Liên tiếp xảy ra ngộ độc thực phẩm tại điểm du lịch

10/08/2016 06:56
Mai Anh
(GDVN) - Cục An toàn thực phẩm chỉ đạo xử lý nghiêm nhà hàng, khách sạn, điểm du lịch để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm...

Trong hơn 2 tháng trở lại đây liên tiếp vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại các nhà hàng, khách sạn điểm du lịch lớn miền Trung gây hoang mang trong dư luận.

Gần đây nhất, ngày 19/7 hơn 70 du khách đang nghỉ dưỡng ở Phan Thiết, Bình Thuận bị ngộ độc thực phẩm, được đưa đi cấp cứu.  

Theo thông tin ban đầu, các du khách bị ngộ động được bố trí ở một số nhà nghỉ, khách sạn và khu nghỉ dưỡng ở khu vực Hàm Tiến - Mũi Né.

Sau khi sử dụng thực phẩm, du khách có triệu chứng: đau bụng, nôn ói, tiêu chảy và nóng sốt. Ngay sau khi tiếp nhận, các cơ sở y tế đã truyền dịch, tiêm thuốc giảm đau, cho uống kháng sinh, thuốc chống nôn và điều trị tích cực.

Du khách bị ngộ độc đang nằm điều trị tại Bệnh viện đa khoa An Phước - Bình Thuận, ảnh nguồn VOV
Du khách bị ngộ độc đang nằm điều trị tại Bệnh viện đa khoa An Phước - Bình Thuận, ảnh nguồn VOV

Trước đó, ngày 15/7 sau bữa cơm tối 14/7 tại khách sạn Cao Nguyễn (thuộc xã Hải Hòa, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa), hơn 40 du khách đã phải nhập viện do ngộ độc thực phẩm.

Sau khi sự việc xảy ra, các cơ quan chức năng đã tiến hành lấy mẫu thực phẩm để tìm nguyên nhân. Qua quá trình điều tra dịch tễ học, ngành y tế tỉnh Thanh Hóa xác định vụ ngộ độc thực phẩm tại khách sạn do sử dụng thực phẩm bị nhiễm vi sinh vật.

Tương tự ngày 11/7, ông Lê Đình Đờn - Chi cục Trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm Khánh Hòa xác nhận trong đêm qua có thêm nhiều nạn nhân trong đoàn khách từ Hà Nội đến Nha Trang chơi có những triệu chứng chóng mặt, buồn nôn, đau bụng... được chuyến đến cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa và nhiều bệnh viện khác.

"Trong hai ngày có 119 người trong đoàn du khách nhập viện. Đơn vị làm việc với các bệnh nhân, những người liên quan và lấy mẫu thức ăn ở nhà hàng để xét nghiệm, xác định nguyên nhân", ông Đờn cho biết. 

Cuối tháng 6/2016, Bệnh viện Đà Nẵng cho biết vừa tiếp nhận và điều trị cho 16 khách du lịch nhập viện nghi do ngộ độc thực phẩm.

Theo đó, khoảng 16h30 ngày 28/6, bệnh viện tiếp nhận 16 ca có chung biểu hiện nôn mửa, đau bụng và đi ngoài. Được biết, toàn bộ số ca bệnh này đều là giáo viên của trường mầm non Bình Minh 1 và Bình Minh 2 (xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, Hà Nội). 

Theo các nạn nhân cho biết, đoàn du lịch có 68 người đến Đà Nẵng từ chiều ngày 26/6. Trong ngày 28/6, đoàn có ăn ở nhiều nơi và thức ăn chủ yếu là hải sản. Lần ăn gần nhất là vào chiều 27/6, tại nhà hàng B.G ở Cù Lao Chàm (TP Hội An, Quảng Nam). 

Tại đây, đoàn có ăn các món hải sản như tôm, ốc, cá chìa vôi nướng,… Sau khi ăn khoảng vài tiếng, một số người có biểu hiện đau bụng, đi ngoài và nôn mửa.

Đến sáng 28/6, đoàn tiếp tục đi du lịch nhưng đến chiều cùng ngày thì 16 người đau bụng không thể chịu được nên phải đưa đến bệnh viện. Trong đó có 15 người lớn được cấp cứu tại bệnh viện đa khoa Đà Nẵng, còn một trẻ nhỏ được chuyển vào Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng.

Trước tình trạng các địa phương để xảy ra ngộ độc thực phẩm bếp ăn tập thể tại nhà hàng, khách sạn làm nhiều người mắc, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân và gây hoang mang trong dư luận xã hội, đặc biệt là tại các địa phương thu hút nhiều khách du lịch.

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có văn bản đề nghị Sở Y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt và hiệu quả các biện pháp. 

Thứ nhất, tăng cường thông tin, tuyên truyền các biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm, phổ biến các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm cho các khu nghỉ dưỡng, khu du lịch, nhà hàng, khách sạn, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và kinh doanh thức ăn đường phố trên địa bàn. 

Yêu cầu các cơ sở tuyệt đối không sử dụng các nguyên liệu thực phẩm, sản phẩm thực phẩm đã bị ôi thiu, hỏng, mốc, không rõ nguồn gốc, quá hạn sử dụng, không bảo đảm an toàn thực phẩm để chế biến thực phẩm.

Thứ hai, chỉ đạo các đơn vị chức năng địa phương chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm đối với các khu du lịch, khu nghỉ dưỡng, nhà hàng, khách sạn, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và kinh doanh thức ăn đường phố khác trên địa bàn. 

Phát hiện sớm và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định an toàn thực phẩm và công khai các vi phạm trên phương tiện thông tin để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.

Thứ ba, Sở y tế chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm của tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương chủ động phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, cơ sở điều trị và các đơn vị có liên quan khác tăng cường công tác giám sát ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm tại cộng đồng, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng phương án, lực lượng thường trực, phương tiện, vật tư… để phối hợp tham gia phòng chống ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm khi được yêu cầu.

Trong văn bản Cục An toàn thực phẩm yêu cầu: “Khi nhận được công văn này, đề nghị các đơn vị chủ động triển khai và báo cáo kết quả thực hiện về Cục An toàn thực phẩm để tổng hợp báo cáo Bộ Y tế”.

Mai Anh