Loạn giá mặt hàng “thực chất là sữa": Khi nào được gọi đúng tên?

24/09/2013 06:42
Hồng Minh (nguồn VTV)
(GDVN) - “Những cái gì một quả táo vừa to vừa chua khó ngậm khó nuốt được thì anh đẩy sang bên khác ngược lại cái gì dễ ăn dễ làm thì anh lại nhận...”, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định sau những tranh cãi về trách nhiệm trong câu chuyên quản lý giá các mặt hàng “thực chất là sữa”.
Trong danh mục các sản phẩm được bình ổn giá trong quy định trong Luật Giá có hiệu lực từ năm 2013, có sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi. Quy định này có ý nghĩa ở chỗ doanh nghiệp muốn tăng hay giảm giá sữa phải đăng ký với Bộ Tài chính.

Trong khi đó, các quy chuẩn quốc gia liên quan đến các sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ em do Bộ Y tế ban hành có hiệu lực từ đầu tháng 6/2013. Theo quy định mới của Bộ Y tế, các sản phẩm trước đây gọi là sữa đã được thay bằng cái tên như: “Sản phẩm dinh dưỡng”, “thức ăn công thức” hay “sản phẩm bổ sung”.

Với người tiêu dùng, mấy ai quan tâm đến tên gọi "chính xác" của những sản phẩm này? Ảnh minh họa.
Với người tiêu dùng, mấy ai quan tâm đến tên gọi "chính xác" của những sản phẩm này? Ảnh minh họa.

Cùng một sản phẩm nhưng có đến hai cái tên, từ đó nổ ra cuộc tranh cãi liệu “Sản phẩm dinh dưỡng có nằm trong danh mục sản phẩm được bình ổn giá hay không?”. Trong khi đó hai bộ trực tiếp quản lý mặt hàng lại có hai quan điểm đối lập nhau.

Theo ông Phạm Thanh Phong – Phó Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm Bộ Y tế cho rằng: “Trước khi quy định có hiệu lực 3 tháng thì Cục An toàn Thực phẩm đã có văn bản gửi Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) để thông báo về quy chuẩn sẽ có hiệu lực và khẳng định rõ bản chất những sản phẩm này (sản phẩm dinh dưỡng, thức ăn công thức, sản phẩm bổ sung – PV) chính là những sản phẩm trước đây đã được quản lý về giá. Đề nghị Cục Quản lý giá phải áp những tên sản phẩm mới này vẫn nằm trong quản lý giá như quy định cũ”.
Trong khi đó ở chiều ngược lại, ông Nguyễn Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Quản lý giá Bộ Tài chính lại cho rằng: “Các sản phẩm trước đây gọi là sữa hiện nay theo quy chuẩn của Bộ Y tế đã chuyển sang gọi bằng cái tên khác như sản phẩm dinh dưỡng, thức ăn công thức do vậy đây là những sản phẩm không nằm trong danh mục các sản phẩm được bình ổn giá theo Luật Giá”. Cuộc tranh luật của hai bộ còn chưa có hồi kết thì các hãng sữa đã nghiễm nhiên cho tăng giá sữa từ 5 – 20% kể từ tháng 4 trở lại đây mà không hề đăng ký giá. Đã không ít công văn qua lại giữa hai bộ, nhiều cuộc họp đã được tổ chức giữa ba bộ: Tài chính – Y tế - Công thương. Tuy nhiên một động tác nhỏ là điền tên sản phẩm dinh dưỡng, thức ăn công thức  cụ thể hơn là đưa tên gọi mới của những sản phẩm trước đây được gọi là sữa vào danh mục sản phẩm bình ổn giá lại không một bộ nào  chịu nhận.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, điểm mấu chốt của vấn đề này là phải thống nhất được tên gọi. “Một trong những vấn đề cơ bản là phải thống nhất lại tên gọi. Ví dụ thống nhất tên gọi tất cả những sản phẩm nào thuộc sản phẩm về sữa nhưng tên gọi khác nhau, 4-5 tên gọi khác nhau thì phải đều nằm trong diện nhà nước quản lý chặt chẽ về giá tăng giá hay giảm giá đều phải kê khai báo cáo”.

Trước đó hai Bộ Y tế và Tài chính đã có hai công văn giải trình gửi Thủ tướng Chính phủ, trong đó công văn của bộ này lại chỉ nhấn mạnh trách nhiệm bộ kia và ngược lại. Trong khi đó không hề nhắc gì đến phần viêc, trách nhiệm của mình. 

Cụ thể, trong công văn gửi Thủ tướng Chính phủ Bộ Tài chính nhấn mạnh: “Bộ Tài chính xin kiến nghị Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế phối hợp với Bộ Tài chính để quy định cụ thể các sản phẩm dinh dưỡng trước đây là sữa, xem xét việc kê khai giá với những sản phẩm này. Đồng thời các sản phẩm trên là sữa hoặc có công dụng như sữa thì Bộ Y tế cần trình Chính phủ báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ xung vào danh mục bình ổn giá”.

Ngược lại tại cũng tại công văn gửi Thủ tướng Chính phủ Bộ Y tế lại nêu rõ: “Kính đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính và Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố tăng cường quản bình ổn giá đối với mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi”.

Trước ý kiến trái chiều giữa hai bộ, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng: “Đáng nhẽ lúc này hai bộ phải ngồi bàn bạc với nhau để cùng chủ động đề xuất với Thủ tướng. Tôi nghĩ rằng, Thủ tướng sẽ sẵn sàng chấp nhận và ngồi lại bàn bạc chứ không để tình trạng bên này dây dưa bên kia, bên kia đề nghị bên này và cuối cùng cứ để sự việc tồn tại như vậy. Hay nói các khác những cái gì một quả táo vừa to vừa chua khó ngậm khó nuốt được thì anh đẩy sang bên khác ngược lại cái gì dễ ăn dễ làm thì  anh lại nhận, việc đó ta nên tránh”.

Trong khi đó đứng khía cạnh người dân, không mấy ai quan tâm đến tên gọi hay những tranh cãi giữa hai bộ. Điều thiết thực và mong muốn nhất đó là người tiêu dùng được bảo vệ, sữa được bình ổn giá để con em họ được sử dụng sản phẩm sữa. 
Hồng Minh (nguồn VTV)