Cước 3G tăng góp phần giúp VNPT, Viettel đạt doanh thu "khủng"

27/12/2013 13:52
Hồng Anh
(GDVN) - Theo báo cáo Tổng kết hoạt động năm 2013 của Cục Viễn thông - Bộ Thông tin & Truyền thông, doanh thu của các doanh nghiệp di động tăng khoảng 15% sau khi tăng cước.
VNPT và Viettel đạt doanh thu tỷ đô năm 2013

Báo cáo của Bộ Thông tin & Truyền thông năm 2013 cho thấy, năm 2013 tổng doanh thu toàn Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) ước đạt 119.000 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch, bằng 102,53% so với năm 2012. Nộp ngân sách nhà nước phấn đấu đạt 7.894 tỷ đồng, đạt 107,89% kế hoạch, bằng 100,47% so với năm 2012. Tổng lợi nhuận toàn Tập đoàn ước đạt 9.265 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch, bằng 179,09% so với năm 2012.

Trong khi đó, Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel doanh thu ước thực hiện 162.886 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch, tăng 15,2% so với năm 2012. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 35.086 tỷ đồng, đạt 101% kế hoạch, tăng 27,5%. Lợi nhuận sau thuế ước đạt 26.413 tỷ đồng, đạt 99% kế hoạch năm 2013, tăng 25,2%. Nộp ngân sách Nhà nước ước thực hiện 13.586 tỷ đồng, đạt 106% kế hoạch, tăng 19,4%.

Năm 2013, cả VNPT lẫn Viettel đều đạt doanh thu “khủng".
Năm 2013, cả VNPT lẫn Viettel đều đạt doanh thu “khủng".

Tuy không nói rõ doanh thu về dịch vụ 3G, nhưng theo báo cáo Tổng kết hoạt động năm 2013 của Cục Viễn thông - Bộ Thông tin & Truyền thông, doanh thu của các doanh nghiệp di động cũng tăng khoảng 15% sau khi tăng cước. Báo cáo nêu rõ, sau hơn 2 tháng các nhà mạng triển khai tăng giá cước, dịch vụ 3G di động lên trung bình 40% từ ngày 16/10/2013, số lượng người sử dụng dịch vụ này vẫn ổn định và tăng nhẹ (dưới 5%).

Điều này cho thấy, việc tăng cước 3G không khiến người dùng từ bỏ dịch vụ, đồng thời tạo điều kiện để các nhà mạng có thêm ngân sách tái đầu tư vào hạ tầng mạng 3G để nâng cao chất lượng dịch vụ lên.

Báo cáo là thế, song trên thực tế, việc tăng giá cước 3G trong năm vừa qua của các nhà mạng khiến dư luận vô cùng bức xúc. Nhiều dẫn chứng cho thấy, động thái tăng cước 3G giúp các nhà mạng lớn "bỏ túi 500-600 tỷ đồng/tháng.

Doanh thu tỷ đô, vì sao VNPT, Viettel vẫn tăng cước 3G?

Trả lời chất vấn trước Quốc hội chiều 20/11 về giá cước dịch vụ viễn thông, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - Nguyễn Bắc Son cho biết: “Thời gian qua tăng giá cước là chủ trương chung của Nhà nước, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, phù hợp với các nghị định ban hành, trong đó có luật giá, luật cạnh tranh, cam kết quốc tế… chúng ta không thể bán dưới giá thành, vì theo quy định hiện nay tất cả các loại mặt hàng không được cạnh tranh bằng cách bán dưới giá thành”.

Cũng theo Bộ trưởng Son, việc tăng giá cước là cần thiết bởi: “Chúng ta giảm giá quá lâu, từ cuối năm 2009 đến nay chưa tăng giá lần nào. Giá đó đều rất cạnh tranh, mà giá đó các nhà mạng chi phối thị trường. Vì thế, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 32 quy hoạch lại thị trường viễn thông, trong đó có nội dung từng bước nâng giá viễn thông bằng và trên giá thành để thị trường cạnh tranh lành mạnh, các nhà cung cấp dịch vụ không được bán dưới giá thành”.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cũng đưa ra một vài thông số cho thấy giá cước 3G của Việt Nam đã tính ở mức thấp thời gian vừa qua: Thấp hơn so với khối Asean 34,9 lần; so với khu vực châu Á Thái Bình Dương là khoảng 34-57%. Do đó, ngay cả khi các nhà mạng Việt Nam đã nâng cước thì vẫn thấp hơn giá thành. 

Như vậy trong năm 2013 đã có 2 lần dịch vụ 3G tăng giá cước. Lý giải về nguyên nhân, cả ba nhà mạng đều nhấn mạnh yếu tố giá thành. Viettel cho hay quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông, giá cước data 3G phải được quản lý dựa trên cơ sở giá thành và việc điều chỉnh giá cước lần này là động thái đưa giá bán tiệm cận dần với giá thành.

Mobifone, Vinaphone cũng đưa ra lý do tương tự. Các nhà mạng cho rằng, giá cước 3G ở Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và bán giá chỉ bằng 35 - 68% so với mức giá thành của dịch vụ.

Các nhà mạng cũng nhấn mạnh đến yếu tố tăng giá để tái đầu tư cơ sở hạ tầng. Ông Hồ Đức Thắng – Phó Giám đốc VinaPhone cho biết: “Đợt điều chỉnh cước Data lần này được căn cứ theo các quy định quản lý giá thành của Bộ Thông tin và Truyền thông, đồng thời giúp VinaPhone nâng cao hiệu quả đầu tư mạng 3G và tạo điều kiện đầu tư mở rộng, nâng cấp mạng lưới nhằm phục vụ khách hàng tốt hơn trong thời gian tới”.

Tuy nhiên, tại Hội nghị triển khai kế hoạch công tác năm 2014 của Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), ngày 13/12/2013, Bộ Công Thương và Bộ Thông tin & Truyền thông đang tiếp tục đề nghị Chính phủ cho phép điều chỉnh thêm giá cước theo cơ chế thị trường, giá cước được thiết lập trên cơ sở giá thành, cung cầu thị trường và mặt bằng giá chung của khu vực.

Cũng trong hội nghị, Thứ trưởng Lê Nam Thắng “đánh giá cao hoạt động điều chỉnh giá cước dịch vụ thông tin di động, trong đó có 3G, hoàn toàn phù hợp với chính sách, quy định hiện hành”.

Tuy vậy, Thứ trưởng cũng cho biết, giá cước dịch vụ viễn thông của Việt Nam đã đạt mức tương đương hoặc thấp hơn mức trung bình của khu vực và thế giới, tương đối phù hợp thu nhập người dân, vì thế vấn đề cần quan tâm nhất hiện nay là chất lượng dịch vụ. Và theo ông, năm 2014, cần tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ viễn thông, nhất là các dịch vụ như truy nhập Internet băng rộng, di động, 3G./.

Hồng Anh