Doanh nghiệp đang chờ câu trả lời thỏa đáng từ Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan

29/01/2018 06:09
Nguyễn Quang
(GDVN) - Các doanh nghiệp bất ngờ bị truy thu thuế như Vinamilk, Urc, Tân Hiệp Phát, AJE Việt Nam… vẫn chưa nhận được câu trả lời dù đã 2 tháng trôi qua.

Không nên gây khó cho doanh nghiệp vì áp lực thuế 

Như Báo Điện tử Việt Nam đã đưa, vào ngày 1/12/2017, Vinamilk văn bản gửi tới Thủ tướng Chính phủ, Bộ tài chính, Tổng Cục trưởng Tổng Cục hải quan vào ngày 1/12/2017, Vinamilk khiến nghị thu hồi Công văn và đình chỉ việc thực hiện theo nội dung Công văn 2668a/GSQL-GQ4 ngày 30/10/2017 của Cục Giám sát quản lý về Hải quan – Tổng cục Hải quan.

Cần tiếp tục cho doanh nghiệp được hưởng ưu đãi thuế suất đặc biệt 5% đố với mặt hàng đường tinh luyện xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ theo hạn ngạch căn cứ vào C/O mẫu D hợp lệ đã được cơ quan có thẩm quyền cấp. 

Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) cho biết, do Cục Giám sát quản lý về hải quan – Tổng cục Hải quan ban hành công văn hướng dẫn thiếu nhất quán dẫn đến thiệt hại cho doanh nghiệp và làm giảm sút lòng tin của các doanh nghiệp với chính sách điều hành của Chính phủ.

Cơ quan hải quan đã thông báo về các tờ khai nhập khẩu tại chỗ có C/O from D (Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa) của Vinamilk.

Doanh nghiệp đang chờ câu trả lời thỏa đáng từ Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan ảnh 1

Hướng dẫn không thống nhất, hải quan đang gây khó cho doanh nghiệp

Đại diện cơ quan hải quan cho rằng, thực hiện theo công văn số 2668a (ngày 30/10/2017) của lãnh đạo Cục Hải quan tỉnh Bình Dương, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng tổng hợp Bình Dương sẽ ấn định thuế đối với các tờ khai trên của Vinamilk từ 1/9/2016 đến nay.

Phía hải quan đưa ra số tiền thuế dự kiến ấn định thuế với hai tờ khai của Vinamilk là hơn 30,2 tỷ đồng. 

Sau Vinamilk, tới ngày 12/12/2017, có thêm ba doanh nghiệp gồm: Công ty trách nhiệm hữu hạn Putratos Grand Place Việt Nam, Công ty Trách nhiệm hữu hạn AJE Việt Nam, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tân Hiệp Phát đã kiến nghị bằng văn bản lên các cơ quan cao nhất để phản đối việc ấn định truy thu thuế của cơ quan hải quan.

Theo đó, 3 doanh nghiệp trên đã gửi kiến nghị lên Văn phòng Chính phủ, Tổng cục Hải quan, Bộ Tài Chính, Bộ Công Thương về việc bị Cục Giám sát quản lý về hải quan ấn định truy thu thuế số tiền lên đến cả chục tỷ đồng.

Tuy nhiên, tính từ khi Vinamilk có văn bản gửi tới các cơ quan chức năng cho tới nay đã 2 tháng trôi qua, nhưng phía Bộ Tài chính, Tổng Cục Hải quan chưa có câu trả lời chính thức. Cách hành xử như vậy là không đúng với tinh thần kiến tạo, hành động mà Thủ tướng nhiều lần yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng, không nên vì áp lực thuế mà gây khó cho doanh nghiệp. ảnh: NQ
Ông Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng, không nên vì áp lực thuế mà gây khó cho doanh nghiệp. ảnh: NQ

Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Bảo – Đại biểu Quốc hội khóa 13 đưa ra nhận định, trong vấn đề này cơ quan chức năng cần phải nhanh chóng làm rõ và trả lời cho doanh nghiệp chứ không nên để vấn đề kéo dài quá lâu như vậy.

“Nếu doanh nghiệp sai thì họ phải chấp hành theo luật, nhưng nếu doanh nghiệp không sai thì cơ quan chức năng ở đây cụ thể là Tổng Cục hải quan nên thẳng thắn nhìn nhận lại vấn đề và có những hướng dẫn chuẩn xác cho doanh nghiệp. Đừng vì áp lực thuế mà gây khó khăn cho doanh nghiệp”, ông Bảo chia sẻ. 

Cần hành xử đúng với tinh thần kiến tạo, phục vụ

Theo như phản ánh từ 4 doanh nghiệp là Vinamilk, Putratos Grand Place Việt Nam, AJE Việt Nam và Tân Hiệp Phát thì tổng số tiền họ bị hải quan áp truy thu thuế lên tới hơn 52 tỷ đồng (chưa tính tiền chậm nộp).

Cũng như Vinamilk, trong văn bản gửi tới Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính… 3 doanh nghiệp kể trên cho rằng cuối năm 2016 có nhập khẩu mặt hàng đường tinh luyện theo hạn ngạch thuế quan do Bộ Công Thương cấp và đã nhập khẩu đường từ Công ty Global Mind có trụ sở tại Singapore.

Bên giao hàng được nhà cung cấp chỉ định là Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa, Công ty Thành Thành Công Tây Ninh, có trụ sở tại Việt Nam.

Doanh nghiệp đang chờ câu trả lời thỏa đáng từ Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan ảnh 3

Vinamilk đề nghị Thủ tướng xem xét việc bị hải quan truy thu thuế

Phía doanh nghiệp đã thực hiện đầy đủ thục tục Hải quan theo đúng quy định của pháp luật tại Chi cục Hải quan Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore và Chi cục Hải quan quản lý hàng Xuất nhập khẩu ngoài khu công nghiệp.

Hồ sơ nhập khẩu có đẩy đủ chứng nhận xuất xứ C/O mẫu D được phát hành bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Bộ Công Thương.

Các tờ khai đã được Chi Cục Hải quan khu công nghiệp Việt Nam – Singapore và Chi cục Hải quan quản lý hàng Xuất nhập khẩu ngoài khu công nhiệp chấp thuận thông quan đẩy đủ và áp dụng thuế suất nhập khẩu ưu đãi đặc biệt (5%) theo biểu thuế suất áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu trong khối ASEAN.

Tuy nhiên, đến ngày 29/11/2017, các doanh nghiệp trên nhận được thư mời từ Chi Cục Hải quan khu công nghiệp Việt Nam – Singapore và Chi cục Hải quan quản lý hàng Xuất nhập khẩu ngoài khu công nghiệp đến làm việc về nội dung truy thuế xuất nhập khẩu tại chỗ với số tiền ấn định.

Các doanh nghiệp không đồng ý với việc ấn định truy thu thuế theo công văn số 2668a/GSQL-GQ4 ngày 30/10/2017 của  Cục Giám sát quản lý về hải quan – Tổng cục Hải quan.

Phía doanh nghiệp cho rằng, họ có hạn ngạch thuế quan được cấp bởi Bộ Công Thương thông qua đấu thầu công khai và đã phải trả tiền sử dụng hạn ngạch với số tiền không nhỏ.
Các lô hàng nhập khẩu tại chỗ đều có C/O mẫu D hợp lệ được cấp bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền là Bộ Công Thương và đáp ứng đầy đủ yêu cầu theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA).

Việc doanh nghiệp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Bộ Công Thương cấp C/O mẫu D đồng nghĩa với việc Chính phủ đã chấp thuận cho doanh nghiệp được hưởng thuế ưu đãi đặc biệt như được hướng dẫn tại Công văn số 1744/TCHQ-GSQL.

Như vậy, các doanh nghiệp tiến hành nhập khẩu đã thực hiện đúng theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 129/2016/NĐ có hiệu lực từ 1/9/2016.

Hơn nữa, các tờ khai đã được Chi cục Hải quan khu công nghiệp Việt Nam – Singapore và Chi cục Hải quan quản lý hàng xuất nhập khẩu ngoài khu công nhiệp chấp thuận thông quan đầy đủ và áp dụng thuế suất nhập khẩu ưu đãi đặc biệt (5%) theo biểu thuế suất áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu trong khối ASEAN.

Doanh nghiệp đã hoàn tất hạch toán chi phí, doanh thu và phân phối lợi nhuận cho các năm vừa qua nên việc thu thuế sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Trước thực trạng này, ông Nguyễn Ngọc Bảo cho biết, doanh nghiệp có lý khi nêu ra những kiến nghị trên, đặc biệt là đã chỉ rõ việc cơ quan hải quan ra công văn số 2668a ngày 30/10/2017 yêu cầu hải quan các tỉnh, thành phố ấn định truy thu thuế nhập khẩu theo thuế suất nhập khẩu 40% là thiếu nhất quán, gây thiệt hại cho doanh nghiệp và làm giảm sút lòng tin của doanh nghiệp đố với chính sách điều hành của Chính phủ.

Doanh nghiệp lựa chọn mua bán hàng hóa theo hình thức xuất, khẩu tại chỗ vì hình thức này giúp doanh nghiệp tiết giảm được nhiều chi phí (đặc biệt là chi phí logistic). Theo đó, giúp các doanh nghiệp gia tăng đáng kể lợi thế và năng lực cạnh tranh.

Đại diện các doanh nghiệp phân tích, nếu thực hiện theo quy định nêu trên, để được hưởng ưu đãi đặc biệt đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại chỗ, doanh nghiệp buộc phải làm thủ tục xuất hàng vào kho ngoại quan rồi lại làm thủ tục nhập khẩu trở lại.

Trong khi đó, trên thực tế kho ngoại quan cũng không đủ sức chứa một lượng lớn hàng hóa rất lớn trong khi bản chất của hàng hóa vẫn không thay đổi lại phải lòng vòng.

Theo ông Bảo: “Muốn có nguồn thu tốt thì phải nuôi dưỡng nguồn thu, phải tạo những điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, ngay cả khi quy định hiện thời đang áp dụng mà thấy có điểm bất hợp lý thì cần chủ động tháo gỡ cho doanh nghiệp, chứ đừng vì quy định như vậy rồi cứ đổ loanh quanh cho nhau là cứng nhắc và không đúng tinh thần kiến tạo mà Thủ tướng đã nhiều lần yêu cầu”.

Vinamilk và nhiều doanh nghiệp đề nghị xem xét việc cơ quan hải quan ấn định truy thu thuế vô lý. Ảnh: Vinamilk.
Vinamilk và nhiều doanh nghiệp đề nghị xem xét việc cơ quan hải quan ấn định truy thu thuế vô lý. Ảnh: Vinamilk.

Thông tin ban đầu thì phía hải quan viện dẫn Nghị định số 129/2016/NĐ có hiệu lực từ 1/9/2016, nhưng đến ngày 30/10/2017 mới ban hành công văn số 2668a khác nào đánh đố doanh nghiệp và đẩy doanh nghiệp vào thế đã rồi.

Nếu như cơ quan hải quan hướng dẫn chính xác ngay từ đầu khi Nghị định có hiệu lực các doanh nghiệp sẽ chủ động và có phương án nhập nguyên liệu khác, và sẽ không bị rơi vào cảnh bị truy thu thuế (hồi tố) như hiện nay.

Ông Bảo cho rằng: “Ở bất kỳ môi trường kinh doanh nào thì doanh nghiệp cũng cần có hành lang pháp lý rõ ràng, nhất quán, cho nên việc hải quan bất ngờ thông báo truy thu số tiền rất lớn cho hàng hóa đã nhập khẩu hơn một năm về trước trong khi doanh nghiệp chắc chắn sẽ gây hoang mang cho các doanh nghiệp và rất có thể sẽ gây ra những hệ lụy khác.

Như tôi đã nói ở trên, đừng vì áp lực thuế mà gây khó cho doanh nghiệp, vì điều đó là không đúng với tinh thần làm việc của Thủ tướng và Chính phủ.

Cơ quan quản lý nhà nước cần phải thay đổi triệt để tư duy áp đặt cũ kỹ sang kiến tạo, phục vụ, cần phải đặt mình vào vị trí của doanh nghiệp thì mới thấy được những khó khăn mà họ đang phải đối diện hàng ngày, thấy được những nỗ lực của họ để tạo ra hàng việc làm cho hàng vạn lao động và có đóng góp không nhỏ cho ngân sách nhà nước”.

Nguyễn Quang