3 lần trượt đại học, 9X vẫn nỗ lực học tập trở thành quản lý sale

14/07/2021 06:29
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Sau 3 lần trượt đại học, Cù Huy Liên từng bị mất phương hướng, tự ti về bản thân nhưng chàng trai đã xốc lại tinh thần để có hướng đi mới.

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và xét tuyển đại học là một dấu mốc quan trọng với nhiều học sinh. Tuy nhiên, kết quả của một kỳ thi không khẳng định được sự thành công hay thất bại.

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Cù Huy Liên (cựu học sinh Trường Trung học phổ thông Nguyễn Văn Trỗi, Hà Tĩnh), hiện đang là quản lý sale của một công ty bất động sản tại Hà Nội cho biết: “Theo mong ước của bố mẹ, tôi đã 3 lần đăng ký xét tuyển vào Trường Học viện An ninh, Học viện Cảnh sát Nhân dân và Học viện Biên phòng, song cả 3 lần đó, kết quả đã không như kỳ vọng.

Có thời gian tôi chìm đắm trong nỗi buồn, sự bế tắc nhưng khi vượt qua rồi, tôi mới nhận ra, đại học không phải là con đường duy nhất, không đỗ đại học cũng không phải là dấu chấm hết, quan trọng là phải biết mở hướng đi mới cho bản thân”.

3 lần trượt đại học nhưng Cù Huy Liên vẫn nỗ lực để tìm hướng đi mới cho bản thân. (Ảnh: NVCC)

3 lần trượt đại học nhưng Cù Huy Liên vẫn nỗ lực để tìm hướng đi mới cho bản thân. (Ảnh: NVCC)

Năm đầu tiên, Cù Huy Liên thi đậu tốt nghiệp nhưng kết quả xét tuyển Học viện An ninh 3 môn theo khối A, Liên chỉ đạt 22.5 điểm.

Năm tiếp theo, Liên chuyển hướng theo học khối C, xét tuyển đại học vào Trường Học viện Cảnh sát Nhân dân. Kết quả 3 môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý đạt 27 điểm nhưng chàng trai vẫn không đỗ vào ngôi trường mình mơ ước.

Không từ bỏ, Huy Liên tiếp tục ôn tập cho kỳ thi nămsau, mặc dù đạt 27,5 điểm khối C nhưng lần thứ 3 cậu vẫn không đỗ vào Học viện Biên phòng.

“Ngày đó, tôi chưa suy nghĩ thấu đáo, cũng không có định hướng gì cho bản thân. Sau 3 lần liên tiếp trượt đại học, tôi đã nghĩ mình sẽ đi xuất khẩu lao động hoặc vào miền Nam làm công nhân.

Nhưng vì sức khỏe không tốt, bố mẹ chưa đồng ý để tôi đi, khoảng thời gian ở nhà, tôi chỉ có nỗi buồn, sự tuyệt vọng, tủi hổ khi nhìn bạn bè học tập ở các thành phố lớn. Mất ba tháng để định hình lại mọi thứ, tôi ra Hà Nội quyết định đi làm. Thời điểm đó với tôi giống như một cuộc chạy trốn, đi để quên nỗi buồn của bản thân”.

4 tháng đầu ở Hà Nội, Huy Liên chỉ có thể đi làm công việc chân tay, ngày làm phục vụ ở quán bia, tối về lại chạy xe ôm công nghệ. Nhận thấy công việc quá vất vả, chàng trai bắt đầu lên mạng tìm công việc mới. Cuối cùng, Liên được một công ty nhận đào tạo về marketing, chạy quảng cáo.

Cù Huy Liên (thứ 2 từ bên trái) hiện đang làm quản lý sale của một công ty bất động sản. (Ảnh: NVCC)

Cù Huy Liên (thứ 2 từ bên trái) hiện đang làm quản lý sale của một công ty bất động sản. (Ảnh: NVCC)

Huy Liên chia sẻ: “Ban đầu, vừa học vừa làm mọi thứ rất khó khăn. Tôi từng chạy quảng cáo lỗ 50 triệu. Vậy là ban ngày đi làm, ban đêm lại phải chạy xe ôm để bù nợ.

Sau một thời gian, tôi được chuyển qua làm sale. Phải khẳng định rằng, dù làm bất cứ công việc gì, nếu không được đào tạo, không học tập thì sẽ không làm được.

Dù học ở trường hay tự học, học từ thực tế, tham gia các khóa học thì việc học cũng vô cùng quan trọng. Với tôi, quá trình làm việc là quá trình học hỏi, tôi còn tham gia thêm một lớp học tại chức về ngành quản trị kinh doanh và hoàn thành các chứng chỉ hành nghề”.

Sau hai tháng làm sale, Cù Huy Liên đã ký được hợp đồng với khách hàng. Nhờ vào sự nỗ lực học tập và cố gắng không ngừng, những tháng tiếp theo, Liên đã tiếp tục gặt hái được những thành công ban đầu trong nghề.

Sau hơn 1 năm làm sale, năm 2019, Cù Huy Liên được đảm nhận vị trí quản lý sale. Đến nay, Liên còn tham gia vào phát triển phòng kinh doanh của công ty.

Sau 3 lần trượt đại học, từng rơi vào bế tắc nhưng Cù Huy Liên đã tìm được cho mình một hướng đi mới. Dù đó không phải là đỗ vào đại học như mong ước của bố mẹ nhưng đây là con đường cho Liên những trải nghiệm, cơ hội học tập, làm việc và đạt được những thành tích nhất định.

Giờ đây, 9X đã có nguồn thu nhập ổn định, đảm bảo lo cho bố mẹ đầy đủ về mặt kinh tế.

Từng có thời gian tham gia tuyển dụng nhân sự tại các trường đại học, Cù Huy Liên cho biết, sinh viên hiện nay rất giỏi, thông minh, tuy nhiên còn thiếu kỹ năng mềm. Chính vì vậy, ở môi trường giáo dục đại học, quan trọng là phải học kiến thức kết hợp với kỹ năng.

“Qua câu chuyện và kinh nghiệm của mình, tôi muốn khuyên các em cần có tinh thần học tập.

Đại học là một môi trường giáo dục tốt, chắc chắn sẽ giúp các bạn được đào tạo nghề bài bản. Tuy nhiên, các bạn đừng nghĩ đại học là con đường học tập duy nhất sau khi tốt nghiệp phổ thông. Thậm chí vào đại học rồi bạn vẫn phải nỗ lực, chủ động học tập mới có thể thành công.

Nếu năng lực của bạn không đủ để vào đại học, các bạn có thể theo học các trường nghề, ở đó, cơ hội thực hành, trải nghiệm rất nhiều, học viên được đào tạo chuyên sâu về ngành nghề, thời gian đào tạo ngắn hơn đại học.

Cũng giống như tôi, dù không học đại học nhưng để đáp ứng được yêu cầu công việc, tôi vẫn phải học tập mỗi ngày, học thêm ở lớp tại chức, học các chứng chỉ hành nghề. Đến thời điểm hiện tại, tôi vẫn đang học thêm tiếng Anh để tiến tới làm việc với các đối tác, khách hàng nước ngoài”, Liên tâm sự.

Huy Liên khẳng định, đại học không phải là con đường duy nhất để tiếp tục hành trình học tập. (Ảnh: NVCC)

Huy Liên khẳng định, đại học không phải là con đường duy nhất để tiếp tục hành trình học tập. (Ảnh: NVCC)

Cũng theo Cù Huy Liên, thế hệ học sinh hôm nay có tố chất thông minh nhưng không nhận được sự định hướng ngay từ đầu nên tâm lý dễ bị ảnh hưởng xấu khi kỳ thi không đạt kết quả tốt. Vì vậy, phải xác định được năng lực của bản thân, mức học ra sao, sở thích, sở trường của mình để có hướng đi đúng.

Không nên suy nghĩ đỗ vào một trường đại học như một cách tìm bến đậu sau thời gian học phổ thông, hay như một cách tìm kiếm một con đường an toàn.

“Mong rằng các em học sinh không bao giờ xem trượt đại học là một dấu chấm hết, kết thúc hành trình học tập của bản thân. Nếu không học đại học thì các em vẫn có thể học nghề, hoặc đăng ký tham gia nghĩa vụ quân sự, rèn luyện sức khỏe, rèn luyện bản lĩnh trước khi bước vào đời.

Hãy tìm hiểu những công việc bản thân mình yêu thích và sẵn sàng bước vào thử thách, không ngừng nỗ lực, chủ động học tập để từng bước chinh phục những mục tiêu.

Nếu đã học đại học, các bạn cần biết học xong mình sẽ làm gì, phải có định hướng rõ ràng từ năm nhất. Còn đa số sinh viên hiện nay đến năm cuối mới bắt đầu đi thực tập, tìm việc, nếu học tập thụ động như vậy thì sẽ khó có được kết quả tốt.

Một tấm bằng cử nhân cũng không xác định được năng lực, kỹ năng làm việc của một người, quan trọng là quá trình làm việc thực tế sẽ khẳng định được năng lực thật của bạn.

Dù bạn chọn con đường nào, dù học tập ở đâu, hãy học khi bản thân thấy cần, học để thực hành, để áp dụng vào thực tiễn, đừng học vì một tấm bằng đơn thuần”, Liên khẳng định.

Phạm Minh