Dịch vụ giá trị gia tăng của các nhà mạng đang bị gắn với hai từ "móc túi"

30/09/2016 09:50
Chuyên gia thương hiệu Hoàng Tùng
(GDVN) - Đó là nhận định của chuyên gia thương hiệu Hoàng Tùng trong bài viết gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.

Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hà Nội vừa công bố kết quả thanh tra hoạt động kinh doanh dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động tại Văn phòng đại diện SAM MEDIA LIMITED tại Hà Nội.

Trong đó, Thanh tra Sở đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính Công ty SAM MEDIA 55 triệu đồng về 2 hành vi: Thiết lập website thương mại điện tử bán hàng (vn-mozzi.biz/vn) mà không thông báo với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định" và "Cung cấp thông tin về dịch vụ nội dung qua tin nhắn trên trang vn-mozzi.biz/vn, nhưng thông tin giá, giá cước hiển thị không cùng kiểu mã lệnh và có kích thước nhỏ hơn 2/3 kích thước của mã lệnh".

Nhà mạng đang làm xấu hình ảnh thương hiệu sau vụ SAM MEDIA
Nhà mạng đang làm xấu hình ảnh thương hiệu sau vụ SAM MEDIA 

Theo cơ quan chức năng, SAM MEDIA đã lợi dụng khe hở trong việc cung cấp thông tin dịch vụ nội dung quảng cáo qua tin nhắn, công ty này sẽ gửi một tin nhắn đầu tiên có nội dung quảng cáo về các dịch vụ, trò chơi trúng thưởng đến các thuê bao di động.

Phần chữ giới thiệu về tin nhắn quảng cáo, các chương trình sẽ để cỡ chữ lớn cùng các biểu tượng thu hút chú ý của người dùng.

Khi người dùng xác nhận tham gia, tài khoản khách hàng bắt đầu bị trừ tiền. Tuy nhiên, nội dung hủy dịch vụ có cỡ chữ rất nhỏ so với nội dung quảng cáo, khiến người dùng khó quan sát.

Bằng cách làm này trong 3 năm (từ tháng 1/2013 đến 3/2016), SAM MEDIA đã thu về từ thuê bao di động của 4 nhà mạng Viettel, MobiFone, VinaPhone và Vietnamobile số tiền khổng lồ lên đến hơn 230,4 tỷ đồng.

Đáng nói hơn, theo Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, trong tổng số hơn 230 tỷ đồng này, SAM MEDIA và các công ty đầu số được hưởng khoảng 70 tỷ đồng, còn lại nhà mạng VinaPhone được hưởng hơn 53 tỷ đồng, MobiFone hơn 76 tỷ đồng, Viettel 11 tỷ đồng và Vietnammobile là 600 triệu đồng.

Dịch vụ giá trị gia tăng của các nhà mạng đang bị gắn với hai từ "móc túi"  ảnh 2

Được chia 2/3 lợi nhuận, 4 nhà mạng tiếp tay "móc túi" gần 94.000 khách hàng?

Dịch vụ giá trị gia tăng của các nhà mạng đang bị gắn với hai từ "móc túi"  ảnh 3

Lo sợ bị trừ tiền, khách hàng 3 nhà mạng lớn vội nhắn tin hủy dịch vụ gia tăng

Như vậy có thể thấy bản thân nhà mạng đã được ăn chia trong số tiền kiếm được từ dịch vụ giá trị gia tăng.

Từ đây dư luận, cộng đồng mạng lên tiếng chỉ trích cho rằng nhà mạng tiếp tay với SAM MEDIA "móc túi" khách hàng.

Ngay sau đó các nhà mạng lớn như MobiFone, VinaPhone, Viettel công bố thông tin chấm dứt liên kết với SAM MEDIA. 

Tuy nhiên, câu chuyện không dừng lại ở đó bởi niềm tin của khách hàng về dịch vụ giá trị gia tăng của các nhà mạng đang sụt giảm nghiêm trọng.

Bằng chứng là trên mạng xã hội, khách hàng của MobiFone, Vinaphone, Viettel liên tục chia sẻ cách kiểm tra và xóa bỏ các dịch vụ giá trị gia tăng có trên thuê bao. 

Không những thế, qua thao tác kiểm tra, nhiều chủ thuê bao phát hiện nhiều dịch vụ gia tăng được cài đặt trên điện thoại từ lúc nào mà họ không biết.

Dù lúc này MobiFone, VinaPhone hay Viettel đã tuyên bố chấm dứt hợp tác với SAM MEDIA nhưng rõ ràng thương hiệu của những nhà mạng này sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực.

Mặc dù không đánh đồng thương hiệu của nhà mạng với SAM MEDIA nhưng trong trường hợp này, người tiêu dùng sẽ coi những nhà mạng là đồng lõa. Bởi nhà mạng đã hợp tác với SAM MEDIA, "móc túi" người tiêu dùng trong suốt thời gian dài mà không hề có bất cứ khuyến cáo nào. 

Việc người tiêu dùng luôn dùng cụm từ như “ăn chia”, “móc ngoặc”, “móc túi” để nói về mối quan hệ nhà mạng và doanh nghiệp thực hiện dịch vụ giá trị gia tăng phần nào cho thấy bức xúc đó.

Chuyên gia thương hiệu và Marketing Hoàng Tùng.
Chuyên gia thương hiệu và Marketing Hoàng Tùng.

Người tiêu dùng có quyền được biết đầy đủ thông tin và tự quyết định nếu muốn sử dụng thêm các dịch vụ giá trị gia tăng. Tuy nhiên, rất nhiều dịch vụ gia tăng hiện nay được thực hiện một cách mơ hồ, thiếu sự thông báo thông tin đến người tiêu dùng. 

Trong trường hợp này, khách hàng là người thiệt thòi khi vô tình hay cố ý bị đăng ký những dịch vụ mà họ chẳng bao giờ dùng hoặc không hề biết là mình đang sử dụng.  

Nếu như nhà mạng minh bạch các gói giá trị gia tăng mà khách hàng đang sử dụng, mặc dù doanh thu nhà mạng có thể sẽ giảm do không còn phần lợi nhuận từ dịch vụ giá trị gia tăng nhưng họ sẽ có được sự tôn trọng, sự hài lòng và sự trung thành của khách hàng. 

Đất nước đang mở cửa hội nhập, khu vực ASEAN sắp trở thành thị trường chung, nhà mạng viễn thông các nước hoàn toàn có thể đầu tư lấn thị trường Việt Nam.

Lúc đó nếu doanh nghiệp viễn thông trong nước không thay đổi tư duy và cách làm việc, người tiêu dùng hoàn toàn có thể tìm đến các nhà mạng nước ngoài. Khi đó, viễn thông trong nước sẽ thua ngay trên sân nhà.

Chuyên gia thương hiệu Hoàng Tùng