Không đủ thời gian dạy trực tiếp, hiệu trưởng không được xét NGƯT có thiệt thòi?

19/03/2023 06:38
Bùi Nam
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Người viết xin được kiến nghị, góp ý bổ sung trường hợp cán bộ quản lý giáo dục giảng dạy đủ số tiết quy định nên được tính là thời gian trực tiếp giảng dạy.

Nhà giáo Ưu tú, Nhà giáo Nhân dân là một trong những danh hiệu cao quý của Nhà nước dành để tôn vinh những nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có phẩm chất đạo đức tốt, tâm huyết, tận tụy với nghề, là tấm gương sáng, là nhà giáo mẫu mực, tiêu biểu, xuất sắc có ảnh hưởng rộng rãi trong ngành và xã hội, được người học, đồng nghiệp và nhân dân kính trọng.

Sau bài viết “Giám đốc/Phó Giám đốc Sở GD có đủ điều kiện đề nghị xét danh hiệu NGND, NGƯT?”, nhận được sự quan tâm rất lớn của nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục cả nước.

Nhiều cán bộ quản lý trường học là hiệu trưởng, phó hiệu trưởng bày tỏ băn khoăn, thắc mắc về thời gian công tác, giảng dạy trực tiếp để được xét tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú, Nhà giáo Nhân dân.

Bày tỏ băn khoăn về thời gian công tác, một độc giả gửi thắc mắc tới Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam rằng: "Theo quy định cán bộ quản lý phải đứng lớp giảng dạy trực tiếp từ 10 năm trở lên mới đủ điều kiện để được đề nghị xét tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú. Tôi bắt đầu công tác từ tháng 10/2003 đến tháng 8/2010 được bổ nhiệm Phó hiệu trưởng. Thời gian giảng dạy trực tiếp đứng lớp là 7 năm. Bản thân tôi khi làm phó hiệu trưởng đến nay là hơn 13 năm, mỗi tuần vẫn dạy 4 tiết/tuần, nhưng thời gian làm phó hiệu trưởng không được tính là thời gian giảng dạy trực tiếp.

Bản thân tôi đủ điều kiện và được tập thể tín nhiệm nhưng do không đủ thời gian giảng dạy trực tiếp nên không được đề nghị xét tặng danh hiệu cao quý này”.

Băn khoăn của bạn đọc cũng chính là băn khoăn của không ít hiệu trưởng, phó hiệu trưởng hiện đang công tác ở các cơ sở giáo dục trên cả nước.

Ảnh minh họa: nguồn Thư viện pháp luật

Ảnh minh họa: nguồn Thư viện pháp luật

Theo tìm hiểu của người viết cho thấy:

Tại khoản 5 Điều 9 Nghị định 27/2015/NĐ-CP quy định tiêu chuẩn danh hiệu “Nhà giáo Ưu tú” cán bộ quản lý phải đạt tiêu chuẩn về thời gian công tác như sau:

“5. Nhà giáo có thời gian trực tiếp nuôi dạy, giảng dạy từ 15 năm trở lên. Cán bộ quản lý giáo dục có thời gian công tác trong ngành từ 20 năm trở lên, trong đó có 10 năm trở lên trực tiếp nuôi dạy, giảng dạy.”

Tại khoản 5 Điều 8 Nghị định 27 quy định tiêu chuẩn danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân” ngoài việc phải đạt danh hiệu “Nhà giáo Ưu tú” còn phải đạt tiêu chuẩn về thời gian công tác cụ thể như sau: “5. Nhà giáo có thời gian trực tiếp nuôi dạy, giảng dạy từ 20 năm trở lên. Cán bộ quản lý giáo dục có thời gian công tác trong ngành từ 25 năm trở lên, trong đó có 15 năm trở lên trực tiếp nuôi dạy, giảng dạy.

Như vậy, cán bộ quản lý giáo dục bao gồm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng phải đảm bảo đủ thời gian giảng dạy trực tiếp mới đủ điều kiện đề nghị xét tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú, Nhà giáo Nhân dân.

Khi được hỏi: “Theo quy định về chế độ làm việc của giáo viên phổ thông, Hiệu trưởng có nhiệm vụ giảng dạy 2 tiết/tuần, Phó Hiệu trưởng có nhiệm vụ giảng dạy 4 tiết/tuần, vậy thời gian làm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng có được tính là thời gian trực tiếp giảng dạy không?...”

Bộ Giáo dục và Đào tạo từng giải đáp rằng: “Theo quy định hiện hành, Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng dạy đủ số tiết/tuần theo quy định, để nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý vẫn thuộc đối tượng cán bộ quản lý khi tham gia xét tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo Ưu tú.” [1]

Bên cạnh đó, ngày 23/9/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng ban hành công văn số 4732 /BGDĐT-TĐKT về việc triển khai xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú lần thứ 16 năm 2023.

Công văn nêu rõ “Cán bộ quản lý giáo dục có đủ số năm trực tiếp giảng dạy mới đủ điều kiện đề nghị xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú. Thời gian làm cán bộ quản lý giáo dục nhưng vẫn tham gia giảng dạy được tính là thời gian công tác trong ngành giáo dục nhưng không được tính là thời gian trực tiếp giảng dạy.” [2]

Như vậy, nếu giáo viên chỉ trực tiếp đứng lớp dưới 10 năm, sau đó được bổ nhiệm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng dù đạt nhiều tiêu chuẩn, thành tích, được tập thể tín nhiệm,…vẫn không đủ điều kiện để được xét đề nghị tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú do không đủ thời gian giảng dạy trực tiếp.

Thiết nghĩ điều này khá thiệt thòi cho hiệu trưởng, phó hiệu trưởng vì đa số họ là những giáo viên giỏi, nhiều thành tích được tín nhiệm bổ nhiệm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng.

Được biết, hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 27/2015/NĐ-CP về việc xét tặng danh hiệu nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú do đó người viết cho rằng không nhất thiết phải đảm bảo thời gian công tác như trên nếu nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục thực sự ưu tú, có nhiều đóng góp cho ngành.

Bởi trong thời gian công tác hiệu trưởng, phó hiệu trưởng vẫn thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục và trực tiếp giảng dạy số tiết theo quy định hiệu trưởng 2 tiết/tuần, phó hiệu trưởng 4 tiết/tuần.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://moet.gov.vn/giaoducquocdan/thi-dua-khen-thuong/Pages/Default.aspx?ItemID=4588

[2] https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/phapluat/2022-2/ND/cv_4732_huong_dan_xet_ngnd-ngut.pdf

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Bùi Nam