Nhiều năm qua, đề kiểm tra định kỳ, đề thi tuyển sinh 10, thi tốt nghiệp Trung học phổ thông thì môn Ngữ văn vẫn thực hiện theo hình thức tự luận hoàn toàn. Tuy nhiên, trước thềm năm học 2022-2023 thì một số địa phương đã tập huấn cho giáo viên đề kiểm tra môn Ngữ văn bằng hình thức trắc nghiệm với tự luận.
Theo cấu trúc đề Ngữ văn trắc nghiệm kết hợp với tự luận sẽ có 2 phần: phần Đọc hiểu gồm 10 câu hỏi với 8 câu trắc nghiệm (4,0 điểm) và 2 câu tự luận (2,0 điểm); phần Viết gồm 1 câu (4,0 điểm) và thực tế hiện nay đang có một số địa phương đang triển khai, thực hiện đối với các lớp đang dạy chương trình giáo dục phổ thông 2018 (ở lớp 6, 7, 10).
Bên cạnh những địa phương thực hiện cấu trúc đề mới thì vẫn có nhiều địa phương đang thực hiện cấu trúc đề cũ (tự luận hoàn toàn) và điều đáng chú ý là vừa qua Bộ đã công bố dự thảo Phương án tổ chức thi tốt nghiệp Trung học phổ thông từ năm 2025 và đề Ngữ văn là môn duy nhất thi theo hình thức tự luận.
Nếu dự thảo này được thông qua, những địa phương đang thực hiện hình thức kiểm tra môn Ngữ văn bằng hình thức trắc nghiệm kết hợp với tự luận có thể khiến cho giáo viên và học sinh gặp rất nhiều khó khăn vì đề thi tốt nghiệp Trung học phổ thông sẽ là đề chung cho tất cả học sinh lớp 12 trên cả nước.
Ảnh minh họa: Ngọc Mai |
Cơ sở giáo dục (nhà trường) có dám tự chủ hình thức kiểm tra môn Ngữ văn?
Trước đó, chuẩn bị cho năm học 2022-2023, nhiều Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai tập huấn cho giáo viên cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông về đề kiểm tra môn Ngữ văn theo cấu trúc mới và đề có 2 phần: phần Đọc gồm 10 câu hỏi với 8 câu trắc nghiệm (4,0 điểm) và 2 câu tự luận (2,0 điểm); phần Viết gồm 1 câu (4,0 điểm) bằng tài liệu của Bộ.
Thông tin được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng, ngày 18/8/2022, khi thông tin với báo chí, Vụ Giáo dục trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết:
“Để triển khai thực hiện Chương trình chương trình giáo dục 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức tập huấn giáo viên cốt cán toàn quốc nhằm nâng cao năng lực của giáo viên về xây dựng ma trận, đặc tả đề kiểm tra, đánh giá các môn học theo chương trình mới. Một trong những nội dung tập huấn là hướng dẫn kĩ thuật viết câu hỏi trắc nghiệm khách quan (đây là phần chung dành cho tất cả các môn học).
Việc tập huấn nhằm giúp giáo viên nắm được các công cụ đánh giá khác nhau, tính ưu việt của từng công cụ, qua đó quyết định sử dụng phù hợp, hiệu quả từng công cụ trong đánh giá, đảm bảo phát huy được năng lực, phẩm chất của học sinh.
Trên nguyên tắc giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục về chuyên môn, giáo viên căn cứ vào yêu cầu cần đạt của Chương trình Giáo dục phổ thông môn Ngữ văn để lựa chọn các hình thức kiểm tra, đánh giá theo đúng Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT”. [1]
Việc Vụ Giáo dục trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) thông tin như vậy cho thấy các cơ sở giáo dục đã được “giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục về chuyên môn” và họ có thể áp dụng hình thức kiểm tra môn Ngữ văn bằng hình thức nào cũng được.
Tuy nhiên, đọc kĩ từng câu chữ trong thông tin với báo chí của Vụ Giáo dục trung học và thực tế thực hiện nhiệm vụ tại đơn vị thì mọi việc không hề đơn giản như vậy.
Bởi lẽ, với cách quản lý chuyên môn như hiện nay, không có đơn vị nào dám tự chủ về hình thức kiểm tra bởi tất cả phải thực hiện theo chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo mà cụ thể là Phòng Giáo dục trung học và Hội đồng bộ môn Ngữ văn của Sở.
Nếu như mỗi trường thực hiện hình thức, cấu trúc mỗi kiểu đề khác nhau thì làm sao Sở, Phòng quản nổi. Khi Sở ra đề chung thì làm sao các trường trở tay kịp. Vì thế, hình thức, cấu trúc đề kiểm tra như thế nào thì cả tỉnh sẽ thống nhất và thực hiện giống nhau.
Khi ra đề kiểm tra môn Ngữ văn, nhà trường chỉ được tự chủ về đơn vị nội dung kiến thức, còn cấu trúc và hình thức đề kiểm tra không thể làm khác so với chỉ đạo của bộ phận chuyên môn của Sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo. Các trường trong toàn tỉnh/thành phố sẽ thực hiện giống nhau.
Chính vì vậy, năm học 2022-2023 đã có một số tỉnh vẫn áp dụng hình thức kiểm tra môn Ngữ văn đối với các lớp đang thực hiện chương trình 2018 bằng hình thức trắc nghiệm kết hợp với tự luận theo cấu trúc đề mà Bộ đã tập huấn cho Sở và Sở triển khai đến giáo viên ở các nhà trường.
Đối với những lớp đang thực hiện chương trình 2006, đề môn Ngữ văn vẫn thực hiện hình thức tự luận hoàn toàn như những năm học vừa qua. Vì thế, nhiều địa phương cùng một cấp học, cùng môn học nhưng đang tồn tại 2 hình thức kiểm tra khác nhau.
Về lâu dài, việc thực hiện như thế này sẽ khiến học sinh gặp nhiều bất lợi khi thực hiện đề chung và khó khăn cho giáo viên vì họ liên tục phải thay đổi hình thức kiểm tra.
Nếu phương án tổ chức thi tốt nghiệp từ năm 2025, đề thi môn Ngữ văn là tự luận, nhiều địa phương sẽ gặp khó
Tháng 3 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo phương án thi tốt nghiệp Trung học phổ thông từ năm 2025 để lấy ý kiến góp ý của xã hội.
Theo dự thảo của Bộ, phương thức tổ chức thi giai đoạn 2025 - 2030 sẽ giữ ổn định phương thức thi trên giấy đồng thời từng bước thí điểm thi trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm ở các địa phương có đủ điều kiện (có thể kết hợp giữa thi trên giấy và thi trên máy tính).
Đến giai đoạn sau 2030 tiến tới tất cả các địa phương trên toàn quốc có đủ điều kiện để tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm.
Môn thi cũng có sự thay đổi khi học sinh sẽ tham gia thi các môn học bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử (đối với giáo dục phổ thông); thi Ngữ văn, Toán, Lịch sử (đối với giáo dục thường xuyên) và các môn học lựa chọn gồm: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.
Theo đó, thí sinh học chương trình trung học phổ thông sẽ dự thi 4 môn học bắt buộc và 2 môn học lựa chọn trong số 4 môn học đã chọn học; thí sinh học chương trình chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông dự thi 3 môn học bắt buộc và 2 môn học lựa chọn trong số 4 môn học đã chọn học.
Về hình thức thi, môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận còn các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm.
Ngân hàng câu hỏi thi và đề thi cho tất cả các môn được xây dựng theo định hướng chú trọng đánh giá năng lực.
Nếu như phương án này được thông qua, môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận thì giáo viên và học sinh ở một số địa phương đang áp dụng hình thức kiểm tra trắc nghiệm kết hợp với tự luận sẽ gặp khó, nhất là cấp Trung học phổ thông.
Bởi lẽ, việc làm quen với một hình thức kiểm tra mới bắt buộc học sinh phải có một quá trình thì mới có thể đạt được hiệu quả tốt.
Tuy nhiên, năm học 2022-2023 học sinh lớp 10 ở một số địa phương đang kiểm tra định kỳ môn Ngữ văn theo hình thức trắc nghiệm với tự luận, sang năm lớp 11 sẽ thực hiện hình thức tự luận hoàn toàn hoặc địa phương không thay đổi và vẫn duy trì hình thức trắc nghiệm kết hợp với tự luận.
Đến lúc thi tốt nghiệp Trung học phổ thông học sinh sẽ làm bài ra sao bởi lâu nay thầy cô dạy và hướng dẫn học sinh kiểm tra trắc nghiệm kết hợp với tự luận, khi thi tốt nghiệp làm bài tự luận hoàn toàn.
Thiết nghĩ, Bộ mà đặc biệt là Vụ Giáo dục trung học cần có một hướng dẫn cụ thể, phù hợp chứ không nên theo kiểu nước đôi: “Trên nguyên tắc giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục về chuyên môn, giáo viên căn cứ vào yêu cầu cần đạt của Chương trình Giáo dục phổ thông môn Ngữ văn để lựa chọn các hình thức kiểm tra, đánh giá theo đúng Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT” sẽ khiến mỗi địa phương thực hiện mỗi kiểu.
Chẳng có giáo viên nào, trường nào dám tự chủ lựa chọn hình thức kiểm tra định kỳ vì thế mới dẫn đến tình trạng Bộ nói “giao quyền tự chủ chuyên môn” , giáo viên “lựa chọn các hình thức kiểm tra” nhưng Sở hướng dẫn kiểm tra môn Ngữ văn theo hình thức trắc nghiệm kết hợp tự luận thì bắt buộc các trường phải cùng thực hiện theo.
Nhưng, dự thảo phương án thi tốt nghiệp Trung học phổ thông từ năm 2025 thì môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận. Vì thế, những địa phương đang áp dụng hình thức kiểm tra môn Ngữ văn mà kết hợp giữa trắc nghiệm và tự luận sẽ khiến cho giáo viên và học sinh lúc thi trở tay không kịp.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://giaoduc.net.vn/bo-giao-duc-khong-bat-buoc-kiem-tra-mon-ngu-van-tu-luan-hay-trac-nghiem-post228939.gd#228939|zone-timeline-5|2