Chương trình mục tiêu quốc gia an toàn thực phẩm gặp khó vì... thiếu vốn

17/09/2015 14:15
Hồng Minh
(GDVN) - Chương trình mục tiêu quốc gia vệ sinh an toàn thực phẩm giai đoạn 2012 – 2015 gặp khó khi nguồn vốn huy động không đủ như dự kiến.

Nguồn vốn huy động thấp hơn dự tính

Ngày 7/9/2012, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 1228/QĐ-TTg Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia vệ sinh an toàn thực phẩm giai đoạn 2012 – 2015.

Mục tiêu Chương trình giảm 25% số vụ ngộ độc thực phẩm có số người mắc lớn hơn hoặc bằng 30 người so với năm 2010; Số người mắc ngộ độc thực phẩm cấp tính/100.000 dân trong các vụ ngộ độc thực phẩm được ghi nhận là nhỏ hơn hoặc bằng 8.

Mô hình chợ thí điểm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm được ngành Công Thương triển khai tại chợ Hoàn Lão - Bố Trạch – Quảng Bình.
Mô hình chợ thí điểm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm được ngành Công Thương triển khai tại chợ Hoàn Lão - Bố Trạch – Quảng Bình.

Tỷ lệ mẫu vượt mức cho phép/tổng số mẫu được kiểm nghiệm an toàn thực phẩm dưới 6% trong các chương trình giám sát quốc gia về an toàn thực phẩm nông sản và dưới 4% trong các chương trình giám sát quốc gia về an toàn thực phẩm thủy sản; 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có mô hình chợ bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.  

Theo Quyết định, Chương trình mục tiêu quốc gia về an toàn thực phẩm giai đoạn 2012 – 2015 sẽ do Bộ Y tế chủ trì, áp dụng 63 tỉnh thành trong cả nước.

Chương trình thực hiện 6 dự án gồm: Dự án 1: Nâng cao năng lực quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm; Dự án 2: Thông tin giáo dục truyền thông đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm; Dự án 3: Tăng cường năng lực hệ thống kiểm nghiệm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm; Dự án 4: Phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm; Dự án 5: Bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất nông, lâm, thủy sản và Dự án 6: Bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất và kinh doanh thực phẩm ngành công thương. 

Tổng nguồn vốn thực hiện trương trình 4.139 tỷ đồng. Trong đó ngân sách trung ương 1.949 tỷ đồng, chiếm 47%; Ngân sách địa phương 1.320 tỷ đồng, chiếm 32%; Viện trợ quốc tế 430 tỷ đồng, chiếm 10%; Các nguồn vốn hợp pháp khác 440 tỷ đồng, chiếm 11%.

Nguồn vốn 4.139 tỷ đồng là con số không nhỏ. tuy nhiên lại được chia rất nhiều dự án nhỏ. Theo Cục An toàn thực phẩm, hiện tại dù bước sang năm cuối cùng của chương trình nhưng tính cả năm 2011 đến 2015, tổng nguồn vốn là 1.224,8 tỷ đồng, mới chỉ chiếm 29,6% so với tổng mức vốn được phê duyệt, trong đó vốn đầu tư là 94 tỷ đồng, vốn sự nghiệp là 1.130,8 tỷ đồng.

Trong số 1.224,8 tỷ đồng tiền vốn huy động được, có 998 tỉ đồng Ngân sách trung ương; 122,8 tỉ đồng ngân sách địa phương; Viện trợ Quốc tế khoảng 10 tỷ đồng.

Rõ ràng con số huy động thực tế với con số dự định huy động để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về an toàn thực phẩm giai đoạn 2012 – 2015 quá chênh lệch.

Cụ thể theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ngân sách trung ương thực hiện chương trình 1.949 tỷ đồng nhưng mới huy động được 998 tỷ đồng (chiếm 51,2% số vốn phải huy động); Nguồn vốn từ địa phương 1.760 tỷ đồng nhưng mới chỉ huy động 122,8 tỉ đồng (chiếm 6,97%).

Như vậy, ngoại trừ nguồn vốn từ trung ương, các nguồn từ địa phương hay từ viện trợ quốc tế rất ít, chiếm số lượng nhỏ.

Khó khăn về nguồn vốn khiến cơ quan quản lý ở đây là Bộ Y tế và Cục An toàn thực phẩm gặp khó trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về an toàn thực phẩm trong giai đoạn 2012 – 2015.

Trong 6 dự án thuộc Chương trình, riêng dự án 1 đặt ra mục tiêu 80% các Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và cung cấp các trang thiết bị thiết yếu; trên 85% lượt cán bộ làm công tác quản lý, thanh tra vệ sinh an toàn thực phẩm từ Trung ương đến địa phương được bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn và năng lực quản lý về vệ sinh an toàn thực phẩm; 100% các nhóm sản phẩm thực phẩm có quy chuẩn kỹ thuật được cập nhật, hài hòa và phù hợp với phân công quản lý nhà nước; trên 80% cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm được kiểm tra đạt yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Nguồn vốn thực hiện dự án 1 là 1.025 tỷ đồng (xấp xỉ bằng tổng số vốn huy động được đến thời điểm này). Trong khi đó, số vốn huy động được phải dàn trải trong 6 dự án với rất nhiều mục tiêu khác nhau.

Có thể thấy, nguồn vốn đang là chìa khóa để Chương trình mục tiêu quốc gia an toàn thực phẩm thành công hoàn thành mục tiêu.

Vì sức khỏe 90 triệu dân

Cần phải khẳng định, nhà nước luôn quan tâm vấn đề an toàn thực phẩm. Ngày 19/6/2009, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 34/2009/NQ-QH12 đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. 

Trong đó, tại Khoản 7 Điều 2 Nghị quyết số 34 cũng yêu cầu phải tăng đầu tư cho các hoạt động như đào tạo cán bộ, đặc biệt là lực lượng cán bộ chuyên ngành về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. 

Tăng đầu tư để xây dựng mới và nâng cấp một số phòng kiểm nghiệm hiện có đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế; hoạt động kiểm nghiệm phục vụ kiểm tra nhà nước về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm; nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ kiểm soát, cảnh báo nguy cơ ô nhiễm thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm, sản xuất và chế biến thực phẩm an toàn.

Tương tự Nghị quyết cũng nêu rõ, trong dự toán ngân sách nhà nước hằng năm, bố trí kinh phí đảm bảo đủ mức cần thiết để thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo đảm tăng dần hằng năm cùng với tăng thu của ngân sách nhà nước; Trong đó chú trọng tăng kinh phí cho công tác quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm ở các địa phương, đặc biệt là ở cấp xã.

Từ năm 2010, tăng đầu tư cho Chương trình mục tiêu quốc gia về bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. 

Riêng vấn đề quản lý an toàn thực phẩm cấp xã, phường cho thấy những bất cập. Theo đó  UBND xã, phường có Ban Chỉ đạo vệ sinh ATTP do Phó Chủ tịch UBND, xã phường làm Trưởng Ban, Phó Ban là Trạm trưởng Trạm y tế; các thành viên khác gồm cán bộ công an, tư pháp, văn hóa xã hội, tài chính, an ninh trật tự... Tuy nhiên, việc quản lý về vệ sinh ATTP lại gặp nhiều khó khăn. 

Nguyên nhân là cán bộ làm công tác này đều kiêm nhiệm; hoạt động mua, bán phần lớn diễn ra cuối buổi chiều, buổi tối và ban đêm nên rất khó để tổ chức đoàn đi kiểm tra. Bên cạnh đó, hầu hết cán bộ không có trình độ chuyên môn, thiếu dụng cụ phân tích, kiểm nghiệm. 

Do đó vấn đề trang bị thiết bị, dụng cụ nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ là rất quan trọng. Tuy nhiên muốn làm được việc này cũng phải có nguồn vốn.

Vấn đề an toàn thực phẩm của hơn 90 triệu dân, đảm bảo phát triển giống nòi là giải quyết một phần quan trọng trong chính sách phát triển an sinh – xã hội, đảm bảo cho sự phát triển bền vững của quốc gia.

Vì vậy cần quan tâm đầu tư thích đáng để hệ thống quản lý an toàn thực phẩm có đủ nguồn lực, trang bị đủ vật chất, kỹ thuật, năng lực bắt kịp sự phát triển khoa học kỹ thuật trong nước và quốc tế về an toàn thực phẩm, đảm đương được trọng trách quản lý, giám sát an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Hồng Minh