Không ai có quyền đứng trên pháp luật, kể cả Chủ tịch huyện Hậu Lộc

03/10/2018 16:55
QUỐC TOẢN
(GDVN)- “Nếu biết sai không sửa, cơ quan quản lý cấp trên có quyền buộc cấp dưới phải tuân thủ pháp luật. Pháp luật trên hết, không có ai có quyền đứng trên pháp luật".

Không phải cứ thích là điều đến, điều đi

Nhận định về việc điều động, thuyên giáo viên nói chung, cũng như tại huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa, hôm 1/10, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Đầu Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nội vụ Thanh Hóa phân tích rõ:

“Việc điều, động thuyên chuyển công chức, viên chức phải căn cứ vào vị trí việc làm, nhu cầu thực tế, khả năng, năng lực của công chức, viên chức.

Nếu việc điều động, thuyên chuyển là các trường hợp đơn lẻ và theo nguyện vọng của cá nhân thì việc điều chuyển cũng phải phù hợp với nhu cầu thực tế của từng đơn vị.

Tiếp đó, cán bộ công chức, viên chức trong diện điều chuyển phải có chuyên ngành đào tạo phù hợp với vị trí việc làm, khả năng đáp ứng công việc khi thực hiện điều động thuyên chuyển.

Trụ sở Ủy ban nhân dân huyện Hậu Lộc. Ảnh của Quốc Toản.
Trụ sở Ủy ban nhân dân huyện Hậu Lộc. Ảnh của Quốc Toản.

Trong lĩnh vực giáo dục, trước khi thực hiện việc điều động thuyên chuyển cơ quan có thẩm quyền phải lập kế hoạch, đánh giá, rà soát, nhu cầu từng đơn vị, trên cơ sở đó cân đối, bố trí giáo viên phù hợp trong số lượng hiện có.

Bên cạnh đó, trước khi ra quyết định điều động, thuyên chuyển, cơ quan có thẩm quyền cần phải trao đổi, làm công tác tư tưởng với các đơn vị (cơ sở giáo dục) đang trực tiếp quản lý, sử dụng công chức, viên chức (bên tiếp nhận và bên điều đi) và những người trong diện điều động, thuyên chuyển…

Sau khi thực hiện đúng, đủ quy định về điều động thuyên chuyển thì mới ban hành quyết định điều động, thuyên chuyển chính thức. Do vậy, việc điều động, thuyên chuyển cần thực hiện theo lộ trình, phương án cụ thể.

Không ai có quyền đứng trên pháp luật, kể cả Chủ tịch huyện Hậu Lộc ảnh 2

Bí thư huyện Hậu Lộc biết rõ những sai trái trong vụ đánh úp giáo viên

Vấn đề quan trọng trong việc điều động, thuyên chuyển giáo viên là phải đảm bảo tính minh bạch, công khai”, ông Đầu Thanh Tùng cho biết.

Giám đốc Sở Nội vụ Thanh Hóa cũng cho rằng, từ những phản ánh của báo chí liên quan tới việc điều động, thuyên chuyển giáo viên, huyện Hậu Lộc cần rà soát các khâu trong việc thực hiện quy định, để có phương án xử lý phù hợp.

“Cơ quan có thẩm quyền cần kiểm tra, rà soát để biết việc điều động, thuyên chuyển còn thiếu sót ở khâu nào. Từ đó đưa ra giải pháp giải quyết cho phù hợp, tạo sự đồng thuận.

Về cơ bản cái gốc vấn đề trong điều động thuyên chuyển vẫn phải đảm bảo phù hợp với vị trí, việc làm, trình độ chuyên môn.

Ví dụ trường này đang thừa giáo viên Toán, trường kia đang thiếu giáo viên dạy Văn thì không thể điều thầy giáo dạy môn Toán đến trường đang thiếu giáo viên dạy môn Văn được. 

Việc điều chuyển phải theo vị trí, việc làm, phù hợp với chuyên môn. Không phải cứ thích là điều chỗ này đến, điều chỗ kia đi”, ông Tùng nhấn mạnh. 

Ông Nguyễn Văn Luệ  -Chủ tịch huyện Hậu Lộc không thể đứng trên pháp luật

Đến nay, câu chuyện điều động, thuyên chuyển giáo viên tại huyện Hậu Lộc,Thanh Hóa vẫn chưa có hồi kết khi cơ quan có thẩm quyền vẫn chưa đưa ra phương án giải quyết triệt để vụ việc mặc dù địa phương này đã thừa nhận vi phạm.

Các vi phạm trong điều chuyển giáo viên đối với trường hợp cô T.T.P và thầy L.V.T đã được huyện Hậu Lộc thừa nhận có thể đề cập ở các khía cạnh sau:

Cơ quan có thẩm quyền chưa xem xét, bàn bạc cụ thể, thấu đáo khi đưa ra quyết định điều chuyển; việc phối hợp giữa Phòng Nội vụ và Phòng Giáo dục và Đào tạo chưa chặt chẽ, đầy đủ, không nắm vững quy định, chưa nắm rõ đặc điểm và tình hình của các trường khi đưa ra quyết định điều chuyển.

Chưa xem xét, nghiên cứu kỹ hoàn cảnh gia đình cũng như nguyện vọng của cán bộ quản lý, giáo viên trong quá trình thực hiện, dẫn đến những vi phạm không đáng có trong việc điều chuyển giáo viên.

Không ai có quyền đứng trên pháp luật, kể cả Chủ tịch huyện Hậu Lộc ảnh 3Cần làm rõ dấu hiệu lợi ích nhóm trong vụ giáo viên bị huyện...đánh úp

Việc điều động, thuyên chuyển giáo viên một cách thiếu khoa học, không đúng quy định tại huyện Hậu Lộc cũng gây ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý nhà giáo, làm đảo lộn cuộc sống sinh hoạt của một số giáo viên, gây bức xúc trong dư luận.

Vụ việc sẽ chẳng có gì ầm ĩ nếu huyện Hậu Lộc tuân thủ các quy định trong việc điều động, thuyên chuyển cán bộ công chức, viên chức và sửa sai những quyết định "đánh úp" giáo viên của mình.

Bên cạnh đó, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có vi phạm trong vụ việc nêu trên.

Thực tế, đã có không ít trường hợp cá nhân, tổ chức bị kiểm kiểm, thậm chí kỷ luật vì có vi phạm trong việc bổ nhiệm, điều động, thuyên chuyển giáo viên và cấp có thẩm quyền buộc phải sửa sai trước những quyết định sai trái đó.

Vậy thì chẳng có lý do gì mà cơ quan có thẩm quyền huyện Hậu Lộc lại để vụ việc “nhì nhằng”, kéo dài mãi như vậy. Một sự việc tưởng chừng đơn giản nhưng lãnh đạo huyện giải quyết mãi chưa xong, gây hoài nghi cho dư luận, hoang mang cho giáo viên là điều hết sức đáng buồn.

Tiếp tục trao đổi nội dung nên trên với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam hôm 2/10, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền thực hiện điều động, thuyên chuyển giáo viên sai quy định thì phải sửa sai.

“Nếu biết sai mà không sửa, cơ quan quản lý cấp trên có quyền buộc cấp dưới phải tuân thủ pháp luật.

Pháp luật là trên hết, không có ai có quyền đứng trên pháp luật”, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh nói, đồng thời đề nghị làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có vi phạm trong vụ việc nêu trên.

QUỐC TOẢN