Đại biểu Quốc hội chỉ rõ thất thoát lớn từ đất đai nông lâm trường

28/10/2018 07:44
Diệu Linh
(GDVN) - Đại biểu Nguyễn Lâm Thành chỉ rõ, có đơn vị sử dụng gần 40.000 héc-ta đất rất tốt nhưng mỗi năm chỉ nộp 900 triệu tiền thuê đất.

Trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội ngày 27/10, Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn Lạng Sơn) đề cập tới vấn đề quản lý đất đai ở các công ty nông, lâm nghiệp hiện nay, trong báo cáo của Chính phủ năm 2018 sẽ cơ bản hoàn thành việc sắp xếp đất đai của các công ty nông lâm nghiệp thuộc diện sắp xếp theo Nghị định 118.

Đất đai là công thổ quốc gia, là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Theo báo cáo, hiện nay trên cả nước tổng diện tích đất được giao sử dụng là hơn 9 triệu héc-ta, trong đó 745 tổ chức quản lý hơn 8 triệu ha, bao gồm 116 Ban quản lý rừng đặc dụng, 228 Ban quản lý rừng, 401 Công ty nông lâm nghiệp, quản lý 2,2 triệu héc-ta và hơn 1 triệu héc-ta do các hộ gia đình, cá nhân của Ủy ban nhân dân xã.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành chỉ rõ có sự lãng phí rất lớn từ quản lý sử dụng đất nông lâm trường. ảnh: quochoi.vn
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành chỉ rõ có sự lãng phí rất lớn từ quản lý sử dụng đất nông lâm trường. ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành chỉ rõ, qua giám sát của Hội đồng Dân tộc, nổi lên mấy điểm sau:

Một là công tác quản lý chưa giải quyết được đồng bộ và triệt để diện tích đất đai, hiện mới thực hiện rà soát, đo đạc cắm mốc thiết lập hồ sơ quản lý phần đất giữ lại của 252 công ty nông lâm nghiệp với diện tích 2.018 nghìn héc-ta đạt 22% tổng diện tích, mới có 11/45 tỉnh cơ bản hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, 13/45 tỉnh cơ bản hoàn thành việc phê duyệt phương án sử dụng đất, có tới 65,9% công ty chưa lập được phương án sử dụng đất hoặc chưa được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt phương án sử dụng đất phần giữ lại.

Đại biểu Quốc hội chỉ rõ thất thoát lớn từ đất đai nông lâm trường ảnh 2

Ông Vũ Mão: Không thể để cán bộ lạm quyền, làm khổ dân

Hai là việc chuyển đổi và xây dựng phương án sản xuất. Việc quản lý, sử dụng quỹ đất giữ lại của các công ty nông, lâm nghiệp chưa thực sự hiệu quả, một số công ty nông lâm nghiệp giữ lại diện tích quá lớn, hàng chục nghìn héc-ta mà nguồn nhân lực lại rất mỏng.

Các công ty nông lâm nghiệp mặc dù sau rà soát, sắp xếp nhưng chưa thực sự đổi mới về mô hình tổ chức sản xuất và quản lý doanh nghiệp mà vẫn áp dụng hình thức cho thuê đất, giao khoán, cho mượn, liên doanh, liên kết hợp tác đầu tư hoặc sử dụng không đúng mục đích và không sử dụng đối với quỹ đất giữ lại. Thực chất vẫn là bình mới rượu cũ.

Ba là việc tiếp nhận và xây dựng phương án sử dụng đất bàn giao về địa phương còn chậm, thời gian kéo dài và lúng túng trong biện pháp xử lý, hiện mới có 524 ngàn héc-ta được xây dựng phương án sử dụng đất đạt 51,3%. Tỷ lệ đất giao cho đồng bào dân tộc thiểu số và người dân địa phương thiếu đất đạt thấp, khoảng 15%.

Phần lớn trong số này là việc hợp thức hóa các diện tích đã được người dân sử dụng từ trước đây hoặc phần tranh chấp. Phần đất cấp mới thường ở xa, xấu không thuận lợi cho việc sản xuất.

Bốn là tình trạng tranh chấp, khiếu kiện đòi lại đất và vi phạm pháp luật về đất đai, bảo vệ rừng chưa được giải quyết triệt để. Nhiều vụ việc còn kéo dài và chưa có biện pháp xử lý.

Năm là việc thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai, quản lý tài chính đối với đất đai nông lâm trường còn nhiều bất cập, triển khai chậm, chưa làm hết quy định của chính sách. Việc xác định không rõ diện tích, không rõ loại đất để làm cơ sở cho các khoản thu. Việc chuyển đổi từ hình thức giao đất không thu tiền sử dụng đất sang thuê đất của các địa phương còn chậm.

Có người giao nhiều năm nhưng không tiến hành hợp đồng thuê đất. Giá thuê đất thấp, chỉ có 26.000 đồng/héc-ta/năm, gây thất thoát nguồn ngân sách lớn của nhà nước.

Có đơn vị sử dụng gần 40.000 héc-ta đất rất tốt nhưng mỗi năm chỉ nộp 900 triệu tiền thuê đất. Chính sách tài chính là điểm mấu chốt làm cho các công ty nông lâm nghiệp buông lỏng quản lý đất đai, cố tình giữ lại đất đai mặc dù nguồn lực lao động hiện tại hạn chế. Để đất đai bị xâm lấn, cho thuê, cho mượn, liên doanh, liên kết trái pháp luật, giao khoán, thoát canh và thu tô.

Từ tình hình, Đại biểu Nguyễn Lâm Thành nêu kiến nghị:

Một là đối với các địa phương tiếp tục lập, thẩm định, phê duyệt phương án sử dụng đất, các công ty nông lâm nghiệp bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với quy hoạch sử dụng đất của địa phương trên nguyên tắc bảo đảm hiệu quả chung về kinh tế - xã hội.

Tiếp tục giải quyết đất cho đồng bào dân tộc thiểu số từ việc rà soát, sắp xếp quy hoạch lại đất đai đồng bộ. Một số điểm có thể hình thành các điểm dân cư mới cho đồng bào định cư gắn với việc sắp xếp bố trí lại dân cư, đối tượng thiếu đất.

Hai là Chính phủ chỉ đạo tiếp tục rà soát, đánh giá về quy mô, đổi mới phương thức sản xuất và mô hình quản lý, quản trị doanh nghiệp của các công ty nông lâm nghiệp. Nghiên cứu sửa đổi các văn bản chính sách có liên quan để tháo gỡ những vướng mắc về quản lý trong thực tiễn.

Nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất đai, nhất là cơ chế tài chính, nâng định mức giá thuê đất, áp dụng triệt để phù hợp để tăng nguồn thu từ đất. Bố trí đủ nguồn lực cho công tác đo đạc, bố trí lại dân cư và tiến hành kiểm toán đối với các công ty nông lâm nghiệp.

Diệu Linh