Hải Phòng bừng sáng với những công trình giao thông

20/06/2022 06:40
LÃ TIẾN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Hải Phòng đang có sự phát triển và vươn lên mạnh mẽ khi đang kiên định phát triển theo hướng: kết nối liên vùng và lan tỏa, lấy Hải Phòng làm trung tâm.

Sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, sự đổi thay mạnh mẽ nhiều nhất đến từ các công trình giao thông Hải Phòng.

Nhiều tuyến đường, cây cầu được xây dựng mới, kết nối trong Hải Phòng và kết nối vùng giữa Hải Phòng và cả nước được triển khai.

Đó không chỉ là sự khẳng định vị thế trung tâm giao thông vùng duyên hải phía Bắc của Hải Phòng mà còn là điều kiện để Hải Phòng kết nối, vươn xa…

Mở đường kết nối liên vùng

Ngày 28/12/2019, người dân huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) và huyện Thái Thụy (tỉnh Thái Bình) chính thức được rảo bước trên cây cầu vĩnh cửu nối qua sông Hóa trên quốc lộ 37 sau 7 tháng xây dựng, thay thế cho chiếc cầu phao đang bị bào mòn theo thời gian.

Cầu sông Hóa đưa vào sử dụng rút ngắn khoảng cách giữa huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) và huyện Thái Thụy (Thái Bình) hơn 30km (Ảnh: CTV)

Cầu sông Hóa đưa vào sử dụng rút ngắn khoảng cách giữa huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) và huyện Thái Thụy (Thái Bình) hơn 30km (Ảnh: CTV)

Đây là cây cầu đầu tiên được xây dựng có sự đóng góp về kinh phí của thành phố Hải Phòng và tỉnh Thái Bình và cũng từ dự án này, tuyến đường kết nối với 2 đầu cầu ở Hải Phòng và Thái Bình cùng được triển khai đã nâng cao giá trị khai thác cây cầu.

Để có được cây cầu này là sự đồng tâm, hiệp lực giữa hai địa phương, nhưng trước đó là yêu cầu về phát triển giao thông, kết nối vùng theo tinh thần Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị và cầu sông Hóa chính là cây cầu đầu tiên được triển khai trên thực tế…

Tiếp đó, Hải Phòng tổ chức triển khai dự án tuyến đường nối đường Lạng Am - Nhân Mục với đường bộ ven biển Hải Phòng- Thái Bình, mở hướng đi mới kết nối và nâng cao hiệu quả khai thác của các công trình giao thông.

Nghị quyết số 45 đặt ra mục tiêu xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và của cả nước; có kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại kết nối thuận lợi với trong nước và quốc tế bằng cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không…

Và để thực hiện mục tiêu này, Hải Phòng đã chủ động làm việc với các tỉnh lân cận như Thái Bình, Hải Dương và Quảng Ninh cùng đưa phương hướng cùng kết nối, cùng phát triển và những công trình giao thông lần lượt ra đời, từng bước hiện thực hóa mục tiêu của Nghị quyết.

Sau công trình cầu Hóa, bước vào năm 2020, thành phố Hải Phòng và tỉnh Hải Dương cùng khởi công 2 cây cầu mới là cầu Quang Thanh nối huyện An Lão với huyện Thanh Hà và cầu Dinh nối huyện Thủy Nguyên với thị xã Kinh Môn.

Cầu Quang Thanh kết nối với huyện Thanh Hà (Hải Dương) (Ảnh: CTV)

Cầu Quang Thanh kết nối với huyện Thanh Hà (Hải Dương) (Ảnh: CTV)

Sau 13 tháng xây dựng, ngày 17/7/2021, cả 2 cây cầu này cùng khánh thành trong niềm vui của người dân hai bên bờ sông.

Khoảng cách giữa Hải Phòng- Hải Dương từng tính bằng thời gian đợi phà hàng giờ, nay tính bằng phút và bước chân.

Để kết nối hơn nữa, khẳng định vị thế trung tâm giao thông vùng duyên hải phía Bắc, bên cạnh tuyến đường bộ ven biển đang được các nhà thầu quyết tâm đẩy nhanh tiến độ, dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 10 nối Hải Phòng- Quảng Ninh đang trong giai đoạn thi công tích cực.

Dự án này được Chính phủ chấp thuận để thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh cùng đầu tư, cùng phát triển chung và là công trình đầu tiên có sự phối hợp đồng bộ.

Vào tháng 5/2022, giữa Hải Phòng và Quảng Ninh đã khởi công dự án xây dựng cầu Bến Rừng nối huyện Thủy Nguyên sang thị xã Quảng Yên.

Tiếp đó, 2 địa phương sẽ triển khai dự án xây dựng cầu Lại Xuân, nối huyện Thủy Nguyên với thị xã Đông Triều…

Từ những công trình giao thông kết nối, Hải Phòng đang vươn mình để không chỉ là một cực phát triển quan trọng trong tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh mà còn là động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và của cả nước.

Lan tỏa từ Hải Phòng

Đầu tháng 5/2022, Hải Phòng hoàn thành dự án đầu tư xây dựng cầu Rào 1 và công viên dưới cầu.

Cầu Rào 1 không chỉ đơn thuần là cây cầu qua dòng Lạch Tray trong nội thành Hải Phòng mà cây cầu này còn mang theo “sứ mệnh” đặc biệt.

Đó là mở trục giao thông hướng tâm từ Đồ Sơn đến khu đô thị Bắc sông Cấm, tạo thành hành lang giao thông nội thành dài hơn 30 km.

Không những thế, cây cầu còn kết nối với tuyến đường trục đô thị thông ra quốc lộ 10, đến khu vực Đình Vũ và đường cao tốc Hà Nội- Hải Phòng….

Tuy có nhiều các công trình giao thông mang tính địa phương, nhưng hầu hết những công trình lớn đều gắn với sự lan tỏa, kết nối rộng khắp và có điểm xuất phát từ Hải Phòng.

Dự án đầu tư nâng cấp quốc lộ 37 đang được triển khai trên địa bàn huyện Vĩnh Bảo, nhưng mục tiêu gắn kết nối giữa 3 địa phương là Thái Bình- Hải Phòng- Hải Dương trên hướng tuyến từ tỉnh Thái Bình đi tỉnh Sơn La.

Cầu Rào 1 đưa vào sử dụng đầu năm 2022 (Ảnh: CTV)

Cầu Rào 1 đưa vào sử dụng đầu năm 2022 (Ảnh: CTV)

Dự án xây dựng tuyến đường nối từ cầu Lạng Am với đường bộ ven biển Hải Phòng là dự án 100% ngân sách của thành phố Hải Phòng, nhưng tuyến đường này “gánh vác” trọng trách kết nối với từ phía Bắc đến phía Nam.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường ven biển Hải Phòng- Thái Bình dự kiến hoàn thành sau 1 năm nữa, nhưng nhà đầu tư đang mong muốn điều chỉnh để vươn ra xa hơn, kết nối với Đình Vũ- nơi có cảng biển nhộn nhịp nhất miền Bắc và nối với cầu Bạch Đằng đi tỉnh Quảng Ninh.

Không chỉ kết nối trong nước, năm 2022 này, các doanh nghiệp đầu tư tại Hải Phòng tiếp tục triển khai dự án xây dựng 4 bến ở Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện để vươn ra thế giới mạnh mẽ hơn.

Đó là bến số 3,4 của Công ty Cổ phần Cảng Hải Phòng và bến số 5,6 của tập đoàn Hateco.

Hiện nay, bến số 1,2 đang đưa vào khai thác hiệu quả với lượng container lên đến khoảng 700.000 teus/năm, đã chứng tỏ tầm nhìn của Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải đối với tiềm năng, lợi thế của Hải Phòng.

Được biết, sau bến số 5,6, đang có rất nhiều doanh nghiệp đăng ký, mong muốn được xây dựng các bến tiếp theo tại Lạch Huyện, là bước đà để sớm đưa Hải Phòng trở thành thành phố công nghiệp gắn với cảng biển phát triển hiện đại, thông minh, bền vững với những ngành mũi nhọn như kinh tế biển, cơ khí chế tạo, chế biến, điện tử, dịch vụ logistics, khoa học và công nghệ biển theo tinh thần Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị.

Sau 3 năm Đảng bộ và nhân dân thành phố Hải Phòng thực hiện Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị, nhìn từ những công trình giao thông, Hải Phòng có sự phát triển và vươn lên mạnh mẽ khi đang kiên định phát triển theo hướng: kết nối liên vùng và lan tỏa, lấy Hải Phòng làm trung tâm.

Những công trình giao thông đã và đang hoàn thành tạo động lực lớn trong công cuộc phát triển kinh tế- xã hội của thành phố.

Song hơn cả là sự tin tưởng, hỗ trợ của người dân thành phố khi cùng chung tay hoàn thành các công trình ấy.

Chặng đường phía trước còn dài, Hải Phòng cần phát triển và vươn lên mạnh mẽ hơn nữa, những công trình giao thông nối tiếp hoàn thành sẽ đóng góp một phần vào sự phát triển và vươn lên ấy.

LÃ TIẾN