Hội thảo KH: Đào tạo Nghệ thuật trong tiến trình hội nhập, phát triển hiện nay

07/10/2022 06:20
Ngân Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Học sinh phổ thông học Mỹ thuật là một trong những nền tảng để đào tạo Mỹ thuật ứng dụng ở bậc đại học góp phần năng cao giáo dục thẩm mỹ.

Ngày 06/10, Trường Đại học Nghệ thuật - Đại học Huế phối hợp với Câu lạc bộ Khối đào tạo giáo viên nghệ thuật, Câu lạc bộ Khối trường Mỹ thuật ứng dụng tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc chủ đề: “Đào tạo Nghệ thuật trong tiến trình hội nhập và phát triển hiện nay”.

Tham dự hội thảo, về phía Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam có: Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, hiện là Chủ tịch Hiệp hội và Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch thường trực.

Tại hội thảo, Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng trao kỷ niệm chương cho một số thầy cô.

Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam trao kỷ niệm chương cho một số thầy cô

Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam trao kỷ niệm chương cho một số thầy cô

Cũng trong khuôn khổ chương trình, đã diễn ra lễ ký kết giữa Trường Đại học Nghệ thuật - Đại học Huế với các trường đào tạo nghệ thuật khác.

Lễ ký kết giữa Trường Đại học Nghệ thuật - Đại học Huế với các trường đào tạo nghệ thuật khác.

Lễ ký kết giữa Trường Đại học Nghệ thuật - Đại học Huế với các trường đào tạo nghệ thuật khác.

Tại hội thảo, Tiến sĩ Đỗ Xuân Phú - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Nghệ thuật - Đại học Huế bày tỏ: “Việc tổ chức hội thảo lần này có ý nghĩa vô cùng to lớn và đánh dấu quan trọng của các hội thảo nâng cao chất lượng giáo dục đại học Việt Nam tại Đại học Huế.

Hội thảo nhằm để góp tiếng nói chung nhất về nâng cao chất lượng trong lĩnh vực quản lý, đào tạo. Hội thảo chính là nguồn thông tin để Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Câu lạc bộ Khối đào tạo giáo viên nghệ thuật, Câu lạc bộ khối trường Mỹ thuật ứng dụng có cơ sở báo cáo Quốc hội, Chính phủ, Bộ, ngành để ban hành những cơ chế, chính sách đặc thù khối ngành văn hóa nghệ thuật”.

Tiến sĩ Đỗ Xuân Phú - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Nghệ thuật - Đại học Huế phát biểu tại hội thảo.

Tiến sĩ Đỗ Xuân Phú - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Nghệ thuật - Đại học Huế phát biểu tại hội thảo.

“Trong nội dung của các tham luận, cho thấy sự gắn bó, tâm huyết của các tác giả đã trình bày những kỳ vọng trong bối cảnh đào tạo nghệ thuật hiện nay. Văn hóa nghệ thuật với thế mạnh đặc thù riêng có, với tư cách là một lĩnh vực “rất quan trọng, tinh tế về nghệ thuật” đã làm gì và hiện diện như thế nào. Những vấn đề nào trong nhu cầu bức thiết của đời sống xã hội đương đại đã trở thành sức hút hấp dẫn đối với nghệ thuật tạo hình, nghệ thuật thiết kế và giáo dục nghệ thuật.

Làm thế nào để những nhà quản lý vĩ mô có chủ trương, định hướng và chính sách đội ngũ phù hợp. Mặt khác, nhà giáo nghệ thuật và đội ngũ quản lý nghệ thuật thấy rõ tầm quan trọng đó để sẵn sàng nhập cuộc bằng tâm huyết, trí tuệ, tài năng, bản lĩnh và đem lại những giá trị tiêu biểu trong công tác giảng dạy, sáng tác, thiết kế đạt nhiều thành quả đáng quý của giảng viên và sinh viên.

Chính vì vậy, Ban tổ chức hội thảo rất mong muốn có nhiều ý kiến ngoài các bài nghiên nhằm làm rõ thêm vị trí, vai trò, nhiệm vụ trong khối đào tạo giáo viên nghệ thuật, khối trường Mỹ thuật ứng dụng” - Tiến sĩ Đỗ Xuân Phú nhấn mạnh.

Tại hội thảo, có 4 tham luận được lựa chọn trình bày gồm:

Tham luận “Thực trạng và dự báo về đào tạo Mỹ thuật ứng dụng ở Việt Nam” của Tiến sĩ Phạm Phương Linh và Phó Giáo sư Quách Thị Ngọc An.

Tham luận “Đào tạo Mỹ thuật ứng dụng góp phần giáo dục thẩm mỹ trong tiến trình hội nhập” của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lan Hương (Trường Đại học Mở Hà Nội).

Tham luận “Ứng dụng phương pháp thiết kế mannequin trong đào tạo thiết kế thời trang với xu thế hội nhập và phát triển” của Nghiên cứu sinh Lưu Ngọc Lan (Phó Trưởng khoa Thiết kế thời trang và Công nghệ may, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương).

Tham luận “Nghiên cứu dựa trên thực hành và sự cần thiết triển khai trong nghiên cứu - giảng dạy tại các trường đào tạo mỹ thuật” của tác giả Đỗ Kỳ Huy.

Đáng chú ý, tại tham luận “Thực trạng và dự báo về đào tạo Mỹ thuật ứng dụng ở Việt Nam” tác giả chỉ ra nhiều nội dung: “Từ sự thờ ơ của xã hội trong những năm 1980, nhu cầu xã hội với khối ngành Mỹ thuật ứng dụng không nhiều, ít người hiểu Mỹ thuật ứng dụng (applied art) là gì. Nhưng cuộc sống đã làm thay đổi nhiều thứ, vào những năm 2000 tới nay, Việt Nam có sự phát triển đột biến một số nghề thuộc khối ngành này. Tiêu biểu như: Thiết kế đồ họa (Graphic design), Thiết kế thời trang (Fashion design), Thiết kế nội thất (Interior design, Furniture design) là ba ngành nhận được sự yêu thích của giới trẻ ở Việt Nam”.

Tuy nhiên, có hai hướng đi của cử nhân thiết kế chưa đủ năng lực thích ứng công việc: Một là, tiếp tục bồi dưỡng trình độ kiến thức và kỹ thuật thiết kế để nâng cao trình độ, tiếp tục theo đuổi nghề thiết kế.

Thứ hai, là chuyển đổi sang nghề gần, tìm kiếm những việc làm khác để có thể làm được, hoặc chuyển mục tiêu học sang một ngành đào tạo mới, dự phòng cho một sự chuyển đổi” - Tiến sĩ Phạm Phương Linh chỉ ra.

Tiến sĩ Phạm Phương Linh trình bày tham luận.

Tiến sĩ Phạm Phương Linh trình bày tham luận.

Từ đó, tham luận này đưa ra dự báo về đào tạo Mỹ thuật ứng dụng ở Việt Nam: Bổ trợ kiến thức thiết kế hoặc du học tại chỗ.

Trong tham luận “Đào tạo Mỹ thuật ứng dụng góp phần giáo dục thẩm mỹ trong tiến trình hội nhập” của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lan Hương (Trường Đại học Mở Hà Nội) đã chỉ ra một số giải pháp đào tạo Mỹ thuật ứng dụng góp phần ng cao giáo dục thẩm mỹ gồm:

“Một là, mỹ thuật phải được học từ giáo dục phổ thông. Thật may mắn khi hiện nay, chương trình giáo dục phổ thông mới đã xây dựng môn Mỹ thuật cả ở tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Hai là, mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực Mỹ thuật ứng dụng là đào tạo con người có kiến thức và kỹ năng cao, có đạo đức, có kỷ luật, có trách nhiệm.

Ba là, chuẩn đầu ra phải vận dụng được kiến thức, kỹ năng chuyên môn để giải quyết các vấn đề thực tiễn.

Bốn là, chương trình đào tạo phải thể hiện cụ thể, sinh động, kết hợp lý thuyết và thực hành, thiết thực, linh hoạt và hiện đại.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lan Hương trình bày tham luận.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lan Hương trình bày tham luận.

Năm là, nội dung kiến thức phải tổng hợp và có hệ thống, loại bỏ những nội dung cũ, lạc hậu và bổ sung những tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới.

Sáu là, giảng viên cần có ý tưởng sáng tạo trong việc cập nhật cấu trúc kiến thức, thay đổi ý tưởng phương pháp giảng dạy theo tình hình thực tế.

Bảy là, quy mô lớp học đối với ngành học đặc thù chuyên ngành sâu sinh viên phải chia nhỏ học chuyên ngành.

Tám là, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất để đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao trong thời kỳ mới.

Chín là, hấp dẫn học viên bằng chương trình đào tạo chất lượng cao thông qua những khóa tham quan, kiến tập”.

Cuối cùng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lan Hương cho rằng: “Đất nước đang đổi mới hội nhập quốc tế đòi hỏi chúng ta phải chứng tỏ tài năng, tâm huyết của người nghệ sỹ, nghệ nhân, của nhà khoa học - cả dân tộc đang đòi hỏi những sản phẩm thiết kế Mỹ thuật ứng dụng thể hiện đầy đủ cả trình độ tư tưởng, ý thức thẩm mỹ, giá trị nghệ thuật... góp phần giáo dục thẩm mỹ trong tiến trình hội nhập”.

Các chuyên gia trong lĩnh vực đào tạo nghệ thuật đến từ các trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc đánh giá cao những nội dung tham luận.

Sau khi diễn ra một số cuộc tham luận, lãnh đạo Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cùng các đại biểu tham dự hội thảo dành thời gian tham quan triển lãm trưng bày tại Trường Đại học Nghệ thuật - Đại học Huế.

Lãnh đạo Hiệp hội cùng các đại biểu tham dự hội thảo tham quan triển lãm trưng bày.

Lãnh đạo Hiệp hội cùng các đại biểu tham dự hội thảo tham quan triển lãm trưng bày.

Lãnh đạo Hiệp hội chụp ảnh kỷ niệm cùng các đại biểu dự hội thảo.

Lãnh đạo Hiệp hội chụp ảnh kỷ niệm cùng các đại biểu dự hội thảo.

Ngân Chi