Dự toán giải phóng mặt bằng làm sân bay Long Thành tăng 11 nghìn tỷ đồng

02/06/2017 06:08
Bạch Đằng
(GDVN) -“Lúc đầu, dự toán đền bù là 12 nghìn tỷ, sau đó ra Quốc hội là 18 ngàn tỷ, bây giờ hết 23 nghìn tỷ, cứ chậm thời gian tiền đền bù mặt băng lại tăng lên”.

Chiều 1/6, Quốc hội tiến hành thảo luận tổ về việc tách nội dung thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thuộc dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành thành dự án thành phần.

Tại buổi thảo luận tổ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải - ông Trương Quang Nghĩa (đoàn Sơn La) cho biết:

“Hiện nay, Tân Sơn Nhất có công suất là 28 triệu hành khách/năm, nhưng 2016 đã lên 32 triệu. Riêng khách nội địa là 20 triệu, tức là vượt 375 công suất thiết kế. Và những bức xúc về giao thông ngoài sân bay hiện nay là rất căng.

Nếu như giai đoạn này phối hợp với Thành phố Hồ Chí Minh đầu tư thêm một cái nhà ga, tương lai tăng lên được 10 đến 15 triệu.

Dự án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay chỉ giải quyết bài toán trước mắt. Khi xây dựng xong với nhu cầu đi lại tăng hiện nay thì cũng chật chội rồi, nên việc đầu sân bay Long Thành là hết sức cần thiết”.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải - ông Trương Quang Nghĩa (ảnh quochoi.vn).
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải - ông Trương Quang Nghĩa (ảnh quochoi.vn).

Lý giải về việc tách dự án đền bù sân bay Long Thành thành thành dự án riêng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải phân tích, Nghị quyết của Quốc hội thì 2025 hoàn thành giai đoạn 1 đưa sân bay Long Thành vào khai thác đó là nhiệm vụ buộc phải thực hiện.

Đây là một tiến độ vô cùng khắt khe trong quá trình thực hiện, chính vì vậy, cần sự ủng hộ của đại biểu và Quốc hội cho tách công tác giải phóng mặt bằng ra thành dự án thành phần thì mới có khả năng thực hiện kịp tiến độ.

“Cá nhân tôi, Bộ Giao thông Vận tải, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai rất là tha thiết thực hiện nhiệm vụ, vừa giảm bớt tính phức tạp trong công tác quản lý đất đai cũng như ổn định xã hội thì Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai, Chính phủ cho phép phương án như vừa rồi.

Rất mong các đồng chí nghiên cứu, đồng thuận thông qua phương án này”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi (ảnh nguồn quochoi.vn).
Đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi (ảnh nguồn quochoi.vn).

Liên quan đến vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi (đoàn Thanh Hóa) cho biết: “Chính phủ đã rất cố gắng để có được dự thảo trình ra Quốc hội, Chính phủ đã lắng nghe ý kiến của các đại biểu Quốc hội và có sự chỉnh sửa tại dự thảo này.

Nghị quyết 94 ghi rõ, Quốc hội yêu cầu lập báo cáo khả thi từng giai đoạn để trình quốc hội, chính vì lý do đó nên việc tách phần này thành một tiểu dự án là hoàn toàn chính xác.

Tách ra là để đẩy nhanh tiến độ sân bay Long Thành bởi hiện nay sân bay Tân Sơn Nhất đang quá tải. Quan trọng nhất là tránh phát sinh kinh phí và kéo dài thời gian cho dự án.

Nếu chúng ta chờ Chính phủ quyết định đầu tư cho dự án chắc chắn sẽ phải kéo dài, rõ ràng nếu chúng ta đi trước đón đầu sẽ giải quyết được tiến độ và tiết kiệm chi phí. Nó còn thể hiện được tâm tư nguyện vọng của người dân, người dân đã chờ dự án này 12 năm qua”.

Phó Chủ tịch Quốc hội - ông Phùng Quốc Hiển (ảnh nguồn quochoi.vn).
Phó Chủ tịch Quốc hội - ông Phùng Quốc Hiển (ảnh nguồn quochoi.vn).

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội - ông Phùng Quốc Hiển (đoàn Lai Châu) cho rằng, nếu như triển khai dự án này theo đúng như quy trình thì có nghĩa đến năm 2019 mới có báo cáo khả thi, sau đó mới tiến hành đền bù giải phóng mặt bằng, tức là đến 2022 mới có đất sạch.

Trong khi đó, Quốc hội yêu cầu đến năm 2025 hoàn thành giai đoạn một; vận chuyển được 25 triệu hành khách và 1,6 triệu tấn hàng hóa.

Như vậy, với tiến độ này thì rất chậm, khả năng phải kéo dài thời gian, chính vì thế Chính phủ đề nghị xin Quốc hội tách ra thành một dự án.

Tách ra làm để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng. Sau khi có ý kiến vào tháng 10, thì tiến hành bồi thường giải phóng mặt bằng và chúng ta đẩy nhanh hơn được 3 năm. Việc tách ra như thế phù hợp với tiến độ.

“Lúc đầu, dự toán tiền đền bù là 12 nghìn tỷ, sau đó ra Quốc hội là 18 nghìn tỷ, còn bây giờ dự toán đền bù hết 23 nghìn tỷ, như vậy tiến độ chậm thì tiền đền bù giải phóng mặt bằng lại tăng lên.

Câu chuyện đền bù này nên làm dứt điểm, nếu chúng ta chia ra nhiều giai đoạn sẽ phức tạp, Quốc hội quyết định phải tiến hành đền bù một lần thôi.

Một lần có đất sạch, các cơ chế đặc thù, như vậy quan điểm chúng ta ủng hộ Chính phủ đẩy nhanh”.

Bạch Đằng