Định kiến và nhiều thủ tục gây khó khăn cho doanh nghiệp

01/07/2019 06:09
Kiến Văn
(GDVN) - Theo Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, một bộ phận doanh nghiệp tư nhân đầu tư trong tâm trạng vừa làm vừa lo, chưa thực sự yên tâm phát triển lâu dài.

Nghị quyết số 10-NQ/TW chỉ rõ, phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh theo cơ chế thị trường là một yêu cầu khách quan, vừa cấp thiết, vừa lâu dài, là một phương sách quan trọng để giải phóng sức sản xuất, huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển. Kinh tế tư nhân ngày càng trở thành động lực quan trọng, là “đầu kéo chính” cho quá trình tăng tốc và tái cơ cấu kinh tế.

Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục tạo mọi điều kiện, bảo đảm thực hiện nghiêm minh quyền tự do kinh doanh, quyền sở hữu tài sản, các quyền, nghĩa vụ dân sự của các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật để kinh tế tư nhân phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm.... phấn đấu cộng đồng kinh tế tư nhân có trên 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, đạt 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025 và 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030, đồng thời nâng tỷ trong đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân lên tới 60-65% GDP.

Trong một phát biểu chỉ đạo vào ngày 15/5/2019, Tổng Bí thư Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: Đừng có kỳ thị với kinh tế tư nhân, phải công bằng, đề nghị sắp tới nơi nào làm tốt phải biểu dương, khen thưởng, thậm chí phong danh hiệu anh hùng cho doanh nghiệp tư nhân.

Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế tư nhân vào ngày 2/5/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định, chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Nhà nước là xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần, mà trong đó nòng cốt là khối kinh tế tư nhân.

Thủ tướng khẳng định, cần tạo điều kiện không gian, nguồn lực, cơ hội cho khu vực tư nhân phát triển thuận lợi hơn và dành 10 từ cho khu vực kinh tế tư nhân đó là "tạo bình đẳng", "được bảo vệ", "khích lệ" và "trao cơ hội".

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong đánh giá, tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Bình quân giai đoạn 2016 - 2025, năng suất lao động tăng khoảng 4 - 5%/năm; thu hẹp khoảng cách về trình độ công nghệ, chất lượng nhân lực và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tư nhân so với nhóm dẫn đầu ASEAN-4.

Giai đoạn này cũng đã hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước, có đủ khả năng tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu. Nhiều doanh nghiệp lớn trở thành niềm tự hào của đất nước như Vingroup, Vietjet, Sungroup

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong đánh giá, định kiến và nhiều thủ tục chưa hợp lý đã gây khó khăn cho các doanh nghiệp tư nhân. ảnh: MP.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong đánh giá, định kiến và nhiều thủ tục chưa hợp lý đã gây khó khăn cho các doanh nghiệp tư nhân. ảnh: MP.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, những ghi nhận của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ là tiền đề hết sức quan trọng thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ, đây là khu vực quan trọng số một đối với kinh tế đất nước trong thời gian tới.

“Trên thực tế, sự phân định thành phần kinh tế trong nhiều năm trước đây đã gây ra định kiến xã hội nặng nề và dai dẳng, dẫn đến phân biệt đối xử đối với các  trong cả trong nhận thức, chính sách, tâm lí và hành động thực tế, bất lợi cho sự đồng thuận xã hội và phát huy hiệu quả nội lực đất nước.

Định kiến về khu vực kinh tế tư nhân còn nặng nề, làm cho doanh nghiệp và cả những người thực thi  công vụ cũng e dè, ngần ngại mỗi khi phải giải quyết những vấn đề liên quan đến lợi ích của khu vực kinh tế tư nhân (tất nhiên, không loại trừ những trường hợp công chức thiếu năng lực, tắc trách hoặc lợi dụng vì mục đích riêng tư).

Một bộ phận doanh nhân tư nhân kinh doanh trong tâm trạng vừa làm vừa lo, chưa thực sự yên tâm đầu tư phát triển lâu dài, làm giảm lợi thế kinh doanh, gây thiệt hại cho cả bản thân doanh nghiệp và nhà nước. Tình trạng đó là nguyên nhân khiến nền kinh tế phát triển dưới mức tiềm năng”, ông Phong phân tích.

Nhiều doanh nghiệp tư nhân đã trở thành niềm tự hào của Việt Nam với thế giới
Nhiều doanh nghiệp tư nhân đã trở thành niềm tự hào của Việt Nam với thế giới

Một số doanh nghiệp tư nhân tuy đã có sản phẩm và thương hiệu nổi tiếng, có sức cạnh tranh và uy tín trên thị trường trong và ngoài nước, song đa số doanh nghiệp chưa tạo ra được uy tín và thương hiệu sản phẩm riêng, kinh doanh không ổn định.

Đa phần doanh nghiệp tư nhân tập trung nhiều vào những ngành nghề đòi hỏi vốn ít, thời gian thu hồi vốn nhanh; tính liên kết, hợp tác thành cộng đồng thấp, còn cạnh tranh không lành mạnh, chèn ép nhau, hiệu quả kinh doanh còn thấp, kém bền vững.

Còn nhiều rào cản các doanh nghiệp tư nhân tham gia và rút khỏi thị trường, liên quan đến những điều kiện kinh doanh cụ thể; đăng ký mã số ngành nghề kinh doanh; thẩm quyền của cơ quan đăng ký kinh doanh; rút giấy đăng ký kinh doanh và việc phá sản của doanh nghiệp.

Công tác quản lý nhà nước và trợ giúp các thể chế thị trường còn lúng túng, hạn chế, đặc biệt về cung cấp thông tin, tư vấn, đào tạo nguồn nhân lực, lập quỹ bảo lãnh tín dụng và lập trung tâm hỗ trợ kỹ thuật cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Định kiến và nhiều thủ tục chưa hợp lý đã gây khó khăn cho các doanh nghiệp tư nhân trong việc tiếp cận nguồn tín dụng chính thức.

Khung pháp lý cho việc hình thành thị trường lao động vẫn chưa hoàn chỉnh, chưa tạo được cân bằng quyền lợi giữa người lao động và người sử dụng lao động. Nhiều quy định pháp lý về bản quyền, về phát minh và chuyển giao công nghệ vẫn chưa đi vào cuộc sống, việc xử lý vi phạm chưa nghiêm minh.

Chưa có những quy định pháp lý tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân tiếp cận với nguồn ngân sách nhà nước cấp cho nghiên cứu và triển khai, thiếu những quy định và chính sách cần thiết tạo điều kiện xâm nhập và mở rộng thị trường quốc tế.

Hoạt động của các hiệp hội doanh nghiệp còn yếu, chưa thu hút được nhiều hội viên, do thiếu kinh nghiệm, điều kiện hoạt động còn hạn chế, và thiếu sự quan tâm đồng bộ của các cấp ngành liên quan.

Ngoài ra, các doanh nghiệp tư nhân còn gặp những khó khăn hơn so với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác về diện tích mặt bằng và tiếp cận những điều kiện về đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh, kể cả mua hóa đơn đỏ…

Những vấn đề tồn tại nêu trên có nhiều nguyên nhân, song chủ yếu do tư tưởng, quan điểm về sự phân biệt giữa các thành phần và định kiến với khu vực kinh tế tư nhân vẫn chưa được đổi mới một cách cơ bản; chức năng và tổ chức của bộ máy Nhà nước, nhất là trình độ và trách nhiệm của đội ngũ công chức chưa đáp ứng được yêu cầu mới, cũng như những đòi hỏi chính đáng của doanh nghiệp.

Tâm lý, sức ép nhiều chiều của xã hội đối với thành phần kinh tế tư nhân và cả tập thể còn nặng nề, chưa được giải toả nhiều, nhất là trong lĩnh vực tín dụng, đất đai mặt bằng sản xuất - kinh doanh.

Trên thực tế, cả về nhận thức, chính sách, thể chế và phương thức tổ chức hoạt động đang còn phức tạp, bất cập do sự đan xen giữa cái mới chưa được luận giải, khẳng định và hình thành đầy đủ, đồng bộ, nhất quán, với cái cái cũ vẫn đang tồn tại hoặc chưa được đổi mới kịp thời, thích hợp.

Dù vậy, những diễn biến thời gian qua khẳng định rằng khu vực kinh tế tư nhân đang và sẽ tạo động lực phát triển quan trọng của nền kinh tế. Tính chất và cơ chế hoạt động giữa các doanh nghiệp nhà nước với các doanh nghiệp tư nhân, giữa doanh nghiệp đầu tư trong nước và doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài hay doanh nghiệp có vốn FDI sẽ gần nhau hơn.

Các doanh nghiệp sẽ ngày càng chuyển mạnh sang kinh doanh dịch vụ và  sản xuất máy móc và hàng tiêu dùng  chất lượng cao. Một số doanh nghiệp tư nhân đầu đàn sẽ tăng cường liên kết và mở rộng sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, đặc biệt là công nghệ.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong: “Để tạo đột phá trong phát triển kinh tế tư nhân cần có  những đột  phá  mới  trong nhận thức  và  cơ  chế, chính  sách, đặc biệt là giảm sự phân loại từ 6 thành phần (khu vực) xuống còn hai khu vực là kinh tế nhà nước và kinh tế ngoài nhà nước.

Đây là phương án đang phổ biến ở hầu hết các nước trên thế giới, kể cả ở các nền kinh tế chuyển đổi từ cơ chế kế hoạch hoá tập trung sang cơ chế kinh tế thị trường, như Trung Quốc và các nước Xã hội chủ nghĩa Đông và Trung Âu cũ”.

Kiến Văn