Doanh nghiệp vay đến 80% vốn làm BOT, người dân là "con nợ"

08/06/2016 08:58
Mai Anh
(GDVN) - TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định, khoản nợ ngân hàng mà doanh nghiệp vay làm dự án BOT, người dân đi lại trên đường BOT phải gánh chịu...

Người dân là "con nợ"

Thông tin trên Tạp chí Điện tử Diễn đàn đầu tư cho biết, Báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2016 của Công ty cổ phần Tasco (hiện đang là chủ đầu tư nhiều dự án BOT giao thông quan trọng với doanh thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm) cho thấy, tổng tài sản doanh nghiệp đạt 7.480 tỷ đồng. Trong đó, nợ phải trả chiếm 5.653 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu chỉ đạt 1.827 tỷ đồng. Tức là tài sản đi vay đang gấp 3 lần vốn sở hữu.

Trong danh mục các khoản nợ phải trả, ngoài những khoản thông thường như trả người bán và các khoản phải nộp Nhà nước... thì khoản vay tài chính dài hạn của Tasco lên tới 3.989 tỷ đồng và vay ngắn hạn (phải trả trong vòng 1 năm) là 81 tỷ đồng.

Trạm thu phí BOT Tasco trong ngày đưa vào thử nghiệm công nghệ thu phí không dừng. Ảnh: Quang Toàn - TTXVN.
Trạm thu phí BOT Tasco trong ngày đưa vào thử nghiệm công nghệ thu phí không dừng. Ảnh: Quang Toàn - TTXVN.

Với tổng số nợ ngân hàng trêm, tính riêng trong quý I/2016, Tasco phải trả số lãi vay là 39 tỷ đồng. Tức là trung bình mỗi ngày, doanh nghiệp này phải bỏ 430 triệu đồng để trả lãi vay.

Được biết các khoản vay của Tasco do thực hiện các dự án giao thông BOT. Trong đó có những dự án doanh nghiệp phải vay hơn 80% vốn, ví dụ dự án tuyến tránh TP.Nam Định từ Mỹ Lộc đến quốc lộ 10 có tổng mức đầu tư hơn 360 tỷ đồng nhưng Tasco vay tới 291 tỷ đồng.

Phân tích những con số báo cáo tài chính của Tasco, TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết, về lý thuyết doanh nghiệp mà vốn vay gấp 3 lần vốn chủ sở hữu chứng tỏ năng lực tài chính yếu, tổ chức tài chính cho vay có nguy cơ thất thoát vốn.

TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính ngân hàng - ảnh H.Lực.
TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính ngân hàng - ảnh H.Lực.

Tuy nhiên, với thông tin báo chí đăng tải vừa qua tại các dự án giao thông BOT thì các khoản cho vay thực hiện xây dựng BOT giao thông lại không đáng ngại bởi “con nợ” thực sự là người dân chứ không phải doanh nghiệp.

Bởi thông thường khi số vốn vay ở tỉ lệ 3/1 với vốn chủ sở hữu là mức độ xấu, nguy cơ nợ xấu có thể xảy ra với các tổ chức tín dụng cho vay. Tuy nhiên với doanh nghiệp đầu tư BOT giao thông, khoản vay ngân hàng bao gồm cả nợ gốc và lãi suất sẽ được doanh nghiệp lấy từ nguồn thu từ trạm thu phí BOT, nói cách khác là thu của người dân.

Doanh nghiệp vay đến 80% vốn làm BOT, người dân là "con nợ"  ảnh 3

Ông Trần Du Lịch: BOT trên Quốc lộ 1, khi nào mới hết thu phí người dân?

Doanh nghiệp vay đến 80% vốn làm BOT, người dân là "con nợ"  ảnh 4

Điểm danh những dự án BOT bị nghi vấn nhất hiện nay

“Nếu sản xuất kinh doanh thông thường sẽ tùy thuộc vào yếu tố như đầu ra sản phẩm. Nhưng với xây dựng BOT giao thông, BOT ngay cả trên con đường độc đạo người dân buộc phải đi qua, đã đi phải trả phí nên chắc chắn thu lại vốn đầu tư. Mức thu nếu thấp sẽ được kéo dài thời gian thu. Do vậy cho vay BOT an toàn hơn so với sản xuất kinh doanh khác”, TS. Hiếu phân tích.

Do “con nợ” thực sự là người dân nên doanh nghiệp đầu tư BOT không quá lo lắng, vì thế dù vay nhiều nhưng Tasco thực hiện hàng loạt dự án BOT như: Dự án nâng cấp Quốc lộ 10 đoạn qua Thái Bình (409 tỷ đồng); Dự án tuyến tránh TP. Nam Định từ Mỹ Lộc đến quốc lộ 10 (291 tỷ đồng);

Dự án cải tạo quốc lộ 1 tuyến qua Quảng Bình (1531 tỷ đồng); Dự án nâng cấp đường 39B đoạn tuyến tránh thị trấn Thanh Nê, huyện Kiến Xương và đoạn từ trung tâm điện lực Thái Bình đến cầu Diêm Điền, Thái Bình (765 tỷ đồng); Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 10 đoạn từ cầu Quán Toan đến cầu Nghìn, Hải Phòng (2333 tỷ đồng)…

Cần phải xiết quy định đầu tư BOT

Nhận định cách thu xếp vốn thực hiện dự án BOT giao thông hiện nay theo TS. Nguyễn Trí Hiếu phụ thuộc quá nhiều vào vốn vay ngân hàng. Theo đó, ý nghĩa thu hút nguồn vốn xã hội hóa không được nhiều.

Với khoản vay lên đến hơn 80% tổng số vốn đầu tư dự án thì không cần huy động doanh nghiệp tư nhân mà ngay chính nhà nước cũng có thể đứng ra thực hiện.

TS. Hiếu cho biết ở các nước đầu tư dự án BOT, ngân hàng là người thu xếp vốn thực hiện, sau khi dự án hoàn thành, nhà nước sẽ đại diện đứng ra mua lại và khai thác mà không cần phải qua doanh nghiệp nào.

Ngược lại, nếu huy động doanh nghiệp đầu tư yêu cầu doanh nghiệp phải có 2/3 vốn tự có trên tổng số vốn đầu tư còn lại đi vay ngân hàng. 

Yêu cầu doanh nghiệp phải có vốn tự có lớn đảm bảo không phải vay ngân hàng nhiều, có nghĩa số tiền đó ngân hàng sẽ dành để cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh khác được vay. Mặt khác tiền ngân hàng là huy động người dân, nếu tiền đó cho vay làm BOT thì người dân phải mất lãi suất cao trên chính tiền gửi vào ngân hàng.

Do đó, TS. Hiếu cho rằng, ở Việt Nam nếu doanh nghiệp xin đầu tư BOT phải đảm bảo vốn tự có lớn hơn mức hiện nay 10% - 15% để hạn chế vay ngân hàng.

Chính việc phải vay quá nhiều từ ngân hàng và phải vay với lãi suất cao dẫn đến mức phí BOT cao, thời gian thu phí dài. Giải quyết vấn đề này, phải nâng quy định vốn tự có của doanh nghiệp đầu tư BOT lên khoảng 60%. Doanh nghiệp phải có năng lực tài chính mới cho thực hiện dự án.

Còn với thực tế hiện nay, doanh nghiệp chỉ là trung gian vừa hưởng lợi thực hiện dự án có lợi vừa không chịu áp lực trả vốn vay do nguồn thu phí, mức thu phí phương tiện trên đường BOT luôn đảm bảo an toàn nhất cho nhà đầu tư.

Mai Anh