"Đề xuất tăng phí trên cao tốc giờ cao điểm chỉ có lợi cho chủ đầu tư"

18/02/2017 08:00
Mai Anh
(GDVN) - TS.Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, đề xuất tăng phí trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây vào giờ cao điểm chỉ có lợi cho chủ đầu tư, người dân chịu thiệt.

Đề xuất có lợi cho nhà đầu tư

Thông tin Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã gửi đến Bộ Giao thông vận tải đề xuất tăng mức cước phí cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây gấp 2 lần vào các dịp lễ, Tết với cái cớ "chống ùn tắc" đang khiến cho nhiều doanh nghiệp lo lắng.

Theo đề xuất của VEC, mức tăng trung bình vào ngày cuối tuần khoảng 20% - 30%, đặc biệt là lưu lượng các khung giờ cao điểm, khoảng từ 7h sáng đến 19h tối tăng gấp 2 đến 2,5 lần so với các khung giờ thấp điểm từ 19h tối đến 7h sáng hôm sau.

Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đề xuất tăng mức cước phí cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây gấp 2 lần vào giờ cao điểm - ảnh nguồn HTV.
Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đề xuất tăng mức cước phí cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây gấp 2 lần vào giờ cao điểm  - ảnh nguồn HTV.

Trước đề xuất bất ngờ của VEC, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, TS. Nguyễn Xuân Thủy - nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông Vận tải cho rằng, đề xuất tăng mức phí trên cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây không thể giảm ùn tắc giao thông, trái lại khi tăng mức phí thì chính VEC – chủ đầu tư xây dựng đường cao tốc này có lợi nhiều nhất.

TS.Thủy phân tích, trên tuyến cao tốc thông thường tình trạng ùn tắc rất ít xảy ra chỉ trừ trường hợp đặc biệt như tai nạn hoặc sự cố bất ngờ. Với cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây thì ùn tắc có thể do nhiều nguyên nhân.

“Trong đó, nguyên nhân dẫn đến ùn tắc là do xây đường độc đạo. Ở nhiều quốc gia, họ chỉ làm đường cao tốc khi có có ít nhất một tuyến đường khác chạy song song có cùng điểm đến và đi.

Tuy nhiên ở nước ta một số tuyến đường lại cao tốc hóa hoặc biến thành đường BOT. Do đường độc đạo di chuyển nhanh nhất nên lưu lượng giao thông lớn dẫn đến ùn tắc”, TS.Thủy nhận định.

TS.Nguyễn Xuân Thủy - nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông Vận tải (chuyên gia đã có hơn 30 năm kinh nghiệm nghiên cứu về giao thông đô thị) - ảnh H.Lực.
TS.Nguyễn Xuân Thủy - nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông Vận tải (chuyên gia đã có hơn 30 năm kinh nghiệm nghiên cứu về giao thông đô thị) - ảnh H.Lực.

Với thực tế đó, theo TS.Thủy, dù muốn hay không người dân cũng không có nhiều sự lựa chọn nên dùng biện pháp tăng tiền phí sẽ không thể giảm lượng xe di chuyển hoặc có giảm chỉ giảm số lượng nhỏ ô tô chở hàng hóa.

Thay vì chạy ban ngày ô tô chở hàng có thể chuyển sang chạy ban đêm. Còn nhu cầu đi lại người dân ngày thường, phương tiện vận tải hành khách, vận tải du lịch sẽ không thể giảm được, dù phí tăng cao.

“Nếu không giảm được lượng xe lưu thông trên tuyến thì mục đích giảm ùn tắc coi như “phá sản”, chỉ có chủ đầu tư hưởng lợi vì thu được thêm một khoản lớn khi tăng phí”, TS.Thủy cho biết.

Mặt khác, TS. Nguyễn Xuân Thủy đặt câu hỏi: VEC đề xuất tăng phí gấp đôi giờ cao điểm, dịp lễ, Tết nhưng giảm giờ thấp điểm thì giảm bao nhiêu?.

Vị chuyên gia này phân tích, việc tăng thu phí vào giờ cao điểm chỉ có thể áp dụng trong những trừ trường hợp đặc biệt.

Cụ thể, ở một thành phố như Pari (Pháp), Matxcơva (Nga), vào giờ cao điểm đô thị trở nên quá chật hẹp người ta mới dùng biện pháp thu phí để điều chỉnh số người đi chơi, đi du lịch chuyển vào giờ thấp điểm. 

Dự án đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây được khởi công xây dựng vào ngày 3/10/2009 với quy mô 4 làn xe trên tổng chiều dài 55,7 km. Chủ đầu tư dự án này là Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC.

Dự án với tổng số vốn đầu tư giai đoạn I là 20.630 tỉ đồng từ vốn vay thương mại (OCR) của ADB, ODA và vốn đối ứng của Chính phủ.

Trong đó, dự án thành phần I (đoạn An Phú-Vành đai II) được thiết kế theo tiêu chuẩn đường đô thị, tốc độ thiết kế 80 km/giờ với 4 làn xe, rộng 26,5 m.

Dự án thành phần II (đoạn vành đai II-Long Thành-Dầu Giây) được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 120 km/giờ gồm 4 làn xe, chiều rộng mặt đường 27,5 m.

“Tuy nhiên đường cao tốc là cầu nối các trung tâm kinh tế với nhau không thể áp dụng biện pháp tăng phí, vì rất dễ xảy ra các hiệu ứng tiêu cực”, TS. Thủy nhấn mạnh.

Với hiện trạng ùn tắc giao thông như hiện nay, theo TS.Nguyễn Xuân Thủy có nhiều cách giải quyết như mở thêm tuyến đường mới để người dân có thêm sự lựa chọn.

“Với tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, thay vì đưa ra phương án tăng phí, VEC nên cải tiến giải pháp thu phí trên đường với công nghệ tiên tiến không dừng”, ông Thủy nêu giải pháp và khẳng định: “Trong khi việc mở tuyến đường mới phải chờ thời gian thì giải pháp nâng cao công nghệ trong thu phí để giảm ùn tắc là phù hợp nhất”.

Gây ảnh hưởng đến niềm tin người dân

Theo TS.Nguyễn Xuân Thủy, đề xuất tăng thu phí trên cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây không những không thể giúp giảm ùn tắc mà còn tăng gánh nặng lên vai người dân, doanh nghiệp.

“Nếu tăng phí vào giờ cao điểm đồng nghĩa với việc tăng thêm gánh nặng cho người dân. Người dân hiện nay có thể nói đang chịu cảnh “phí chồng phí”, một ô tô phải chịu cả phí đường bộ, đi đường lại phải nộp phí BOT.

Mọi điều chỉnh tăng phí đều  ảnh hưởng đến cuộc sống và ảnh hưởng đi lại của người dân”, ông Nguyễn Xuân Thủy nói.

"Đề xuất tăng phí trên cao tốc giờ cao điểm chỉ có lợi cho chủ đầu tư" ảnh 3

Đề xuất "lạ" của VEC có chống được ùn tắc hay nhằm tận thu?

Ông Thủy cũng lo ngại khi tăng phí sẽ đội giá thành sản phẩm xã hội lên, làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân, ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế - xã hội.

Lo ngại hơn theo ông Thủy khi tăng phí trên cao tốc sẽ ảnh hưởng đến tâm lý, lòng tin của người dân.

BOT bây giờ là máy thu tiền, đâu đâu cũng là đường BOT, mà BOT là phải trả tiền, phê duyệt BOT quá dễ dàng – người dân cứ đi đường BOT là mất tiền.

Trước hàng loạt vấn đề bất cập tại các dự án BOT giao thông được nói đến thời gian qua đã khiến người dân nghi ngại vì thế tăng phí sẽ ảnh hưởng lòng tin của người dân”, ông Thủy nói.

Dẫn chứng cụ thể, theo ông Thủy nguyên tắc thu phí BOT giao thông để hoàn vốn. Trong hợp đồng BOT nêu rõ cả thời gian thu phí, mức thu phí, vậy nếu tăng phí thì dựa vào đâu? Giải thích thế nào với người dân.

Nói đến các dự án BOT giao thông thời gian qua theo TS.Nguyễn Xuân Thủy chưa giám sát trong vấn đề phê duyệt, thu phí.

Đặc biệt là việc BOT các tuyến giao thông trên đường độc đạo như việc nâng cấp, sửa chữa các tuyến Quốc lộ 6 đoạn Hà Nội – Hòa Bình, nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang, làm BOT cả 2 tuyến đường đi Hà Nội – Hải Phòng.

“Theo tôi, thay vì sử dụng giải pháp tăng phí BOT thì cần giảm bớt trạm thu phí như trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, áp dụng công nghệ thu phí không dừng; đồng thời mở thêm đường dân sinh, mở đường nối các trung tâm kinh tế, chính trị để người dân có thêm sự lựa chọn khác.

Đó là những biện pháp căn cơ lâu dài, vừa giúp phát triển kết nối kinh tế giữa các địa phương lại không gây khó khăn cho nhu cầu đi lại của người dân”, TS. Thủy kết luận.

Mai Anh