Hải Dương quảng bá, xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà

29/05/2022 16:16
Phạm Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Sáng 29/5, tỉnh Hải Dương tổ chức hội nghị nhằm quảng bá, xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh.

Độc đáo lễ mở vườn hái vải xuất khẩu

Sáng 29/5, tại thôn Thanh Lanh, xã Thanh Quang (Thanh Hà), Uỷ ban nhân dân tỉnh Hải Dương tổ chức lễ mở vườn hái vải xuất khẩu năm 2022.

Đây là năm thứ 2, tỉnh tổ chức lễ mở vườn hái vải xuất khẩu nhằm quảng bá và xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà.

Tới dự buổi lễ có ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công thương; ông Hà Văn Siêu - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch cùng đại diện các sở, ban, ngành của 21 tỉnh, thành phố về dự.

Sau khi lãnh đạo các bộ và tỉnh cắt băng mở vườn hái vải xuất khẩu tại thôn Thanh Lanh, tỉnh tổ chức cuộc thi "Trải nghiệm thu hoạch vải thiều năm 2022".

Sau lễ cắt băng mở vườn vải hái xuất khẩu, tỉnh Hải Dương tổ chức cuộc thi "Trải nghiệm thu hoạch vải thiều năm 2022" (Ảnh: Phạm Linh)

Sau lễ cắt băng mở vườn vải hái xuất khẩu, tỉnh Hải Dương tổ chức cuộc thi "Trải nghiệm thu hoạch vải thiều năm 2022" (Ảnh: Phạm Linh)

Cuộc thi có 3 đội tham gia gồm: U trắng, U gai, U hồng. Mỗi đội tham gia thi thu hoạch 1 cây vải thiều trong 15 phút, bó và đóng hộp tiêu chuẩn xuất khẩu.

Sau hội thi, các lãnh đạo đi thăm vườn vải theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và trải nghiệm hái vải, loại quả mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân Thanh Hà.

Được biết, Hải Dương hiện có hơn 8.900 ha vải thiều. Trong đó, huyện Thanh Hà có 3.273 ha, Chí Linh có 3.434 ha, còn lại ở các địa phương khác.

Năm nay, Hải Dương tiếp tục duy trì 41 vùng vải tiêu chuẩn VietGAP với diện tích là 500 ha và 11 vùng sản xuất vải theo tiêu chuẩn GlobalGAP với diện tích 110 ha.

Ngoài ra, có gần 6.000 ha vải áp dụng sản xuất theo quy trình VietGAP và GlobalGAP. Vải Thanh Hà đã đạt nhiều chứng nhận, danh hiệu, giải thưởng như "Chỉ dẫn địa lý", "Top 10 sản phẩm uy tín chất lượng", "Thương hiệu vàng", “Tinh hoa đặc sản 3 miền”...

Người dân thu hoạch vải thiều xuất khẩu (Ảnh: Phạm Linh)

Người dân thu hoạch vải thiều xuất khẩu (Ảnh: Phạm Linh)

Xúc tiến thương mại vải thiều Thanh Hà

Tiếp nối buổi lễ mở vườn hái vải xuất khẩu, Uỷ ban nhân dân tỉnh Hải Dương tổ chức Hội nghị “Xúc tiến thương mại vải thiều Thanh Hà và sản phẩm tiêu biểu tỉnh Hải Dương năm 2022”.

Hội nghị được tổ chức trực tiếp và kết nối trực tuyến với 37 điểm cầu trong và ngoài nước. Trong đó có 20 điểm cầu trong nước gồm 1 điểm chính tại Hải Dương, 19 điểm tại các tỉnh, thành phố lớn và 17 điểm cầu quốc tế tại các quốc gia Mỹ, Trung Quốc, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Bỉ, Pháp, Séc, Singapore.

Ngoài ra có hơn 50 điểm cầu nhánh của các doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu nông sản kết nối tham dự hội nghị.

Quang cảnh hội nghị (Ảnh: CTV)

Quang cảnh hội nghị (Ảnh: CTV)

Hội nghị “Xúc tiến thương mại vải thiều Thanh Hà và sản phẩm tiêu biểu tỉnh Hải Dương năm 2022” là hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các tiềm năng, lợi thế cũng như những chính sách ưu đãi của tỉnh nhằm thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, thương mại, dịch vụ.

Đây cũng là dịp để vải thiều Thanh Hà và các sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng của Hải Dương cùng các danh thắng, di tích, sản phẩm du lịch được biết đến rộng khắp.

Đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tìm kiếm đối tác, thúc đẩy giao thương, mở rộng thị trường.

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Phạm Xuân Thăng – Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương khẳng định Hải Dương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, có vị trí địa lý và hệ thống giao thông thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Phạm Xuân Thăng – Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương phát biểu khai mạc hội nghị (Ảnh: CTV)

Ông Phạm Xuân Thăng – Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương phát biểu khai mạc hội nghị (Ảnh: CTV)

Hải Dương có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế nông nghiệp với sản phẩm nông sản đa dạng, phong phú, chất lượng, sản lượng cao

Sản xuất nông nghiệp của tỉnh đang phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, thông minh và hữu cơ.

Hằng năm, Hải Dương cung ứng ra thị trường khoảng 750 ngàn tấn lúa gạo, 700 ngàn tấn rau, củ các loại, 300 ngàn tấn quả và khoảng 200 ngàn tấn thịt gia súc, gia cầm và thủy sản

Đặc biệt, Hải Dương có sản phẩm vải thiều Thanh Hà thơm ngon nổi tiếng trong và ngoài nước. Vải được sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, tiêu chuẩn xuất khẩu, đã được chứng nhận chỉ dẫn địa lý và được dán tem truy xuất nguồn gốc.

Bí thư Tỉnh uỷ Phạm Xuân Thăng nhấn mạnh Hải Dương luôn quan tâm thực hiện công tác xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm và kết nối giao thương để hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp nhằm thúc đẩy tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh.

Những năm qua, thông qua hoạt động này, việc tiêu thụ vải thiều Thanh Hà nói riêng và các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh nói chung đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong tiêu thụ.

Năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, nhưng giá trị sản xuất vải theo giá thực tế vẫn đạt 1.400 tỷ đồng, tăng 234 tỷ đồng so với năm 2020.

Các gian hàng sản phẩm OCCOP được bày tại sảnh hội nghị (Ảnh: Phạm Linh)

Các gian hàng sản phẩm OCCOP được bày tại sảnh hội nghị (Ảnh: Phạm Linh)

Tham dự hội nghị, lãnh đạo một số bộ ngành ở các điểm cầu trực tuyến ở Trung Quốc, Australia, Malaysia, đại diện các hiệp hội trái cây, doanh nghiệp nhập khẩu đều đánh giá cao chất lượng vải thiều Thanh Hà nói riêng và các sản phẩm nông sản tiêu biểu của tỉnh nói chung.

Ông Triệu Thế Hùng - Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Hải Dương phát biểu bế mạc hội nghị, cho biết, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số vào sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, các hoạt động xúc tiến gắn với hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Ông Triệu Thế Hùng - Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Hải Dương phát biểu bế mạc hội nghị (Ảnh: CTV)

Ông Triệu Thế Hùng - Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Hải Dương phát biểu bế mạc hội nghị (Ảnh: CTV)

Đặc biệt, đối với sản xuất nông nghiệp, trên cơ sở xác định rõ các sản phẩm thế mạnh, đặc thù, tỉnh sẽ đặc biệt quan tâm đầu tư xây dựng các thương hiệu nông sản, xây dựng nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Tập trung cho công tác quảng bá, xúc tiến thương mại thông qua nhiều hình thức để tiếp cận khách hàng, nhất là việc đưa nông sản lên sàn giao dịch thương mại điện tử.

Cùng với đó, đẩy mạnh việc thực hiện liên kết 4 nhà (nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông) nhằm đưa nông sản tham gia vào chuỗi giá trị gia tăng, từ sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến và tiêu thụ.

Tập trung thu hút, phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ liên kết trong sản xuất nông nghiệp; có cơ chế chính sách ưu đãi để hỗ trợ, khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực bảo quản, chế biến nông sản, đặc biệt là chế biến sâu.

Tỉnh Hải Dương ký kết giao thương tiêu thụ vải thiều qua các sàn thương mại điện tử (Ảnh: CTV)
Tỉnh Hải Dương ký kết giao thương tiêu thụ vải thiều qua các sàn thương mại điện tử (Ảnh: CTV)

Tại hội nghị, tỉnh Hải Dương đã thực hiện việc ký kết giao thương tiêu thụ vải thiều sản phẩm tiêu biểu tỉnh Hải Dương qua các sàn thương mại điện tử; các doanh nghiệp xuất khẩu cung ứng vải thiều và các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh Hải Dương ký kết liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp của các tỉnh thành khác trong cả nước.

Phạm Linh