“Giá xăng, dầu ở Việt Nam giảm như thế là chưa đủ!"

08/12/2014 16:49
PHONG NGUYÊN
(GDVN) - Đó là khẳng định của PGS. TS Nguyễn Hoàng Ánh, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và Thương mại quốc tế (Đại học Ngoại thương Hà Nội).

Trưa 6/12, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã công bố biểu giá bán lẻ mới. Theo đó, xăng RON 92 được niêm yết 19.930 đồng/lít, còn xăng RON 95 được bán với giá 20.530 đồng/lít, như vậy giá xăng đồng loạt giảm 320 đồng/lít. Xăng sinh học E5 có giá tương tự RON 92. Dầu Mazut cũng giảm 320 đồng/lít, trong khi Diesel và Dầu hỏa lần lượt giảm 240 và 280 đồng/lít.

Đây là lần thứ 11 liên tiếp giá xăng giảm kể từ 28/7, sau khi tăng một mạch 5 lần trong 6 tháng đầu năm. Lần điều chỉnh gần nhất vào 22/11 cũng là mức giảm kỷ lục trong nhiều năm qua, 1.140 đồng/lít. Với mức giảm 320 đồng/lít hôm nay, đây là lần đầu tiên giá xăng RON 92 xuống dưới 20.000 đồng/lít kể từ cuối tháng 3/2011.

Có thể thấy, đà giảm mạnh và liên tiếp của giá dầu thế giới đang ảnh hưởng tới Việt Nam theo cả hai chiều, xuất khẩu dầu thô và nhập khẩu nhiên liệu thành phẩm.

Để làm rõ sự ảnh hưởng từ giá xăng dầu thế giới tới Việt Nam, phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Nguyễn Hoàng Ánh, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và Thương mại quốc tế (Đại học Ngoại thương Hà Nội).

- Sau lần giảm giá xăng, dầu mới đây nhất, có ý kiến cho rằng giá xăng dầu trong nước vẫn chưa bám sát giá xăng dầu thế giới, thậm chí còn cao hơn nhiều so với thế giới. Bà có thấy vậy không?

PGS. TS Nguyễn Hoàng Ánh, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và Thương mại quốc tế (Đại học Ngoại thương Hà Nội).
PGS. TS Nguyễn Hoàng Ánh, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và Thương mại quốc tế (Đại học Ngoại thương Hà Nội).

Rõ ràng giá xăng dầu trong nước dù đã giảm nhiều lần, nhưng so về mặt tỷ lệ vẫn chưa bám sát giá xăng dầu thế giới. Nói cách khác, giảm như thế là chưa đủ. Chưa kể việc giảm giá xăng, dầu ở trong nước thường có một độ trễ nhất định và người tiêu dùng buộc phải chấp nhận điều đó chứ không biết phải làm sao.

- Theo bà vì sao lại có sự chênh lệch như vậy?

Do chúng ta chưa có cơ chế quản lý tốt giá xăng, dầu trên thị trường. Xăng, dầu hiện nay vẫn ở thế độc quyền, “bao cấp”, nguồn cung của chúng ta bị hạn chế thì sao có thể nói tới sự cạnh tranh hoàn hảo của một nền kinh tế thị trường?

- Giá xăng dầu giảm như hiện nay tác động như thế nào đến nền kinh tế thưa bà?

Có một điều chắc chắn, giá xăng, dầu giảm nền kinh tế sẽ được hưởng lợi bởi xăng dầu chính là máu của nền kinh tế bây giờ. Chẳng có ngành sản xuất nào có thể hoạt động nếu thiếu xăng dầu cả. Chúng ta đều biết việc giảm giá xăng, dầu không do chúng ta chủ động được. Chúng ta không thể biết trước mức giảm ra sao và thời gian giảm kéo dài bao lâu. Vì vậy, đây chính là cơ hội tốt cho tất cả các ngành sản xuất cố gắng tận dụng để thu lợi.

- Nhưng rõ ràng, giá xăng dầu giảm, ngân sách sẽ hụt thu. Theo ước tính, mỗi USD giảm cho 1 thùng dầu thô thế giới, ngân sách chúng ta đã giảm đi 1.000 tỷ đồng. Điều này có đáng lo ngại?

Khi xăng dầu giảm giá, ngân sách bị hụt thu thì chúng ta sẽ có những nguồn thu khác. Chẳng hạn, khi đó các ngành sản xuất sẽ phát triển, như vậy, ngân sách vẫn sẽ được hưởng lợi.

Thế nhưng, tôi vẫn thấy nền kinh tế ở Việt Nam kỳ cục quá cơ. Chúng ta đều biết giá xăng, dầu hay tỷ giá là thứ chúng ta ít tác động được, nhưng chúng ta lại đang hoàn toàn phụ thuộc vào nó.

Theo PGS. TS Nguyễn Hoàng Ánh, giá xăng dầu ở Việt Nam phải giảm hơn nữa (Ảnh minh họa: Internet)
Theo PGS. TS Nguyễn Hoàng Ánh, giá xăng dầu ở Việt Nam phải giảm hơn nữa (Ảnh minh họa: Internet)

- Dù giá xăng đã giảm kỷ lục, cước vận tải mới chỉ giảm 5-8%. Theo bà mức giảm như vậy đã hợp lý chưa?

Cước vận tải ra sao không chỉ phụ thuộc vào giá xăng, dầu. Trong thời gian qua có thể thấy cước vận tải phần lớn là để trả lương cho người lao động. Do vậy, muốn biết cước vận tải giảm 5 – 8% đã hợp lý hay chưa còn phải có các tính toán: bao nhiêu % là lương, bao nhiêu % giá xăng, dầu, bao nhiêu % chi phí khấu hao vận tải và những biến động giá của các thành phần tạo nên chi phí vận tải trong thời gian qua.

- Có nên bổ sung giá cước vận tải vào danh mục bình ổn giá không thưa bà?

Tôi không nghĩ chúng ta nên bổ sung giá cước vận tải vào danh mục bình ổn giá vì ngành vận tải là ngành kinh doanh, tự thu lợi nhuận. Nó không được trợ giá tí nào, sao có thể bắt nó vào danh mục bình ổn giá? Nói cách khác, muốn đưa giá cước vận tải vào danh mục bình ổn giá thì phải có trợ giá.

- Với giá xăng dầu cao hiện nay chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, lỗi ở đây chính là từ cơ quan quản lý. Bà có nghĩ vậy không?

Đúng là cơ quan quản lý phải có trách nhiệm bởi họ nắm vai trò quan trọng trong việc cho tăng, cho giảm giá. 

- Xin cảm ơn bà!

PHONG NGUYÊN