Dự án đội vốn không ai mất chức nên thành “bệnh” trầm kha

23/07/2018 06:25
Đỗ Thơm
(GDVN) - Giáo sư Đặng Đình Đào đã đánh giá như vậy khi bàn về câu chuyện đội vốn ở các dự án đầu tư xây dựng cơ bản.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ về quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật về đầu tư xây dựng tại Thành phố Hải Phòng từ nguồn vốn ngân sách, nguồn vốn vay giai đoạn 2010-2017 đã chỉ ra hàng loạt dự án “đội vốn” đầu tư rất lớn, trong đó có dự án “đội” hàng nghìn tỉ đồng.

Cụ thể, theo Infonet đưa tin, dự án đầu tư xây dựng đường bao phía Đông Nam quận Hải An (Hải Phòng) cũng là một trong những dự án như vậy.

Theo kết luận, vào năm 2009, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hải Phòng có quyết định phê duyệt dự án, đoạn từ khu vực chân cầu Rào đến vị trí giao với đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, có quy mô: tuyến đê dài 7.562,3m.

Tuyến đường dưới chân đê dài 7.161,9m; chủ đầu tư là Ủy ban Nhân dân quận Hải An; loại công trình đê, đường cấp II. Thời gian thực hiện từ 2008 – 2012.

Dự án Sào Khê (Ninh Bình) cùng được Thanh tra Chính phủ kết luận đội vốn tới 36 lần. (Ảnh: VOV)
Dự án Sào Khê (Ninh Bình) cùng được Thanh tra Chính phủ kết luận đội vốn tới 36 lần. (Ảnh: VOV)

Vào thời điểm trên, dự án này có tổng mức đầu tư là 886,496 tỷ đồng (chi phí xây dựng 562,753 tỷ). Trong đó, vốn trung ương hỗ trợ 400 tỷ đồng, ngân sách Thành phố Hải Phòng 200 tỷ đồng và thu đấu giá quyền sử dụng đất quận Hải An là 286,496 tỷ đồng.

Đến năm 2012, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hải Phòng đã có quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án trên. Theo đó, chiều dài tuyến đê còn 6.594,12m; tuyến đường dưới chân đê còn 6.586,68m và điều chỉnh các hạng mục trên tuyến.

Tổng mức đầu tư sau điều chỉnh của dự án này là 2.066,540 tỷ đồng, tăng bổ sung 1.180,044 tỷ đồng, chi phí xây dựng 1.530,840 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ 2008-2015.

Theo lãnh đạo quận, giá vật liệu, giá nhân công tăng cao. Cùng với đó, quá trình thi công, chủ đầu tư đã phải thay đổi một vài giải pháp thi công dẫn đến dự án bị đội vốn.

Dự án đội vốn không chỉ xảy ra ở Hải Phòng. Dự án xây dựng cầu Nhật Tân (Hà Nội) cũng đội vốn hơn 400 tỷ đồng. Lý do chủ yếu khiến dự án này đội vốn được cơ quan chức năng chỉ ra do thời gian xây dựng kéo vì vướng giải phóng mặt bằng.

Trao đổi với Phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Đặng Đình Đào - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển cho biết, năm 2005 đã từng có cuộc hội thảo liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản.

Thời điểm đó, nhiều chuyên gia đã nhận định các dự án đầu tư xây dựng cơ bản thất thoát ở tất cả các khâu. Từ khâu đề xuất, đấu thầu, thẩm định, xây dựng, triển khai, quyết toán dự án. 

“Tôi nhớ một vị có chức trách khi được chất vấn là cùng một công nghệ làm đường, đường ở Việt Nam thì chi phí đắt gấp 3 - 4 lần nước ngoài nhưng 3 năm đã xuống cấp. Vị này đã lấy lý do địa hình, địa chất... làm cho chi phí tăng.

Nhưng đó chỉ là một dự án trong tổng số các dự án chúng ta triển khai.

Lý giải của vị này khiến tôi liên tưởng đến việc trước đây có tỉnh ở miền Trung mà khi nào làm cầu cũng bảo ở dưới có túi nước, có hang. Đổ bao nhiêu xi măng không đủ. Họ lấy đó là lý do để đẩy chi phí lên”, Giáo sư Đào chia sẻ.

Theo ông, đã đến lúc chúng ta phải xem xét vấn đề đội vốn các dự án xây dựng đầu tư cơ bản một cách nghiêm túc để có giải pháp.

Không thể để tình trạng dự án đội vốn cứ diễn ra mãi như vậy.

Dự án đội vốn không ai mất chức nên thành “bệnh” trầm kha ảnh 2Dự án bé như "con chuột" biến thành "voi ma mút" có thể ẩn chứa nhiều gian dối

Ngoài nguyên nhân trên, các dự án thường kéo dài làm đội vốn và được lý giải là do giải phóng mặt bằng.

“Theo tôi, đây không phải là lý do thuyết phục cho việc đội vốn lên nhiều đến vậy ở các dự án.

Phải xét cụ thể trách nhiệm của chính người thi công, thực hiện dự án, vì họ không quyết tâm dồn nguồn lực để thực hiện dứt điểm trong thời hạn cam kết.

Có câu “đầu năm thong thả, cuối năm vội vã” cũng phần nào nói đúng tinh thần này. Rồi lâu đều hòa cả làng”, Giáo sư Đào nói.

Thêm vào đó, việc xử lý trách nhiệm không quyết liệt khiến cho đội vốn ở các công trình đầu tư bằng vốn ngân sách, vốn ODA vẫn tiếp diễn.

“Chưa có vị nào bị mất chức vì công trình đội vốn cả. Kỷ luật, quản lý Nhà nước buông lỏng là ở chỗ đó. Không ai chịu trách nhiệm. Nhiều dự án đội vốn khiến ngân sách khó khăn thêm, nợ lại tăng, thật nguy hiểm vì căn bệnh trầm kha này chưa biết đến lúc nào mới chữa được", Giáo sư Đào nhận xét.

Giáo sư Đặng Đình Đào phân tích, từ trước đến nay, các công trình làm theo kiểu bao nhiêu cũng được. Đến bây giờ, Bộ Xây dựng mới đang hoàn thiện hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật. Định mức kinh tế kỹ thuật mới là căn cứ quản lý, quản trị công trình hiệu quả. 

Theo Giáo sư, tâm lý dùng tiền ngân sách là xài tiền chùa còn ăn sâu chưa thay đổi được. Tư tưởng phi vụ, chộp giật, tranh thủ, lợi ích nhóm còn nặng chính là điều làm đẩy vốn các dự án lên.

“Vấn đề đội vốn các dự án đầu tư xây dựng cơ bản cần có nghiên cứu khách quan tìm hiểu cặn kẽ nguyên nhân.

Nếu khảo sát kỹ các dự án ODA, dự án ngân sách, dự án của tư nhân bỏ tiền túi ra làm, tôi nghĩ chắc sẽ có sự khác nhau lớn”, Giáo sư Đào nhận định.

Đỗ Thơm