Kinh tế Việt Nam 2018 có nhiều chỉ số tăng trưởng ấn tượng

01/01/2019 07:30
Vũ Phương
(GDVN) - Theo Tiến sĩ Bùi Trinh, việc cần làm phải là phát triển nền kinh tế bền vững như xuất khẩu dịch vụ hay nông nghiệp sẽ thiết thực, ý nghĩa với người dân.

Kinh tế Việt Nam năm 2018 được nhiều chuyên gia, nhiều tổ chức uy tín quốc tế đánh giá là năm thành công của Việt Nam.

Nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài trong giới hạn kiểm soát; thu ngân sách vượt dự toán; cán cân thanh toán quốc tế được cải thiện, cán cân thương mại chuyển biến tích cực, năm 2018 là năm thứ 3 liên tiếp xuất siêu…

Đáng chú ý, trong 12 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội do Quốc hội đề ra đều đạt và vượt chỉ tiêu vượt mục tiêu kế hoạch đề ra, với nhiều điểm nhấn quan trọng.

Nổi bật hơn cả là tăng trưởng GDP còn vượt chỉ tiêu kế hoạch (6,7% so với tăng 7,08%% mục tiêu) - mức cao nhất trong 10 năm qua.

Tính chung, GDP cả năm 2018 tăng 7,08%, là mức tăng cao nhất kể từ năm 2008 trở về đây. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,76%, đóng góp 8,7% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,85%, đóng góp 48,6% và khu vực dịch vụ tăng 7,03%, đóng góp 42,7%.

Kinh tế Việt Nam 2018 có nhiều chỉ số tăng trưởng ấn tượng ảnh 1Chính phủ không bao giờ cho phép “ngủ quên trên vòng nguyệt quế”

Về cơ cấu nền kinh tế năm 2018, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 14,57% GDP; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 34,28%; khu vực dịch vụ chiếm 41,17%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,98%.

Xét về góc độ sử dụng GDP năm 2018, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,17% so với năm 2017; tích lũy tài sản tăng 8,22%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 14,27%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 12,81%.

Hiệu quả đầu tư được cải thiện với nhiều năng lực sản xuất mới bổ sung cho nền kinh tế. Chỉ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (Hệ số ICOR) giảm từ mức 6,42 năm 2016 xuống 6,11 năm 2017 và 5,97 năm 2018, bình quân giai đoạn 2016-2018 hệ số ICOR ở mức 6,17, thấp hơn so với hệ số 6,25 của giai đoạn 2011-2015.

Quy mô nền kinh tế theo giá hiện hành đạt 5.535,3 nghìn tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người Việt Nam ước đạt 58,5 triệu đồng, tương đương 2.587 đô la Mỹ, tăng 198 đô la Mỹ so với năm 2017.

Năm 2018, cả nước có 131.275 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 1.478,1 nghìn tỷ đồng, tăng 3,5% về số doanh nghiệp và tăng 14,1% về số vốn đăng ký so với năm 2017. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 11,3 tỷ đồng, tăng 10,2%.

Kịch bản tăng trưởng năm 2019 được Chính phủ nêu tại dự thảo Nghị quyết 01, đưa ra mục tiêu GDP tăng 6,8%, cao hơn ngưỡng 6,6-6,8% Quốc hội đưa ra cuối tháng 11. Lạm phát năm 2019 dưới 4%. Để hiện thực hoá mục tiêu này, một trong những giải pháp hàng đầu là "củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế".

Theo đó, Chính phủ tiếp tục nhất quán điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và thận trọng, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác.

Việc điều hành lãi suất, tỷ giá cũng sẽ theo hướng linh hoạt, phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và yêu cầu quản lý.

Tăng trưởng GDP năm 2018 cao nhất trong nhiều năm qua. Ảnh: VOV.
Tăng trưởng GDP năm 2018 cao nhất trong nhiều năm qua. Ảnh: VOV. 

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Bùi Trinh đánh giá: “Năm 2018, nền kinh tế chứng kiến hàng loạt con số ấn tượng trên nhiều lĩnh vực. Nổi bật như tăng trưởng GDP tăng 7,08% vượt chỉ tiêu đề ra và tăng mạnh nhất trong mười năm qua.

Điều này cho thấy năm 2018 là một năm thuận lợi và phần nào đó Chính phủ kiến tạo đã phát huy tác dụng khá tích cực.

Đặc biệt, vấn đề chống tham nhũng năm qua làm rất mạnh, điều này đã không chỉ còn là khẩu hiệu mà được Đảng và Nhà nước thực hiện quyết liệt, củng cố thêm niềm tin cho người dân và doanh nghiệp”.

Nhìn vào những con số, chỉ số kinh tế rất ấn tượng, như tăng trưởng GDP cao nhất trong 10 năm qua, không ít người cho rằng đó là điều rất đáng mừng cho kinh tế Việt Nam.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là tăng trưởng GDP về số còn chất như thế nào, cũng như chỉ số GDP có tác động như thế nào đối với việc nâng cao đời sống của người dân?

Tiến sĩ Bùi Trinh cho rằng: “Không nên quá vui mừng trước chỉ số tăng trưởng GDP. Chỉ số tăng trưởng GDP chưa thực sự có nhiều ý nghĩa về mặt tăng trưởng kinh tế. Chỉ số GDP của chúng ta vừa công bố có sức lan tỏa đến thu nhập của người dân tăng lên không đáng kể”.

Tiến sĩ Bùi Trinh phân tích: “Công nghiệp chế biến và xuất khẩu tăng cao, lên con số kỷ lục, nhưng nó không lan tỏa nhiều đến thu nhập cho người dân vì chúng ta chủ yếu là gia công. Hay như nhóm ngành dịch vụ tăng trưởng là nhờ đóng góp của thương mại, những ngành ngân sách bỏ tiền ra.

Hơn nữa, vấn đề về môi trường, ô nhiễm nhà kính ngày càng tăng do chính ngành công nghiệp chế biến gây ra. Tăng khí thải nhà kính sẽ không chỉ là hiểm họa của Việt Nam mà còn trên cả thế giới.

Đặc biệt, con số xuất khẩu không mang lại nhiều thu nhập cho người dân, đổi lại con người phải trả giá cho việc làm tổn hại đến môi trường”.

Tiến sĩ Bùi Trinh cho rằng, chỉ số tăng trưởng GDP chưa thực sự có nhiều ý nghĩa về mặt tăng trưởng kinh tế. Ảnh: CIEM.
Tiến sĩ Bùi Trinh cho rằng, chỉ số tăng trưởng GDP chưa thực sự có nhiều ý nghĩa về mặt tăng trưởng kinh tế. Ảnh: CIEM. 

Cũng theo Tiến sĩ Bùi Trinh, phải hiểu GDP là gì, tính như thế nào?

Thực chất việc chi thường xuyên, đào đường lấp đường, tăng trưởng FDI... cũng làm tăng GDP. Thế nhưng FDI tăng trưởng thì tiền cũng không phải của chúng ta mà phần lớn của nhà đầu tư chuyển về nước họ.

Đó còn chưa nói đến đầu tư gián tiếp, nhiều doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm, mua cổ phiếu của doanh nghiệp trong nước.

Có người kỳ vọng FDI giúp giải quyết công ăn việc làm cho người lao động nhưng lao động người Việt tại các doanh nghiệp FDI năm cao nhất cũng chỉ chiếm 6-7%, trong khi đó lao động trong khu vực kinh tế tư nhân chiếm tới 43%.

Tiến sĩ Bùi Trinh nhấn mạnh: “Việc tăng trưởng GDP lan tỏa không đáng kể đến đời sống cũng như thu nhập của người dân. Tăng trưởng GDP cũng không có nhiều ý nghĩa với thu nhập bình quân đầu người.

Kinh tế Việt Nam 2018 có nhiều chỉ số tăng trưởng ấn tượng ảnh 4Tăng trưởng GDP năm 2018 đạt 7,08%

Bởi vậy, việc cần làm là phải phát triển nền kinh tế bền vững như thay vì xuất khẩu sản phẩm vật chất chuyển sang xuất khẩu dịch vụ.

Đây là lĩnh vực không gây ảnh hưởng môi trường, không làm tăng lượng khí thải nhà kính. Đặc biệt sức lan tỏa rất mạnh đến nâng cao thu nhập cho người dân theo tính toán từ mô hình cân bằng tổng thể.

Năm 2018, cũng như năm 2019 dự báo lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục tăng trưởng. Lĩnh vực này cũng lan tỏa rất tốt đến thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, lĩnh vực nông nghiệp cũng tác động ít nhiều đến hiệu ứng nhà kính, cũng như chưa được chú trọng đầu tư.

Nếu lĩnh vực này được đầu tư, được khuyến khích tạo mọi điều kiện phát triển sẽ còn tăng trưởng nữa. Trong tương lai muốn phát triển ngành nông nghiệp bền vững cần đầu tư vào nông nghiệp xanh, sạch.

Về mặt kinh tế, lĩnh vực nông nghiệp rất quan trọng, đây là lĩnh vực mang lại nguồn thu nhập thực chất, nguồn thu lớn cho người dân”.

Vũ Phương