Chuyên gia Bùi Kiến Thành: Giao MobiFone cho ai là cả vấn đề!

22/02/2014 10:24
Hoàng Lực
(GDVN) - Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng, tách MobiFone ra khỏi VNPT là việc cần thiết nhưng phải “chọn mặt gửi vàng”, tìm đơn vị có đủ năng lực điều hành.

Tái cơ cấu DNNN: Chậm vì lợi ích nhóm!

Vấn đề tái cơ cấu tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước được đặt ra nhằm tăng hiệu quả kinh doanh, tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp nhà nước. Trên thực tế, dù không ít tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước biết cần phải tái cơ cấu nhưng vẫn chần chừ kéo dài dẫn đến đề án có nhưng chậm thực hiện.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) 2014-2015 diễn ra vào chiều 18/2, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “Tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Chính phủ cũng như của nền kinh tế trong 2 năm 2014-2015”.

Cần đẩy nhanh tái cơ cấu VNPT
Cần đẩy nhanh tái cơ cấu VNPT

Thủ tướng yêu cầu, để đẩy nhanh cổ phần trong 2 năm tới đã phê duyệt 531 DN, đã làm 99, còn 432 DN phải quyết liệt thực hiện.

Mặc dù sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ nhưng vấn đề tái cấu trúc doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty nhà nước bị trì trệ kéo dài gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc tái cấu trúc nền kinh tế. Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng sở dĩ việc tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước kéo dài vì đụng chạm đến lợi ích nhóm.

Theo ông Bùi Kiến Thành: “Tái cấu trúc tức là tổ chức lại vấn đề quản lý lại của doanh nghiệp đó. Tái cấu trúc rồi thì những người đang ngồi vị trí lãnh đạo của các doanh nghiệp đó liệu còn giữ được vị trí nữa hay không? Đây là nguyên nhân khiến nhiều lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước tuy thuộc diện phải tái cấu trúc nhưng lại không mặn mà”.

Đó cũng chính là nguyên nhân khiến lãnh đạo các bộ, ngành là đơn vị chủ quản doanh nghiệp, tổng công ty nhà nước chưa thật sự quyết tâm tái cơ cấu trong khi Chính phủ rất quyết liệt.

Nguyên nhân khác dẫn đến chậm trễ tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN là vấn đề định hướng, đánh giá vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế. Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, phải thực hiện về nguyên lý, nguyên tác như tuyên bố đầu năm của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ nhà nước không phải kinh doanh, không phải cạnh tranh với nhân dân mà quyền kinh doanh là của nhân dân.

Do đó vấn đề tái cơ cấu, cổ phần hóa nhằm trao quyền tự quyết cho doanh nghiệp, nhà nước chỉ đứng vai trò quản lý vĩ mô.

Tách MobiFone: “Chọn mặt gửi vàng”

Cũng liên quan đến vấn đề tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, riêng với VNPT chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng, việc thực hiện tái cơ cấu VNPT trọng tâm tách MobiFone ra khỏi VNPT nhằm phát triển MobiFone hiệu quả hơn là việc cần làm ngay. 

Theo ông Thành, về lịch sử MobiFone trước đây có sự liên kết hợp tác với nước ngoài vì thế nhà mạng này có bộ máy quản lý, cơ chế quản lý tốt. Nhưng sau sự hợp tác này khi nằm dưới sự quản lý VNPT thì bị chững lại, rất may MobiFone có bộ máy nhân sự tốt, công nghệ tốt nên còn phát triển được.

"Giao MobiFone cho ai là cả vấn đề. Theo tôi MobiFone nên giao cho đơn vị có đủ năng lực điều hành, quản lý vì nếu giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông thì cũng giống như VNPT đó là cách điều hành kinh tế kiểu hành chính công chức, điều này không phù hợp. Vì thế cần “chọn mặt gửi vàng”, ông Thành nêu quan điểm.

“MobiFone được định giá khoảng hơn 2 tỉ USD, nếu làm tốt thì cổ phần hóa để tăng lên, nhưng nếu để cho đơn vị không có năng lực quản lý thì giá trị sẽ mất đi. Liệu có giữ được con gà đẻ trứng vàng hay không hoàn toàn do cách làm? Nhưng tách MobiFone để nhanh chóng tư nhân hóa, cổ phần hóa cho tư nhân làm việc. Không nhất thiết lúc nào chính phủ cũng phải giữ số lượng cổ phần để chi phối việc đấy. Khi đó doanh nghiệp sẽ hoạt động tốt hơn, mục đích dài hạn phải thúc đẩy làm nhanh, bây giờ chúng ta quá trì trệ vì lợi ích một số người”, chuyên gia Bùi Kiến Thành kết luận.

Hoàng Lực