đồng nghĩa, hai thương hiệu PVFC và Western Bank không còn tồn tại.

Trước đó, Trust Bank đã được đổi tên thành Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam.

Cuối tháng 9/2013, cổ đông của hai ngân hàng Đại Á và HDBank cũng đã nhất trí sáp nhập DaiABank vào HDBank, xóa tên DaiABank trên thị trường.

Tới đây, nếu GPBank được một tập đoàn tài chính của Singapore mua lại phần lớn cổ phần, thì thương hiệu GPBank chưa chắc sẽ được giữ lại. Như vậy, trong năm nay, có thêm 4 - 5 tổ chức tín dụng bị xóa thương hiệu.

Ngân hàng Pvcombank chính thức ra mắt, trên cơ sở hợp nhất giữa PVFC và Ngân hàng Phương Tây (Western Bank)
Ngân hàng Pvcombank chính thức ra mắt, trên cơ sở hợp nhất giữa PVFC và Ngân hàng Phương Tây (Western Bank)

Còn nhớ, đầu năm 2012, hàng loạt ngân hàng TMCP yếu kém đứng trước bờ vực phá sản, gây nguy cơ đổ vỡ toàn hệ thống.

Thế nhưng, đến thời điểm này, NHNN có thể thở phào nhẹ nhõm, bởi thông qua mua bán - sáp nhập (M&A) hoặc sự tham gia rót vốn của cổ đông mới, các ngân hàng yếu kém đã dần đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn hoạt động.

Câu hỏi đặt ra là, ai là người đã bỏ ra số tiền khổng lồ để bù đắp tổn thất của những ngân hàng yếu kém?

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh thanh tra NHNN khẳng định, cho đến thời điểm này, các phương án tái cơ cấu ngân hàng yếu kém đều dựa trên nguyên tắc tự nguyện và nguồn lực của khu vực tư nhân.

Nhìn từ những thương hiệu ngân hàng biến mất hoặc sắp biến mất, như Western Bank, Habubank, DaiABank, Đệ Nhất…, thì rõ ràng, ngân sách nhà nước hoàn toàn chưa phải bỏ ra.

Đơn cử, trong thương vụ sáp nhập Habubank vào SHB, phía phải trả giá đắt nhất là những cổ đông lớn của Habubank. Không chỉ mất thương hiệu đã dày công gây dựng 20 năm, họ còn mất quyền điều hành, quản trị. Trong khi đó, SHB cũng mất chi phí không nhỏ. Từ một ngân hàng liên tục có lãi, nợ xấu dưới 3%, sau khi sáp nhập Habubank, SHB lỗ tới hơn 1.000 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu vọt lên 13,2% vào tháng 9/2012.

Tuy nhiên, với thương vụ M&A này, SHB đã gia tăng chóng mặt về quy mô, tổng tài sản cũng như mạng lưới giao dịch, rút ngắn 5 năm phát triển. Với những gì đạt được, chi phí mà SHB để khắc phục tổn thất của Habubank được xem là rẻ so với phát triển tự thân.

Như vậy, thông qua M&A, dù SHB và Habubank đều phải “trả giá”, song hai bên cũng đều có lợi. Trong khi đó, ngân sách nhà nước không bị tổn thất, hệ thống ngân hàng giữ được ổn định.

Vẫn chưa hết ngân hàng yếu kém


Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa, quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng đã và đang được triển khai theo đúng mục tiêu, định hướng và lộ trình đặt ra.

Trên thực tế, trong khi công cuộc tái cơ cấu của nền kinh tế chuyển biến khá chậm, thì nỗ lực của NHNN trong tái cơ cấu hệ thống ngân hàng là rất đáng ghi nhận. Không chỉ “xóa sổ” một số ngân hàng yếu kém một cách êm xuôi, mà còn củng cố sự ổn định, kỷ cương, trật tự của cả hệ thống.

Đặc biệt, một số ngân hàng sau khi tái cơ cấu đã dần có lãi như TienPhongBank, SHB, SCB… Tuy nhiên, nhìn về những ngân hàng đã thực hiện M&A, vẫn còn đó những băn khoăn, cụ thể là nợ xấu của một số ngân hàng sau khi tái cơ cấu vẫn ở mức cao.

Được biết, NHNN đang tiếp tục đánh giá và xác định thêm một số tổ chức tín dụng yếu kém và yêu cầu các tổ chức tín dụng này xây dựng phương án cơ cấu lại trình NHNN phê duyệt để đảm bảo xử lý dứt điểm, căn bản các tổ chức tín dụng yếu kém trong năm 2013.
Theo Báo Đầu tư