Giá thực phẩm đứng yên trước biến động giá xăng

10/03/2012 14:12
Hương Trà - Ngọc Ninh
(GDVN) - Khác với những lần tăng giá xăng dầu trước, giá các loại thực phẩm vẫn giữ nguyên, thậm chí giá các loại rau còn giảm đôi chút.
Thực phẩm đứng giá, rau củ giảm

Từ 7/3, giá xăng được điều chỉnh tăng 2.100 đồng/lít. Khác với những lầm tăng giá xăng dầu trước, lần này chỉ có các dịch vụ vận chuyển là tăng giá hoặc chuẩn bị tăng giá. Còn giá các loại thực phẩm vẫn giữ nguyên.

Theo tiểu thương ở các khu chợ như Đồng Xa, Cầu Giấy, Dịch Vọng, Mễ Trì..., các chủ xe chở thuê rau củ, thịt cá phân phối từ chợ đầu mối về đã đòi tăng giá lên 10.000 đồng – 30.0000 đồng/chuyến, tùy quãng đường. 
Dù giá vận chuyển tăng nhưng các tiểu thương vẫn chưa chủ trương tăng giá thực phẩm. Qua khảo sát một số mặt hàng thủy hải sản tại chợ Nghĩa Tân, giá vẫn giữ nguyên. Cá chép khoảng 70.000 đồng/kg, cá rô phi 60.000 đồng/kg. Cá trắm to dao động từ 90.000 đồng – 100.000 đồng/kg.

Giá các loại thịt và thủy sản vẫn giữ nguyên
Giá các loại thịt và thủy sản vẫn giữ nguyên

Các mặt hàng khô thường được lấy từ cách đây vài hôm, nên tiểu thương vẫn giữ giá cũ chờ bán hết hàng. Bên cạnh đó, giá cả các loại thịt cũng giữ nguyên. Cụ thể, thịt lợn ở mức 100.000 đồng/kg, gà công nghiệp làm sẵn giá 60.000 đồng – 70.000 đồng/kg. Thịt bò dao động từ 220.000 đồng đến 230.000 đồng/kg.

Đặc biệt, do thời tiết đang ấm dần, lượng hàng dồi dào nên giá rau củ quả lại có xu hướng giảm. Mức giảm từ 1.000 đồng - 3.000 đồng/kg so với thời điểm mấy hôm trước. Tại chợ Mễ Trì, su hào bán lẻ 2.500 đồng – 3.000 đồng/củ, cải thảo 7.000 đồng - 8.000 đồng/kg.  Lý giải về việc giá rau củ giảm, một số tiểu thương cho biết: Tuy phí vận chuyển tăng nhưng sức mua quá chậm nên họ chưa dám cộng chi phí vận chuyển vào giá bán.

Chị Bùi Thị Thu, chủ một sạp rau củ tại chợ Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội cho biết: “Mặc dù giá xăng dầu tăng nhưng lượng hàng rau, củ, quả ở chợ đầu mối quá nhiều, nếu tăng giá thì rất khó bán, chợ lại nhiều hàng sạp. Chỉ có phí vận chuyển là tăng”.

Rau giảm giá vì nguồn cung dồi dào
Rau giảm giá vì nguồn cung dồi dào

Các tiểu thương cho biết, giá cả các mặt hàng rau củ quả hiện giờ phụ thuộc vào thời tiết và nguồn cung. Nếu trời nóng, nguồn cung dồi dào thì dù xăng có tăng thì họ vẫn không dám tăng giá vì sợ mất khách. Tuy vậy, nhiều bà nội trợ tỏ ra bi quan về tình hình giá cả. Cô Hải, Từ Liêm cho biết: “Giá xăng tăng như vậy, kiểu gì giá rau cỏ thực phẩm cũng sẽ tăng, chỉ là tăng sớm hay muộn”.

Dịch vụ vận chuyển "rục rịch" tăng
Giá xăng tăng đậm lần này thì đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất là các dịch vụ vận chuyển. Các dịch vụ taxi, xe khách, xe ôm cũng như hàng loạt các dịch vụ khác đã tăng giá hoặc chuẩn bị tăng giá. 
Sau khi giá xăng tăng thêm 2.100 đồng/lít lên mức 22.900 đồng/lít, dầu diesel tăng 1.000 đồng/lít lên mức 21.400 đồng/lít, ngay lập tức doanh nghiệp vận tải cũng tính toán chuẩn bị tăng giá cước để bù đắp cho chi phí về nhiên liệu. 
Ngay trước khi tăng giá xăng dầu, một số hãng taxi cũng đã kiến nghị điều chỉnh giá cước tăng dưới 2.000 đồng/km với lý do chi phí quản lý, lãi suất ngân hàng quá cao. Chưa được điều chỉnh thì giá xăng lại bất ngờ tăng. Một số hãng Taxi ở Hà Nội đã kiến nghị tăng giá cước, dự báo mức tăng từ 500 đồng - 1.000 đồng/km, đảm bảo bù cho chi phí nhiên liệu.  
Là loại hình hoạt động tự do, không phải đăng ký giá cước nên dịch vụ tăng giá sớm nhất chính là xe ôm. Ngay từ tối 7/3, giá xe ôm đã tăng thêm từ 5.000 đồng – 10.000 đồng/lượt nếu di chuyển trong nội thành. Chắc chắn trong thời gian tới, sẽ có thêm nhiều mặt hàng và dịch vụ khác lợi dụng giá xăng dầu tăng để đẩy giá hàng hóa lên cao, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Có thể bạn quan tâm:

Thú chơi khuyển của các đại gia

Choáng với thú chơi của đại gia Việt

Những dịch vụ "Đệ nhất Hà thành"

Bảo vệ Người tiêu dùng

Clip - Ảnh ấn tượng

Kinh hoàng "công nghệ" thực phẩm bẩn

Lình xình ở nhà N05 Vinaconex

Gía vàng - ngoại tệ theo ngày



Hương Trà - Ngọc Ninh