Cần xem xét dấu hiệu tham nhũng khi biên chế cứ mãi phình to

01/12/2017 13:16
XUÂN QUANG
(GDVN) - "Cần xém xét mối quan hệ giữa việc tăng biên chế vượt quy định với những phản ánh về dấu hiệu tiêu cực trong việc chạy chức, chạy quyền...”, bà An nói.

Tăng biên chế vì kỷ cương chưa nghiêm

Ông Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tổ chức Trung ương tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về học tập, quán triệt các Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII đã nêu rõ thực trạng tinh giản biên chế ở nước ta trong những năm gần đây. 

Ông Phạm Minh Chính cho rằng: “Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế, số người hưởng lương, phụ cấp không những không giảm mà còn tăng lên”.

Thực tế trên đã tạo ra gánh nặng không nhỏ cho ngân sách nhà nước.

Cần xem xét dấu hiệu tham nhũng khi biên chế cứ mãi phình to ảnh 1Quản lý nhà nước dùng cái lưới một cỡ, cá bé thì lọt, cá lớn thì rách lưới

Hôm 3/12, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng, nguyên nhân của tình trạng biên chế ngày càng “phình” to trước hết là do kỷ cương chưa nghiêm. 

“Tại sao khi đã có nghị quyết Trung ương về tinh giản biên chế, nhưng biên chế không những không giảm mà còn tăng?

Điều này chỉ có thể giải thích rằng, các đơn vị tổ chức thực hiện nghị quyết trên chưa nghiêm túc”.

Vị Phó Giáo sư cũng cho rằng, chất lượng một bộ phận cán bộ công chức "có vấn đề" cũng là một nguyên nhân khiến tình trạng biên chế tăng cao.

“Lẽ ra 3 việc chỉ cần 1 người làm, nhưng khi công chức không đáp ứng được nhiệm vụ buộc người ta phải tuyển thêm người làm. Nếu chất lượng cán bộ tốt thì cần gì nhiều người như vậy.

Điều này đang là thực tế tồn tại từ cấp lãnh đạo đến nhân viên.

Vấn đề là anh không tuyển được người đủ trình độ, đủ tâm để thực hiện nhiệm vụ đó, nên mới xảy ra tình trạng 3 người làm 1 việc trong khi thực tế chỉ cần 1 người là đủ’, bà An nhận định.

Cũng theo bà An, để tránh tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” trong vấn đề tinh giản biên chế, cần làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm người đứng đầu không hoàn thành nhiệm vụ tinh giản biên chế.

Phó Giáo sư Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII. Ảnh của Ngọc Quang/giaoduc.net.vn.
Phó Giáo sư Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII. Ảnh của Ngọc Quang/giaoduc.net.vn.

Từ phát biểu của ông Phạm Minh Chính về quán triệt các Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII về thực trạng tinh giản biên chế ở nước ta trong những năm qua, bà An cho rằng, cần làm rõ có hay không dấu hiệu tham nhũng trong việc để biên chế "phình" to như hiện nay.

Bên cạnh đó, cần làm rõ nghi vấn trong việc tuyển dụng để tạo phe cánh, lợi ích nhóm.

“Người ta đã đồn rằng một xuất vào biên chế phải mất bao nhiêu tiền, hoặc để lên được chức phải “chạy” bao nhiêu. 

Do đó, cần xem xét mối quan hệ giữa việc tăng biên chế vượt quy định với những phản ánh về dấu hiệu tiêu cực trong về chạy chức, chạy quyền”, bà An nêu quan điểm.

Có làm rõ được những vấn đề này và xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra vi phạm thì Nghị quyết của Trung ương về tinh giản biên chế mới đi vào thực tiễn được”, bà An cho biết. 

Loại khỏi bộ máy “con ông cháu cha” không đủ năng lực

Phó Giáo sư Bùi Thị An cho rằng, Luật không cấm cụ thể việc tuyển dụng, bổ nhiệm người thân trong cơ quan (trừ một số vị trí theo luật chuyên ngành quy định).

Do đó, tình trạng lãnh đạo đưa người thân, thậm chí người đó không đủ năng lực, vào các cơ quan nhà nước để làm việc vẫn còn diễn ra. 

“Thực tế, có những người là con các đồng chí cán bộ cao cấp cũng rất có tài, có đức và xứng đáng để ngồi vào những vị trí lãnh đạo. Tuy nhiên không phải tất cả họ đều giỏi. 

Cần xem xét dấu hiệu tham nhũng khi biên chế cứ mãi phình to ảnh 3Sáp nhập các tỉnh thành, bộ ngành với nhau sẽ giảm được biên chế rất lớn

Một số trường hợp năng lực còn hạn chế, vẫn được bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo quan trọng chỉ trong một thời gian ngắn, gây dư luận không tốt và ảnh hưởng tới danh dự của các đồng chí lãnh đạo. 

Do đó, để việc lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ đủ đức, đủ tài thì tập thể, người đứng đầu đơn vị phải thực sự gương mẫu, công tâm, khách quan, nghiêm túc trong tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ.

Khi người đứng đầu gương mẫu, thì họ sẽ vì mục tiêu chung mà gạt bỏ lợi ích cá nhân.

Vấn đề đặt ra là anh có quyết tâm thực hiện hay không mà thôi”, Phó Giáo sư Bùi Thị An nhận định.

Vị Đại biểu Quốc hội khóa XIII nhấn mạnh rằng, để chất lượng công chức được nâng cao theo tinh thần Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị, cần tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ thông qua thi tuyển cạnh tranh một cách công khai, minh bạch.

“Thi tuyển chính là thước đo chính xác nhất trong việc lựa chọn cán bộ đủ đức đủ tài. Bởi, công tác cán bộ nói chung phải có sự cạnh tranh thông qua thi thố thì mới biết ai giỏi hơn ai.

Khi đó, dù là con "ông cháu cha" được chọn lựa thông qua thi tuyển thì dư luận cũng không có gì phải nghi ngờ.

Để làm được việc này đòi hỏi sự minh bạch khâu đề ra tiêu chí, thi tuyển, giám sát, và công bố công khai, rộng rãi kết quả thi tuyển”, Phó Giáo sư Bùi Thị An cho biết.

XUÂN QUANG