Kết thúc năm học, Nậm Pồ vẫn chưa có trang thiết bị dạy học lớp 6,7

01/06/2023 06:32
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Dù đã kết thúc năm học nhưng các trường trên địa bàn huyện Nậm Pồ vẫn chưa có trang thiết bị học tập cho lớp 6, 7

Nậm Pồ được biết đến là huyện biên giới của tỉnh Điện Biên với địa bàn huyện rộng, dân cư phân bố không tập trung, kinh tế chậm phát triển, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, một số xã việc di dịch tự do, lợi dụng tôn giáo… đã ảnh hưởng đến công tác vận động học sinh ra lớp và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Kết thúc năm học 2022 – 2023, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có trao đổi với ông Ngô Xuân Chiến - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ (tỉnh Điện Biên) về quá trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1, 2, 3, 6, 7.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ cho biết, cùng với cả nước, trong năm học 2022-2023, Nậm Pồ đã triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1, 2, 3 và lớp 6, 7 tại 14 trường bao gồm 3 trường liên cấp tiểu học và trung học cơ sở, 11 trường tiểu học.

Điều kiện cơ sở vật chất để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở Nậm Pồ còn gặp nhiều khó khăn. Ảnh minh họa: LC

Điều kiện cơ sở vật chất để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở Nậm Pồ còn gặp nhiều khó khăn. Ảnh minh họa: LC

Trong quá trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, huyện Nậm Pồ cũng có nhiều thuận lợi tuy nhiên bên cạnh đó cũng phải đối mặt với một số khó khăn nhất định.

Về thuận lợi, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ cho biết: Công tác giáo dục và đào tạo tại huyện luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo và chỉ đạo từ Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên, Huyện uỷ, Hội đồng nhân dân – Ủy ban nhân dân huyện.

Sự phối hợp chặt chẽ của các ban ngành đoàn thể trong huyện và sự quan tâm của chính quyền địa phương cùng sự đồng tình ủng hộ từ nhân dân đã đảm bảo sự thực hiện chương trình và sử dụng sách giáo khoa mới.

Mạng lưới và quy mô trường lớp được duy trì ổn định, tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi ra lớp đạt đủ chỉ tiêu kế hoạch và tăng so với năm học trước.

Đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục tích cực và chủ động tham mưu các giải pháp chỉ đạo công tác giáo dục và đào tạo phù hợp với địa phương.

Đội ngũ giáo viên trẻ, nhiệt tình, trách nhiệm và có năng lực chuyên môn đáp ứng yêu cầu đổi mới.

Tất cả giáo viên đã được tham bồi dưỡng đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và sử dụng sách giáo khoa cho lớp 1, 2, 3, 6, 7.

Cơ sở vật chất và trang thiết bị đầu tư cho công tác giáo dục đã cơ bản đáp ứng đủ điều kiện hoạt động dạy và học. Thiết bị dạy học và sách giáo khoa được cung cấp đầy đủ và đảm bảo chất lượng.

Bên cạnh những thuận lợi, ông Ngô Xuân Chiến cũng nêu ra một số vấn đề khó khăn mà ngành giáo dục huyện nhà đang phải đối mặt.

Cụ thể, do đời sống nhân dân vẫn còn khó khăn, nhiều gia đình có bố mẹ đi làm ăn xa, do đó chưa quan tâm đến việc học của con em.

Một số cơ sở vật chất trường học chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới như diện tích phòng học nhỏ, thiếu phòng học chức năng các môn học như Âm nhạc, Mĩ thuật, Ngoại ngữ…

Do nguồn kinh phí hạn hẹp nên ngành giáo dục huyện gặp nhiều khó khăn trong việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất tại các nhà trường.

Số lượng giáo viên còn thiếu so với định mức chung, đặc biệt là giáo viên môn Tiếng Anh.

Phòng học và phòng học bộ môn chưa đáp ứng yêu cầu quy định tại Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT, Thông tư số 14/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về kiên cố hóa trường lớp học và diện tích.

Cơ sở vật chất ở một số trường còn thiếu và chưa đồng bộ. Một số công trình đã được xây dựng từ lâu đang có dấu hiệu xuống cấp cần được sửa chữa.

Việc mua sắm thiết bị dạy học còn chậm (hiện tại vẫn chưa có thiết bị dạy học cho lớp 6, 7), và trang thiết bị dạy học cũ vẫn đang phải tận dụng lại do thiếu hụt.

Một số học sinh lớp 1, lớp 2 học tại các điểm trường xa trung tâm xã, do đó công tác quản lý và ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy các môn học chưa được thường xuyên.

Năng lực giao tiếp và hợp tác của học sinh còn hạn chế, dẫn đến việc học sinh chưa tự tin tham gia các hoạt động học tập.

Các hoạt động tập thể và trải nghiệm bị hạn chế, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục toàn diện đối với học sinh.

Việc dự giờ và trao đổi chuyên môn giữa các giáo viên còn hạn chế.

Một số trường gặp khó khăn trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường.

Đội ngũ giáo viên được đào tạo thực hiện theo chương trình giáo dục 2006, do đó việc phân công chuyên môn và tổ chức thực hiện một số môn như Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp... của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 vẫn gây khó khăn cho các nhà trường.

“Mặc dù có những khó khăn tồn tại, nhưng với sự quan tâm và hỗ trợ của lãnh đạo, chính quyền địa phương, các ban ngành đoàn thể và sự đồng lòng của nhân dân, huyện Nậm Pồ đang nỗ lực để nâng cao chất lượng giáo dục và đảm bảo môi trường học tập tốt cho các em học sinh”, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ cho biết.

Trần Phương