Doanh nghiệp khó tiếp cận vốn, Ngân hàng nhà nước lo "tiền lệ" và "bị kiện"

01/05/2016 08:38
Ngọc Quang
(GDVN) - Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước – ông Nguyễn Đồng Tiến khẳng định như vậy khi gửi văn bản trả lời tới Đại biểu Quốc hội Trần Khắc Tâm (đoàn Sóc Trăng).

Vấn đề được Đại biểu Trần Khắc Tâm đặt ra là: Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách tín dụng đối với người nuôi tôm và cá tra theo Quyết định số 540/QĐ-TTg, đã giúp nhiều hộ dân, chủ trang trại, hợp tác xã nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng từng bước tháo gỡ được khó khăn trong sản xuất và tiếp cận được vốn vay mới từ các tổ chức tín dụng.

Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa (là loại hình doanh nghiệp có kỹ thuật nuôi tôm cơ bản, cung cấp nhiều tôm nguyên liệu cho thị trường xuất khẩu) vẫn tiếp tục gặp khó khăn về vốn do khó tiếp cận vốn vay mới để tái sản xuất.

Đại biểu Tâm nhận định, nếu các sản phẩm tôm được ưu đãi tín dụng mà sau đó được chế biến và xuất khẩu thì Việt Nam vẫn đứng trước nguy cơ bị kiện ở WTO (cáo buộc vi phạm WTO hoặc cáo buộc trợ cấp gây thiệt hại cho nước nhập khẩu). 

Do đó, cần nghiên cứu, xem xét trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung chính sách tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa nuôi tôm và cá tra vào nội dung Quyết định số 540/QĐ-TTg nêu trên.

Đại biểu Trần Khắc Tâm (đoàn Sóc Trăng). ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội.
Đại biểu Trần Khắc Tâm (đoàn Sóc Trăng). ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội.

Tuy nhiên, trong văn bản trả lời gửi tới Đại biểu Trần Khắc Tâm, Ngân hàng nhà nước cho biết, việc bổ sung doanh nghiệp nhỏ và vừa nuôi tôm và cá tra vào đối tượng được hưởng chính sách  tín dụng theo Quyết định số 540/QĐ-TTg một mặt “có thể tạo tiền lệ cho các doanh nghiệp khác cũng yêu cầu bổ sung đối tượng hưởng chính sách, mặt khác cũng có thể tạo cớ cho các nước nhập khẩu sản phẩm thủy sản của Việt Nam khởi kiện và điều tra chống trợ cấp, chống bán phá giá”.

Doanh nghiệp khó tiếp cận vốn, Ngân hàng nhà nước lo "tiền lệ" và "bị kiện" ảnh 2

Bộ Tài chính đề nghị "nghiên cứu kiến nghị giảm phí trên Quốc lộ 5"

Đồng thời, đối với mặt hàng chủ lực này, các nước nhập khẩu đang dựng lên nhiều rào cản kỹ thuật thương mại để hạn chế nhập khẩu sản phẩm thủy sản của Việt Nam.

Từ những lý do trên, sau khi bàn bạc và thống nhất, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Công thương chưa đề xuất Thủ tướng Chính phủ bổ sung doanh nghiệp nhỏ và vừa nuôi tôm và cá tra thuộc đối tượng hưởng chính sách tín dụng.

Theo như giải thích mà Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến đưa ra, các doanh nghiệp nhỏ và vừa nuôi tôm và cá tra đang được hưởng chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư hướng dẫn số 10/2015/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố và các đơn vị liên quan trên địa bàn thực hiện giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN nhỏ và vừa nuôi tôm và cá tra theo quy định của Nghị định và thông tư nêu trên.

Cũng trong văn bản nêu trên, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, theo Nghị định 55, ba ưu đãi đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa nuôi tôm và cá tra hiện đang được áp dụng là:

Được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ; đồng thời được vay mới phục vụ sản xuất kinh doanh.

Được khoanh nợ không tính lãi đối với dư nợ bị thiệt hại trong thời gian tối đa là 2 năm trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh xảy ra trên phạm vi rộng.

Được khoanh nợ không tính lãi tối đa 3 năm đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện vai trò đầu mối sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao, gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan bất khả kháng.

Trong trường hợp sau khi thực hiện các biện pháp khoanh nợ, giãn nợ mà vẫn khó khăn trong trả nợ, doanh nghiệp sẽ được xóa nợ theo mức độ thiệt hại cụ thể.

Ngọc Quang