Bộ TT&TT đã chuẩn bị gì để tiếp nhận MobiFone?

02/04/2014 12:43
Hoàng Lực
(GDVN) - Đó là vấn đề được chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành đặt ra sau khi đề án tái cấu trúc VNPT vừa được Chính phủ phê duyệt.

Chiều qua (1/4) tại cuộc Họp báo Chính phủ Bộ trưởng Bộ Thông tin&Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Bắc Son đã chính thức thông báo việc Chính phủ phê duyệt đề án tái cấu trúc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT). 

Đáng chú ý là việc MobiFone sẽ được tách riêng để cổ phần hóa chứ không kèm các công ty thành viên khác của VNPT đang làm ăn yếu kém như trong đề án mà VNPT và Bộ TT&TT trình lên Chính phủ.

Bộ TT&TT khẳng định quan điểm tách MobiFone để đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa chứ không phải lại để Nhà nước sở hữu 100% vốn như trước.

Ngày 1/4, MobiFone được Chính phủ chấp thuận tách khỏi Tập đoàn VNPT.
Ngày 1/4, MobiFone được Chính phủ chấp thuận tách khỏi Tập đoàn VNPT.

Được biết sau khi tách ra khỏi VNPT, MobiFone sẽ trở thành Tổng Công ty Thông tin di động, cung cấp đa dịch vụ, trong đó có dịch vụ thông tin di động và MobiFone là một thành viên. 

Đề án tái cơ cấu VNPT, trọng tâm là việc tách MobiFone khỏi VNPT được cho là tốt cho cả MobiFone và VNPT. Bởi lẽ MobiFone là mạng di động mạnh, có thị phần lớn, quản lý tốt... do đó nếu tách khỏi VNPT, MobiFone sẽ phát triển mạnh mẽ hơn.

Trước đó, đã có nhiều ý kiến cho rằng việc tách MobiFone khỏi VNPT chỉ là chuyện sớm hay muộn, vì thế thông tin Chính phủ phê duyệt đề án tái cấu trúc VNPT, cho phép MobiFone tách khỏi VNPT không quá bất ngờ. Bất ngờ ở đây là MobiFone tách ra nhưng không phải “cõng” thêm doanh nghiệp yếu kém khác trong VNPT.

Đây được xem là điều kiện thuận lợi cho MobiFone phát triển, tuy nhiên trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành lo lắn: Liệu sau khi tách khỏi VNPT và giao cho Bộ TT&TT quản lý trực tiếp MobiFone có giữ được tốc độ phát triển và giá trị như hiện nay?.

Chuyên gia Bùi Kiến Thành cho rằng, MobiFone là 1 trong 3 nhà mạng di động chiếm thị phần lớn nhất Việt Nam, giá trị thương hiệu của MobiFone được đánh giá khoảng hơn 2 tỉ USD. Trong khi đó, Bộ TT&TT là cơ quan quản lý nhà nước, quản lý hành chính. 

“Là một cơ quan quản lý nhà nước, Bộ TT&TT đang hoạt động theo lối hành chính công chức, sẽ rất khó để điều hành một doanh nghiệp kinh doanh lớn như MobiFone. Vì thế vấn đề đặt ra ở đây là Bộ đã chuẩn bị thế nào để tiếp nhận quản lý MobiFone?”, chuyên gia Bùi Kiến Thành nhận định.

Từ đó chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng, trước hết Bộ TT&TT phải chuẩn bị một đội ngũ nhân sự chất lượng có năng lực quản lý tốt để đảm nhiệm riêng nhiệm vụ điều hành MobiFone. Cùng với đó, “sau khi tác khỏi VNPT, MobiFone sẽ trở thành Tổng Công ty Thông tin di động cung cấp đa dịch vụ. Điều đó có nghĩa MobiFone sẽ mở rộng lĩnh vực kinh doanh. Điều này cần phải nghiên cứu kỹ, bởi trước hết cần ổn định bộ máy nhân sự, con người không nên vội vàng mở rộng lĩnh vực kinh doanh”, ông Thành nói.

Đánh giá về việc để MobiFone “ra đi” nhưng không phải "gánh" doanh nghiệp yếu kém trong VNPT, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho biết: “Điều này là phù hợp bởi thực chất MobiFone là nhà mạng có thị phần lớn, làm ăn có lãi. Bản thân MobiFone đã rất chuyên nghiệp khi phát triển dựa trên nền tảng của liên doanh với Tập đoàn Kinnevik (Thụy Điển), nếu phải “cõng” doanh nghiệp yếu kém khác của VNPT, sẽ là bước cản cho sự phát triển của MobiFone”.

Hoàng Lực